quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Hoa Trinh nữ ở Trường Sơn

Thứ Tư, 19/07/2017 | 06:26:00 AM

VACNE- “Quảng Bình có động Phong Nha/ Có đèo Đá Đẽo có phà Xuân Sơn”. Câu ca dao nói về 3 trọng điểm bị bắn phá ác liệt nhất, gay go gian khổ nhất trên đường Trường Sơn Bắc thời chiến tranh chống Mỹ

 Nguyễn Đình Hòe,  VACNE

  

 

1.Đèo Đá Đẽo dài 17 km nằm trên đường Hồ Chí Minh (trước đây là đường 15) , là ranh giới giữa  2 huyện Minh Hóa, và Bố Trạch tỉnh Quảng Bình.Từ Đồng Hới lên đèo Đá Đẽo chừng 100km. Con đèo ngoằn ngèo trên những sườn núi đá vôi thuộc khối đá vôi lớn nhất Đông Dương trong đó có VQG Phong Nhà Kẻ Bàng. Trong chiến tranh, trên tuyến 15A vượt qua vùng “cán xoong” Quảng Bình thì đèo Đá Đẽo là tử huyệt. Địa danh Đá Đẽo sinh ra từ việc cung đèo làm trên nền núi đá vôi tai mèo, người đi đầu mở đường phải đẽo đá để đi. Ngày nay, trên đỉnh đèo vẫn còn một tấm bia đá “Đèo Đá Đẽo trọng điểm bắn phá ác liệt của không quân Mỹ từ năm 1965 đến 1972” Tám năm dài, không một ngày nào ở trọng điểm này ngớt bom đạn.

 

 

2.Đầu năm 1972, ở tuổi 22 với chiếc lon binh nhì trên vai, tôi được điều về tiểu đoàn 42 ở thung lũng Chà Nòi dưới chân đèo Đá Đẽo. Ban ngày Đá Đẽo thật vắng lặng, chỉ có gió lay động tán cây rừng xen trong tiếng suối chảy. Đêm đến hàng ngàn đồng đội bỗng xuất hiện như trong cổ tích. Có đủ thứ quân, từ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân quốc phòng, bộ đội chính quy, và đặc biệt là rất nhiều con gái. Người sửa đường cho xe đi, người tải đạn, người xây dựng các kho chứa đạn trong hang, kẻ chăm sóc thương binh chưa kịp đưa ra quân y viện dã chiến. Rồi xây dựng các hầm chữ A dọc 2 bên đường cho bộ đội hành quân có chỗ tránh bom. Rồi chôn cất đồng đội bị hy sinh. Rồi hỗ trợ cho các đơn vị cơ giới kể cả xe tăng hành quân vào Nam theo đường 15 (có không ít xe lao xuống vực vì vừa hành quân vừa tập lái)….Chưa kịp quen mặt nhau thì đã sáng, thế là biến hết vào các lán trại trong rừng. Ban ngày đường 15 lại vắng lặng với máy bay Mỹ quần thảo và phóng bom vào bất cứ cái gì khả nghi, động đậy.

 

3.Ven đường 15 gần nơi đơn vị đóng quân có một khoảnh đất nhỏ mọc đầy cây trinh nữ, còn gọi là cây xấu hổ vì khi động vào , lá nó cụp lại như xấu hổ. Đây là loại cây thân thảo mọc bò lan sát mặt đất, có những chùm hoa màu tím nhạt như chùm tia mặt trời lúc hừng đông.

 

Tôi đặc biệt yêu loại hoa “hay xấu hổ” này từ thời sinh viên, nên khi có thời gian rảnh hay tìm cớ ra khoảnh trinh nữ này để ngắm nghía cho thỏa mắt. Cũng là dịp để nhớ lại những “kỷ niệm xưa” thời còn đứng trên bục giảng.. Có một lần đang đứng ngẩn ngơ ngắm hoa xấu hổ, chợt nghe tiếng líu ríu con gái ngay sau lưng. Hoa đẹp không anh? Không đẹp đâu! Có gai sắc lắm đó. Rồi một giọng chèo cất lên “Em không yêu binh nhất, em không yêu binh nhì,…”. Rồi một nhóm con gái bộ đội chạy vụt đi để lại những tiếng cười . Tôi không biết tên mấy “thím” này nhưng đoán là ở đại đội nữ người Nghĩa Hưng Nam Định – vùng đất chèo xứ Bắc. Cũng giọng chèo đó tôi còn được nghe vài ba lần nữa khi đi làm vào lúc xẩm chiều. Đại đội tôi toàn chiến binh dày dạn trận mạc, chỉ có vài binh nhì “trẻ nhất làng” như tôi nên ai bắt nạt cũng phải chịu.

 

4. Cuối tháng 12 năm 1972 tôi và nhóm binh nhì kỹ sư được lệnh ra trung đoàn bộ ở Hương Khê Hà Tĩnh rồi ra Bắc cho nhiệm vụ mới. Ngày hành quân lên đường, một “thím” bên đơn vị Nghĩa Hưng nói nhỏ “em tiễn anh một đoạn”. Đến con dốc nhỏ ra đường 15, chúng tôi dừng lại.”Thím” trao cho tôi một bọc nhỏ “Em biết anh không có tiêu chuẩn nhận võng” (binh nhì nghĩa vụ mà – tôi nghĩ), “em có chiếc võng đôi, cho anh một nửa ngủ tạm trên đường hành quân”. Rồi “thím” nhẹ dựa thoáng qua rất nhanh vào vai tôi “Anh đi chân cứng đá mềm. Em mong ngày hòa bình đón anh về nhà em chơi, ở Nghĩa Hưng”. Rồi em chạy đi, được dăm bước bỗng dừng lại, và tôi bỗng được nghe lại câu chéo quen thuộc “ em không yêu binh nhất,…” nhưng lần này tiếng hát như đẫm nước mắt.

 

Chúng tôi hành quân bộ mất 3 ngày trời qua các trọng điểm đánh  phá trên đường 15 như Đèo Đá Đéo, Ngã ba Quy Đạt, Ngã ba Thanh Lạng mới đến Trung đoàn bộ. Tối đến nhà dân,được bà con nhường giường cho ngủ mà chưa dùng đến võng. Đêm thứ tư mới cần võng. Tôi mở chiếc võng ra chợt thầy có mấy bông hoa trinh nữ đã khô. Tôi lặng người chợt nhận ra mình là kẻ vô tình nhất trên đời này

  

5.Sau khi ký hiệp định Paris, Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, một đồng đội ở đơn vị  ra Hà Nội nhận cong tác mới ở Bộ tư lệnh Thông tin đến thăm tôi. Anh cho biết vào cuối tháng 12 năm 1972, đơn vị bị trúng bom. Một căn hầm củaTiểu đội Hoa Trinh nữ không còn ai nguyên vẹn, Đồng đội nhặt nhạnh từng mảnh vụn thi thể chia đều thành 7 phần, đắp thành 7 ngôi mộ. Nhưng chỉ ít ngày sau, khu mộ ấy lại trúng bom. Lần này đồng đội không tìm được mảnh thi thể nào….


6. Bây giờ đường 15 đã trở thành xa lộ Hồ Chí Minh. Tôi cũng có vài dịp đi trên con đường đó nhưng không thể nhận ra những nơi đơn vị đã đóng quân thời 1972. Những lối mòn ngày xưa giờ cây cối phủ kín um tùm. Nhưng vẫn còn đây đó những trảng hoa trinh nữ. Tôi tin rằng linh hồn của đồng đội, của em gái Hoa Trinh Nữ của tôi đã nhập vào và làm rực rỡ thêm loài hoa giản dị và xinh đẹp này. Mỗi lần nhớ đến em tôi lại nhớ câu chèo mà em hay hát chọc tôi “em không yêu binh nhất, em không yêu binh nhì,…”. Muốn nói với em rằng hình dáng em, và câu hát, và nụ cưới, và tấm lòng của em không bao giờ nhạt phai trong trái tim tôi, cái gã kỹ sư – binh nhì đệ nhất vô tình thời ấy..

 

 

Lượt xem: 2366

Các tin khác

NGƯỜI THANH LỊCH

(15/04/2024 09:45:PM)

Cây Nghiến Di sản Lâm Bình

(08/04/2024 11:42:AM)

TÂM THƯ TƯ BẢN

(01/04/2024 11:09:AM)

CÂY KƠ NIA TRÊN ĐẤT TỔ

(30/03/2024 10:36:PM)

THƠ … SẠCH XANH

(21/03/2024 11:51:PM)

PHÙ HỘ

(20/03/2024 03:27:PM)

THI ... ĐUA

(17/03/2024 05:43:AM)

“Khúc nhạc” của rừng

(15/03/2024 06:17:AM)

THỜI SỰ

(10/03/2024 11:43:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE