Ở một nơi xa xôi, xung quanh là núi rừng, cách cao nguyên đá vài trăm kilomet về phía Đông Nam - nơi góc sân trường, một khoảnh đất nhỏ được phủ xanh rờn bởi đám cây mới tách hạt, thân nổi bật màu hồng đỡ những chiếc lá xanh có dạng hình tim với đầu nhọn như lưỡi mác.
Ngạc nhiên về loài cây đang lên um tùm mà không rõ cây gì mỗi lần ngang qua. Cô phụ trách mảng chăm nom trường học bảo: - Cây hoa (!).
Sự tò mò cứ thế tăng theo tỷ lệ thuận chiều cao cây. Sang tháng ba, khi những cơn gió Đông Bắc đã bớt dần thì “đám cây kia” bắt đầu ra hoa. Những chùm hoa màu trắng xen hồng phấn, nhỏ xinh, kết tụ lại tạo nên một thảm hoa mềm mại. Loài hoa sao quen quá! Có lần bất chợt hỏi:
- Có phải hoa Tam giác mạch?
Có cô giáo cười, gật đầu. Hóa ra loài hoa nổi tiếng của vùng đất Hà Giang. Ở đây, Tam giác mạch đã đổi mùa hoa.
Tam giác mạch, tên gọi khác là kiều mạch, lúa mạch đen, mạch ba góc, là loài thực vật họ Rau răm (cùng họ với Tigon, Hà thủ ô đỏ, Nghể, ...). Trong ngành trồng trọt, cây thuộc nhóm hoa màu. Cây hoa màu vốn dễ tính, không kén đất. Ở vùng núi cao nguyên khô cằn, Tam giác mạch không đưa ra bất kì điều kiện nào, chỉ âm thầm chắt lọc tinh khí của đất trời mà lớn lên; rồi âm thầm đến bên người khi hạt lúa, hạt ngô cuối cùng đã hết.
Về nguồn gốc, theo tích xưa, Thiên đình muốn con người được no ấm, bèn sai hai nàng tiên là tiên Gạo và tiên Ngô xuống hạ giới gieo lúa và ngô cho con người. Phần mày lúa, mày ngô (phần vỏ mỏng nằm ngoài hạt) không biết làm gì, hai nàng tiên bèn đổ xuống khe núi. Cây lúa cây ngô lớn lên cho hạt. Con người được no ấm. Nhưng chẳng bao lâu sau, lúa và ngô cũng hết. Mùa mới lại chưa tới. Con người đói quá rủ nhau vào rừng tìm cái ăn. Đi đến khe núi nọ, họ thoảng thấy mùi hương dịu nhẹ chưa từng biết đến bao giờ. Họ cứ đi theo hướng tỏa hương thì đến một nơi được phủ trắng bởi một loài cây có hoa nhỏ li ti. Sau khi hoa kết hạt, con người mang về ăn thử thấy ngon không kém gì lúa, ngô. Từ đó, con người mang về trồng. Bột từ hạt loại cây này dùng làm bánh, nấu rượu. Bánh tam giác mạch có tác dụng chống suy nhược cơ thể. Lá không chỉ là một loại rau mà còn được người dân sử dụng kết hợp với một vài loại lá khác trong việc chữa cao huyết áp, là thức uống hàng ngày.
Trong dân gian, Tam giác mạch còn được sử dụng như một vị thuốc trong điều trị phòng bệnh về tai biến, huyết áp, tĩnh mạch, hạ mỡ máu do có chứa Rutin, có khả năng làm bền thành mạch. Bên Trung y, tam giác mạch được dùng để chữa tràng vị tích trệ, tiêu chảy lâu ngày. Ngày nay, tam giác mạch được sử dụng phổ biến trong cộng đồng thực dưỡng, được ví như “Lương thực của người nghèo, thuốc của người giàu”.
Ở Ấn Độ, bột Tam giác mạch được sử dụng chính trong các lễ hội ăn kiêng ngũ cốc của người theo đạo Hindu. Lớn nhất phải kể đến lễ hội Navratri, thờ Nữ thần Durga, vị thần năng lượng, là lễ hội dành cho nữ giới.
Tại Pháp, món bánh truyền thống Galetles làm từ bột Tam giác mạch và trứng gà là thương hiệu bánh nổi tiếng.
Người Nhật Bản với món mì Soba nổi tiếng được làm với thành phần chủ yếu từ bột Tam giác mạch. Vào mùa hè nóng bức, món mì Soba lạnh chính là một trong những món ăn giải nhiệt hiệu quả. Toshikoshi Soba, một loại mì Soba thể hiện sự trường thọ, được trân trọng ăn vào thời điểm giao thừa. Mì Soba còn là biểu tượng cho tình cảm của mọi người đem biếu, tặng nhau trong những dịp nào đó.
Hoa Tam giác mạch nhẹ nhàng, trắng tinh khiết khi mới nở, rồi ấm áp sắc hồng khi sắp kết hạt, hoa chuyển màu sẫm khi chuẩn bị héo rụng. Giống như cuộc đời con người, từ khi là thanh niên, đến lúc trưởng thành và về già. Nơi Tam giác mạch nở hoa là nơi lưu lại những chuyện tình yêu đầy mãnh liệt:
Chuyện tình giữa chàng trai người H’mong và cô gái người Giáy. Do hai bên gia đình vốn có mâu thuẫn nên hai người không đến được với nhau, đành hẹn ước gặp nhau mỗi năm một lần tại nơi đã chứng kiến chuyện tình của hai người (Chợ tình Khâu Vai, Hà Giang).
Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài thể hiện cuộc sống chân thực nơi vùng cao, nơi mà tập tục bắt vợ, rồi tục gán người trả nợ ở vùng cao vẫn còn phổ biến. Trải qua những cơ cực, tủi nhục, bằng sự can đảm, vượt lên số phận, họ tìm đến với nhau.
Chuyện tình yêu vẫn luôn tiếp diễn như nó vốn có từ khi con người được sinh ra trên cõi đời này. Nơi cao nguyên đá, tình yêu chứa chan âm vang của núi rừng, đầy mạnh mẽ như cây hoa, ngọn cỏ nơi đây.
Tam giác mạch là nguồn thức ăn phụ thêm, nhưng lại rất tích cực trong việc nâng cao đời sống của người dân vùng cao, không chỉ đắp đầy sự no đủ mà còn gọi mời du khách từ phương xa, dừng bước trước thảm hoa để rồi trầm trồ, tán thưởng. Là loại cây vốn thật thà, con người mang đến đâu cũng cứ vậy mà lớn lên, đua hoa kết hạt. Dù không nói thành lời, nhưng giữa núi rừng hùng vĩ, nơi mà những câu chuyện tình yêu dệt nên màu sắc của hoa, nơi đầu nguồn sông xanh nhuộm màu lá của cây, thì Tam giác mạch mới thực sự bình an trong tâm hồn để tỏa ra vẻ đẹp nguyên sơ vốn có.
“Ở một nơi xa xôi
Xung quanh là núi đồi ...”
(Lặng yên, Dương Trường Giang )
Tam giác mạch vẫn lặng yên, đợi đến một ngày, nắng tràn, sắc hoa bừng sáng thung sâu.