Hoa dại làm bạn với người dân quê một nắng hai sương nên sắc màu cũng thuần khiết, bền bỉ với thời gian, không ánh lên rực rỡ khoe khoang rồi rụng tắt. Hoa dại không phải là vật để trang trí như: hoa Loa kèn, hoa Mai, hoa Đào, hoa Hồng, hoa Cúc… mà quen sự tảo tần cực nhọc, chắt chiu tinh túy từ đất, từ sương, gió, nắng, mưa để làm nên một vẻ đẹp với làn hương man mác dịu nhẹ và quyến rũ. Dâm Bụt khoác chiếc áo màu đỏ nhẹ nhàng khiêm tốn nấp mình bên dãy hàng rào. Hoa Mướp vàng tươi khoe sắc dưới ánh nắng mặt trời, không phô trương kiều diễm, không mặn mà hương sắc vậy mà ong bướm kéo nhau đến từng đàn. Hoa lục bình thì ở sông suối, ao hồ đâu đâu cũng có. Màu tím nhẹ nhàng thanh thoát của hoa làm cho ta gợi nhớ đến tình yêu chung thủy trắng trong của người phụ nữ chờ chồng hóa đá vọng phu.
Có lẽ trong mỗi chúng ta dù đi đâu, ở đâu cũng chẳng thể nào quên hương lúa quê nhà cho ta cảm nhận được dư vị của sự ấm no. Và kia nữa hoa khoai, những bông hoa như chiếc loa kèn màu tim tím, có sắc không hương, trải dài lan man trên đồng ruộng, từng vồng, từng vồng như những đợt sóng hoa chạy dài tít tắp rất dung dị, khiêm nhường. Hoa Xoan nở rộ vào tháng ba, sắc hoa màu tím nhạt, hương hoa thơm dịu ngọt, lan tỏa khắp cả làng. Có lẽ không một miền quê nào thiếu cây hoa cỏ may loài hoa này không sắc, không hương nhưng có một tình cảm, tình thương diệu vợi. "Nếu ta không bắt gặp thì thôi, gặp rồi thì lại rối bời nhớ thương”. Hoa dại có một đặc tính khiêm nhường đó là: Không bao giờ mọc lấn át cành non, búp lá và những loài hoa khác. Hoa nở như một sự điểm tô, tôn vinh cái đẹp vĩnh cửu của sự sống. Hoa dại không những tôn vinh vẻ đẹp của quê hương, đất nước, con người mà nó còn góp mặt trong bữa cơm gia đình bằng những món ăn ẩm thực mang tính đặc sản vùng miền như: Hoa Điền Điển, hoa Súng, hoa Sen, hoa Thiên Lý, hoa Mướp, hoa bầu bí…
Hoa dại đồng quê là như vậy đó, mộc mạc chân quê không kén chọn nơi sinh trưởng ra mình, mặc dù được lớn lên từ nơi đất cằn, sỏi đá mà vần hồn nhiên dâng hiến cho đời hương thơm, sắc thắm.
|