Hàng vạn người đổ về Lễ hội đền Cao (Chí Linh- Hải Dương) cùng chứng kiến sự kiện vinh danh Cây Di sản do VACNE tổ chức
Ngày 25/2/2011 (tức 23 tháng Giêng năm Tân Mão) hàng vạn đồng bào, chiến sĩ và đông đảo nhân sĩ, trí thức đã về dự lễ hội đền Cao, xã An Lạc (Chí Linh - Hải Dương) cùng chiêm bái rừng cây cổ thụ quanh đền và được chứng kiến sự kiện: Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tổ chức Lễ công nhận 54 cây Lim cổ thụ ở đây là Cây Di sản Việt Nam.
Đây là Lễ vinh danh Cây Di sản Việt Nam mở màn cho năm nay và là sự kiện lần thứ 3 được tổ chức tại nước ta (sau các lễ vinh danh cây Di sản đã được tổ chức trọng thể tại phường Thụy Khuê (Hà Nội) và phường Thủy Xuân (thành phố Huế) vào tháng 10 và 11 năm 2010).
Tất cả 54 cây Lim này đều được đánh số thứ tự và có đủ tiêu chí là Cây di sản Việt Nam. Cây to nhất có chu vi thân tới 3,5 mét, cao 20 mét, nhưng đã có nhiều chỗ bị mục ruỗng, một số cành bị khô mục, rất cần bảo vệ và chăm sóc đặc biệt.
Tới dự lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam tại đền Cao, có GS.TS Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam; TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE; ông Vũ Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh (Hải Dương); ông Phương Đình Anh, Phó trưởng ban Thanh niên nông thôn (Liên hiệp Thanh niên Việt Nam); bà Hoàng Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Đa dạng Sinh học (Bộ TN&MT).
Dự lễ dâng hương tưởng niệm các danh thần và dự lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam tại đền Cao, còn có đông đảo các vị lãnh đạo Hội BVTN&MT Việt Nam; Đảng Ủy, UBND xã An Lạc, thị xã Chí Linh, cùng đông đảo các nhà hoạt động xã hội, đại diện các cơ quan Thông tấn báo chí và hàng vạn khách thập phương trong nước, quốc tế.
Sau nghi lễ dâng hương và rước linh vị các Thượng đẳng phúc thần về núi Thiên Bồng, lễ vinh danh Cây Di sản Việt Nam được tổ chức trọng thể ngay dưới những gốc Lim cổ thụ của đền Cao.
Trong diễn văn khai mạc, TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE đã khẳng định: Đây không phải là sáng kiến đặc biệt của Hội, mà chỉ là hoạt động nhằm khơi dậy truyền thống yêu thiên nhiên, biết trân trọng và bảo vệ cây xanh của người Việt Nam từ ngàn đời nay. Việc công nhận những cây lim cổ thụ này là Cây Di sản Việt Nam, không chỉ nhằm bảo vệ những “linh mộc” quý hiếm ở đền Cao, bảo vệ đa dạng sinh học, mà nó còn nhằm tôn vinh những nhân chứng gắn liền với những dấu ấn lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Trong bài diễn văn tại Lễ tưởng niệm 1.030 năm ngày hóa của 5 vị phúc thần họ Vương và Lễ vinh danh cây Di sản này, ông Vũ Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh cho biết: Do ở vị trí quân sự trọng yếu, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, động thực vật phong phú, núi non giăng thành, đường thủy bộ xuôi ngược thuận tiện… nên thế kỷ X, khu vực này đã trở thành một phòng tuyến, một hậu cứ để tấn công kẻ thù xâm phạm miền Đông Bắc nước ta.
Theo truyền thuyết: vào thế kỷ thứ X, ở Nga Sơn (Thanh Hoá) có hai vợ chồng họ Vương sống với nhau đã lâu nhưng chưa có con, khi đến lập nghiệp ở Dược Đậu Trang (tức xã An Lạc ngày nay) ông bà sinh được 5 người con là Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu, Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng. Họ đều rất giỏi binh thư chữ nghĩa và cả 5 người đều có công giúp vua Lê Đại Hành chống quân Tống xâm lược, giữ yên bờ cõi nước ta. Cả 5 vị được nhân dân tôn làm “Thượng đẳng phúc thần” và ngay sau đó đã xây dựng đền thờ ở khu vực rừng lim. Trong đó, một số cây còn tồn tại cho đến ngày nay.
Qua bao phen vật đổi sao dời, chiến tranh tàn phá và chịu biết bao thử thách khắc nghiệt của khí hậu thời tiết, nhưng ngôi đền và các “cụ lim” ở đây vẫn được người dân nâng niu, bảo vệ, bởi họ đã nhận ra: đây chính là những mốc son của lịch sử; đồng thời cũng là điểm tựa về văn hóa, là đức tin của cả cộng đồng, cho muôn đời con cháu.
Mặc dù chưa có số liệu chính xác, nhưng theo các nhà khoa học, cả 54 cây lim này đều là những “Cụ lim hậu duệ” và không phải là những cây lim được trồng vào năm xây dựng đền Cao (thế kỷ X - năm 981). Nhưng dù sao, cũng là những cây cổ thụ hàng trăm tuổi, xứng đáng là những cây Di sản của Việt Nam cần được cộng đồng vinh danh, chăm sóc và bảo vệ đặc biệt.
PGS.TS Phạm Bình Quyền, Tổng thư ký VACNE đã đọc và trao Quyết định định công nhận Cây Di sản cho ông Dương Đình Ảnh, Chủ tịch UBND xã An Lạc.
Thay mặt cán bộ và nhân dân địa phương, lãnh đạo xã An Lạc bày tỏ sự biết ơn đối với Hội BVTN&MT Việt Nam về sự kiện thày; đồng thời bày tỏ quyết tâm chăm sóc và bảo vệ tốt hơn 54 cây Di sản này, cũng như hàng trăm cây lim non đã được trồng ở khu vực này, nhằm góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống cho địa phương ./.
Danh Trường - VACNE