Hai cây thị cổ xù xì với nhiều mắt ụ, rễ lớn kéo dài hàng mét được coi như "báu vật" ở Thanh Hóa
Nói về thành nhà Hồ, người ta không thể không kể đến hai cây thị cổ có tuổi đời trên 600 năm tuổi, thuộc xã Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), hai cây thị này được coi là "báu vật" biểu tượng tâm linh của vùng đất Xứ Thanh, được công nhận là Cây Di sản Việt Nam năm 2015..
Hai cây thị cổ đã gắn bó với người dân như máu thịt
Theo các cụ cao niên trong làng, hai cây thị cổ đã gắn bó với người dân như máu thịt, trải qua hàng trăm năm với những khắc nghiệt của thời gian, đã từng chịu rất nhiều trận bom đạn dội xuống trong những năm tháng chiến tranh, cây vẫn sừng sững, tỏa bóng mát che chở xóm làng.
Ông Trịnh Văn Hiềng (95 tuổi, thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến) kể: "Từ khi tôi sinh ra đã thấy hai cây thị này mọc ở đây rồi. Bà con chúng tôi coi hai cây thị như là báu vật thiêng liêng của xóm làng, nên không ai chặt, phá và ngược lại còn phải chăm sóc, bảo vệ cho hai cây thị được tốt hơn".
Cũng theo ông Trịnh Văn Hiềng, hai cây thị có từ bao giờ, ai trồng hay tự nhiên mọc chẳng ai biết. Chỉ biết nó nằm gần một ngôi chùa, mà xưa kia người dân thường gọi là "Chùa làng Xuân Giai". Sau đó không hiểu lý do gì mà chùa mất đi, hai cây thị vẫn sừng sững trường tồn. Người dân nơi đây, cũng như khách đến chiêm ngưỡng từ xưa đến nay không ai dám đụng đến hai cây thị này, dù là bẻ một cái cành.
Qua quan sát của phóng viên, hai cây thị có thân hình xù xì với nhiều mắt ụ to, gốc trồi lên các rễ lớn kéo dài hàng mét. Đặc biệt, các tán lá của hai cây thị rất rộng, che mát cả một vùng rộng lớn với bán kính cả chục mét…
Hai cây thị cổ - những nhân chứng lịch sử
Hai cây thị có tuổi đời hơn 600 năm này được trồng ở hai vị trí khác nhau, có khoảng cách hơn 200 mét. Cây thứ nhất nằm cách Hào thành phía Nam của thành nhà Hồ khoảng 30m, cây có chu vi trên 10m, chiều cao trên 20m. Cây thứ hai nằm trong khuôn viên Trường THCS Vĩnh Tiến, có chu vi 9,1m, chiều cao hơn 20m.
Mặc dù, hai cây thị "cổ" đã trải qua nhiều thế kỷ, nhưng vẫn trường tồn như những nhân chứng lịch sử, gắn với quá trình con người mở đất lập làng nơi đây.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, hai cây di sản nằm ở vị trí trung tâm làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, nó gắn liền với quá trình hình thành, hưng vong của vương triều Hồ và thành nhà Hồ trong lịch sử dân tộc ở giai đoạn cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV.
"Năm 2015, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã tổ chức Lễ đón Bằng công nhận và vinh danh hai cây thị cổ là Cây di sản Việt Nam. Hiện tại, hai cây thị có hàng trăm năm tuổi này đang được người dân, Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ chăm sóc, bảo vệ, gìn giữ rất cẩn trọng", ông Lê Bá Linh-Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN