Để trở thành một người Hà Nội già không đến nỗi quá khó khi mà các dịch vụ y tế ngày nay đang nỗ lực phấn đấu không để các cụ “trăm tuổi” vì những chứng bệnh thông thường trước đây ở lứa U70. Những chóng mặt, cảm gió hoặc khoa học hơn gọi là cao huyết áp, tim mạch thì nay đã có đủ thuốc men phòng và chống. Chỉ miễn các cụ nhớ uống thuốc đúng giờ, đúng liều. Hiệu thuốc có bán sẵn những hộp đựng chia thuốc cần phải uống đúng ngày giờ trong tuần. Muốn quên cũng khó.
Thế nhưng muốn gặp những cụ già trên đường phố Hà Nội bây giờ lại không dễ. Rất có thể phải theo chân mấy cô nhà báo xinh đẹp trẻ trung ở đài truyền hình ra khỏi nhà từ lúc năm giờ sáng đến bên các hồ nước công viên để phỏng vấn các cụ. Thời khắc ấy các cụ mới ra đường trong tâm tư bình ổn không bức xúc để sáng suốt kiên nhẫn ngồi nghe xem lũ trẻ hỏi gì. Tập thể dục xong là về. Nhường lại phố phường cho người trẻ.
Bắt đầu buổi sáng là những đàn ông nhôm nhoam trẻ chở vợ ngồi thấp tịt trên giá đèo hàng xe máy và những túi những bọc rau dưa cồng kềnh đằng sau cao lấp đầu. Họ cung cấp thực phẩm cho nhà hàng hoặc bày bán chớp nhoáng trên vỉa hè cho các cụ đi tập thể dục về. Bảy giờ là thu dọn. Hết hàng. Hết khách. Và hết chỗ ngồi. Lũ học sinh mặc đồng phục tràn ra đường. Đi bộ, đạp xe, hoặc ngồi sau xe máy các ông bố bà mẹ trẻ đầy ngờ vực với ngành giao thông vận tải. Chẳng thấy ai còn đủ can đảm cho trẻ nhỏ dưới lớp 5 tự đi bộ đến trường. Những ông bố bà mẹ trẻ đầy trách nhiệm ấy sau khi đưa con đến trường vội vã quay về ăn sáng uống cà phê phố và cất mình kín đáo vào trong các công sở suốt ngày.
Sau tám giờ sáng, những người trẻ ở các vùng lân cận mới phóng xe máy vào đến nơi. Lực lượng vô cùng đông đảo hùng hậu. Đủ cho mọi việc, mọi nhu cầu của một ngày dân phố. Từ nhân viên bán hàng cho đến tất cả những dịch vụ ăn uống, giặt giũ, cắt tóc gội đầu, sửa chữa xe cộ nhà cửa máy móc sinh hoạt. Muộn hơn tí nữa là giờ của công nhân trẻ các ngành nghề điện, nước, điện thoại, truyền hình, viễn thông với quần áo đồng phục rải đều trên các tuyến phố không bao giờ vắng mặt kể cả mưa bão. Leo cột, mở nắp hố ga. Chằng chằng buộc buộc. Alố a lồ. Và tiếp đến là giờ của những người trẻ làm nghề vận chuyển hàng hóa trong nội thành đến các địa chỉ khách hàng bằng tất cả các phương tiện. Họ phóng xe bạt mạng trên đường và sẵn sàng gây tai nạn chứ quyết không chịu nhường bước trước bất cứ một ai. Người Hà Nội lâu dần cũng hiểu cả hàng hóa và phương tiện đều không phải của họ. Thậm chí đến cả thương tích của họ cũng đã có người khác lo. Những người trẻ và không còn trẻ khác phải tuyệt đối tránh họ.
Buổi trưa, chen trong dòng người trẻ tỏa ra từ các công sở tranh thủ ăn uống nghỉ ngơi còn có những người trẻ khác chở cơm hộp đến các văn phòng cao ốc. Những cô gái rất trẻ ăn mặc điệu đà đến các quán gội đầu thư giãn và karaoke đón những khách hàng đầu tiên của một ngày làm việc mới.
Buổi chiều bắt đầu từ bốn giờ là cơn lốc lũ trẻ tan học, đám nhân viên các loại dịch vụ ban ngày hết giờ làm, những người buôn thúng bán bưng chẳng biết lọt vào trong phố từ lúc nào. Cùng với công chức tan tầm chiều, tất cả làm nên một hỗn độn tắc nghẽn trẻ trung cuồng nhiệt với còi bấm, máy rú, khói phun và va chạm gắt gỏng. Những người già, tốt nhất không nên ra đường vào lúc này bởi ngoài chuyện tai nạn khó tránh khỏi đôi khi còn bị người trẻ tặng thêm những câu vô lễ đại loại như, già mà còn…!
Thành phố ngùn ngụt sức trẻ chẳng biết từ bao giờ. Có điều ái ngại là nó ngày một trẻ hơn với những mở mang xây dựng bất chấp những qui tắc dành cho giao thông. Những building ngồn ngộn ngổn ngang khắp cả nội ngoại thành mọc lên như những con phố lớn dựng ngược mỗi sáng mỗi chiều đều đều nhả ra dòng người vô tận vào những con phố nhỏ hơn nằm ngang dưới đất. Những ô tô và xe máy mỗi tháng thêm vào thành phố hàng vạn chiếc được đăng kí lưu hành hẳn hoi.
Người Hà Nội không mong mình già. Cũng như mọi người ở tất cả các miền trên đất nước. Nhưng với một thành phố ngày càng “trẻ” ra theo lối này thì không khéo người Hà Nội sẽ bước vào tuổi già từ lớp U40 trong nay mai. Nghĩa là không còn dám ra đường nữa khi tuổi đã tròm trèm 40. Người Hà Nội đã nghĩ đến việc làm gì để sống sau 40 tuổi chưa nhỉ?