Ngoại thành Hà Nội có nhiều làng cũ, làng cổ. Trong đó, nhiều ngôi làng còn giữ được những cổ thụ hàng trăm năm tuổi được vinh danh là Cây di sản Việt Nam. Những di sản nơi làng quê ấy đã trở thành thực thể sống động, tạo cảnh quan cho làng, là chứng nhân lịch sử, là nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của một vùng đất.
Làng Yên Lạc (xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội) hiện vẫn giữ được những nét bình yên của làng quê Đồng bằng Bắc Bộ. Cây đa chín gốc của làng nằm trước đình, ngay cạnh bến sông Tích Giang.
Niềm tự hào của những vùng quê
Trong hành trình tìm hiểu làng, xã ngoại thành, tôi đã vài lần đến xã Thuần Mỹ của huyện Ba Vì, nơi có 24 cổ thụ, trong đó có cây tới hơn 700 tuổi. Những cây cổ thụ thấp thoáng bên những ngôi nhà tầng mới xây, đặc biệt ba cây gạo nằm sát bên dòng Đà Giang đã tạo cảnh sắc vô cùng tuyệt diệu cho Thuần Mỹ. Ngay tại trụ sở UBND xã đặt tại thôn Lương Khê cũng có 3 cây đa hơn 200 tuổi.
Những năm gần đây, tiến trình xây dựng nông thôn mới giúp đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân xã Thuần Mỹ được nâng lên. Đặc biệt, hương ước của các làng được xây dựng, ngoài nội dung chung tay phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh trật tự..., còn có nội dung bảo vệ cây cổ thụ. Ông Phạm Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Toàn xã có 24 cổ thụ, chủ yếu là cây đa và cây gạo, có tuổi đời nhỏ nhất khoảng 200 tuổi, còn phần lớn khoảng 300 tuổi. Có 5 cây đa 500 tuổi, 1 cây gạo trên 700 tuổi. Người dân trong xã vô cùng tự hào bởi sự quần tụ nhiều cổ thụ trên địa bàn quả là điều hiếm có.
Cụ Nguyễn Văn Ánh 85 tuổi, ở làng Lương Phú kể: Những năm chiến tranh, quần thể cổ thụ trở thành nơi bà con đến tránh bom đạn. Hầu như thân cây nào đến giờ cũng còn găm lại những mảnh bom đạn. Đó cũng là nơi tiễn những người con của xã tòng quân, lên đường bảo vệ Tổ quốc. Trải qua thời gian, chiến tranh tàn phá và thiên nhiên khắc nghiệt, các cổ thụ vẫn hiên ngang sừng sững chứng kiến sự đổi thay của địa phương. Thế hệ trẻ ước mơ thi đỗ đại học, thành đạt cũng đứng dưới gốc cây, ngước lên và cầu ước...
Tương tự Thuần Mỹ, người dân xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) cũng tự hào vì địa phương có 8 cổ thụ được vinh danh Cây di sản Việt Nam, với 4 cây ở thôn Phú Thịnh và 4 cây ở Thanh Trí. Tại đền Cây Sanh ở thôn Thanh Trí có cây sanh và cây bồ kết tuổi đời đã gần 700 năm. Tán của cây sanh khổng lồ tỏa xuống, che mái đền, che cả một khoảng đất rộng mấy chục mét. Cạnh đó là cây bồ kết cũng thực sự là một đại thụ. Đáng nói, dưới gốc sanh là quần thể cây duối mộc mạc, sù sì cũng phải mấy trăm năm tuổi. Cụ Dương Văn Lợi, hội viên Hội Người cao tuổi thôn Thanh Trí cho biết: Các cổ thụ đã nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ người dân, là nơi mỗi người con đi xa luôn hướng về...
Thôn Phú Thịnh cách Thanh Trí chừng 2 cây số. Cụm đình, chùa nhìn ra cánh đồng bát ngát màu xanh. Trước chùa có giếng cổ. Nơi đây hiện diện tấm biển vinh danh Cây di sản Việt Nam cho cây đa lông, cây đa tía và cây táo, ngoài ra trong khuôn viên còn ba cây đa khác cũng hơn 80 tuổi. Đứng ngắm cây táo mà trào lên một cảm xúc khó tả. Thân gốc sù sì khỏe khoắn vươn cao cả chục mét, tán lá xanh tốt gợi sức sống mãnh liệt, kiên cường. Vào những dịp lễ, Tết mọi sinh hoạt làng xã được tổ chức dưới tán cây già.