Những mùa hoa đẹp mải miết đang dần được biết đến bởi những người yêu thích rong ruổi, yêu thích những cái mới, cái lạ ở một nơi tột Bắc đầy khắc khổ này.
Đá và hoa, hai cái tưởng như đối lập, tưởng như tách biệt, thế nhưng ở CNĐĐV, hai màu sắc ấy cứ tự nhiên gắn kết, giao hòa như những bản nhạc để tạo những vẻ đẹp miên man ở một xứ sở còn đầy ẩn bí – CNĐĐV.
Lúc thì vi vu trong nắng và gió, lúc thì trầm tĩnh trong những làn sương phủ mịt mùng, nhưng mùa nào cũng vậy, CNĐĐV vẫn nở sinh những mùa hoa cả quen thuộc, cả lạ lẫm. Tạo hóa không tạo ra sự bất công cho bất cứ vùng đất nào, hàng triệu năm tiến triển của lịch sử địa chất, vùng CNĐĐV không chỉ chứa đựng những giá trị hiếm có về địa chất, địa mạo mà còn chứa đựng những vẻ đẹp hút hồn từ cảnh quan, trong đó đặc biệt là nhiều loài hoa mà chúng tôi, những người yêu thích rong ruổi vẫn thường gọi là “hoa không tên”. Có thể nói, trong điều kiện sống khắc nghiệt, nhưng lại thật ngỡ ngàng khi các mùa trong năm ở CNĐĐV lại bật lên một sức sống của nhiều loài hoa, đó phải chăng là sự công bằng của tạo hóa!?.
Qua quá trình trải nghiệm ở CNĐĐV, chúng tôi nhận thấy có 2 mùa hoa ở đây, đó là mùa của những loài hoa thường rộ vào mùa khô và mùa của những loài hoa trước mùa khô. Nếu như vào mùa trước mùa khô, khí hậu nóng ẩm, đó là lúc mà các loài hoa dại không tên thường đơm trổ trên những vạt núi đá, những nương đồi. Không lòe loẹt, không kiêu sa như những loài hoa do con người tạo ra bằng khoa học, công nghệ, hoa dại ở miền CNĐĐV lại mang những vẻ đẹp sơn cước đầy bí ẩn và đầy rạo rực. Có lẽ chính những bạt ngàn núi đá, những nhọc nhằn sinh sôi và sự cô liêu của miền Cao nguyên biên giới đã khiến cho những loài hoa dại với rất nhiều loài hoa mang màu sắc khác nhau trở nên đẹp hơn, lộng lẫy hơn giống như những sơn nữ nhẹ nhàng và bất ngờ lướt qua trước mắt của du khách đang mải miết với miền CNĐĐV. Mùa khô đến, sau những vạt đồi bạt ngàn hoa bạc hà tím trắng, những nương hoa tam giác mạch trắng, tím, hồng hiện ra bồng bềnh ở Cao nguyên thật quyến rũ. Cả mùa mưa và mùa khô, ít thấy loài hoa nào mang mùi hương quá thơm ở CNĐĐV mà chỉ có những loài hoa quyến rũ hơn bởi sự làm nền rất phù hợp của một miền đá bạt ngàn, của tâm trạng du khách giữa miền đất lạ. Nhưng chính những mùa hoa không khoe hương ở CNĐĐV lại tạo nên một thứ mật ong đầy thơm ngọt, quyến rũ và nổi tiếng - Mật ong bạc hà.
Sau những ngày nắng và gió, miền CNĐĐV chìm trong giá lạnh và sương răng, nhưng đó cũng là thời điểm mà sự lãng mạn của miền đất này càng thêm gia tăng bởi những loài hoa do con người tạo nên. Nói là hoa cho sang, nhưng cũng rất đúng bởi những nương đồi trồng rau của người dân CNĐ chẳng phải là những vườn hoa mang đầy mầu sắc đấy sao!?. Những nương rau cải các loại, đậu răng ngựa và nhiều loài rau khác nhau cứ thi nhau trổ hoa với mầu sắc nổi bật vàng sóng sánh. Những nương rau trở nên đẹp lạ thường giữa sắc màu của đá xám, của một màu nắng giường như chỉ có ở miền đá. Vì thế, có biết bao đoàn du khách đã phải dừng chân và mẩn mê trước những vườn hoa nhân tạo “treo trên đá” để được sống những phút giây hiếm gặp trong đời.
Sống giữa những mùa hoa đẹp lạ thường ở miền CNĐĐV, tâm hồn của những người dân miền đá cũng vô cùng lãng mạn. Sau Tết nguyên đán, miền CNĐĐV thường nổi trội bức tranh, đó là ở mỗi một gia đình, bên mỗi bờ rào đá là một vài cây đào, cây lê, cây mận nở hoa sáng rực đất trời. Đó cũng là lúc cho những cuộc du xuân không chỉ giành cho người trẻ tuổi. Có cả một chợ tình Phong Lưu hoặc hơn thế là rất nhiều những “chợ tình” ở những phiên chợ vùng CNĐĐV vào những ngày cuối tuần với đầy trái ngọt của đất trời. Ở nơi ấy, nhiều tình yêu đôi lứa được đơm dệt, để góp phần tạo nên những mùa hoa tình yêu sinh sôi trên miền đá khát.
Qua bài viết này, chúng tôi muốn gửi một thông điệp đến với tất cả mọi người, mọi du khách khi đến với CNĐĐV, ngoài việc giữ gìn môi trường sinh thái, hãy tham gia vào việc bảo vệ những loài hoa nơi đây. Hãy đừng ích kỷ chặt, đào, mua về những cây đào, cây lê, tùng la hán... ở CNĐĐV để mang về xuôi. Đó cũng là văn hóa ứng xử cần phải có khi lên với miền đất lạ này./.