quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Hà Giang: Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tây Côn Lĩnh cùng dân giữ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học

Thứ Tư, 20/12/2023 | 08:08:00 AM

Khu Bảo tồn Thiên nhiên (KBTTN) Tây Côn Lĩnh nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Giang trên địa bàn các xã Thanh Thủy, Lao Chải, Xín Chải, Phương Tiến, Cao Bồ, Quảng Ngần, Thượng Sơn, Thanh Đức (huyện Vị Xuyên); xã Phương Độ, Phương Thiện (thành phố Hà Giang); xã Túng Sán (huyện Hoàng Su Phì), với tổng diện tích 13.971,68 ha.


Đây là khu vực với nhiều núi cao, độ dốc lớn, địa hình chia cắt mạnh, hiểm trở. Dãy núi chạy dài từ Tây sang Đông, nổi tiếng với đỉnh Tây Côn Lĩnh, có độ cao 2.428,5m so với mặt nước biển, từ đây phát triển thành một dãy núi lớn khác chạy xuống phía Nam. Đường phân thủy phía Tây đổ xuống sông Chảy, phía Đông đổ xuống sông Lô. Do địa hình hiểm trở nên khu rừng đặc dụng bảo tồn vẫn còn giữ được một khu rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới với diện tích có rừng liền vùng khá lớn.

Cán bộ cùng nhân dân phát đường băng cản lửa trong phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Nơi đây có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) ẩn chứa trong vùng lõi và vùng đệm có đến 796 loài thực vật đã được ghi nhận, trong đó có 54 loài thực vật quý hiếm, 49 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, 3 loài thuộc cấp rất nguy hiểm (CR), 19 loài thuộc nhóm nguy cấp (EN), 27 loài thuộc nhóm sẽ nguy cấp (VU), 11 loài nhóm IA, 5 loài nằm trong phụ lục II của CITES (Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã bị đe dọa).

KBTTN còn có 213 loài động vật được ghi nhận, trong đó có 36 loài quý hiếm. Trong số này, có 14 loài thú ghi trong Danh lục đỏ IUCN (2015); 24 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007); 17 loài ghi trong Nghị định 32/2006 của Chính Phủ và 15 loài ghi trong Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của CITES… Do chứa đựng quần thể động, thực vật có giá trị như vậy nên việc bảo vệ hết sức quan trọng; vì vậy, lực lượng Kiểm lâm thuộc Ban Quản lý (BQL) và Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

KBTTN Tây Côn Lĩnh do địa hình hiểm trở cho nên khu bảo tồn còn giữ được những vùng rừng nguyên sinh. Tại thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên nằm dưới chân núi Tây Côn Lĩnh, cách TP Hà Giang 35 km, là nơi đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Ngôi làng nhỏ này đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo.

Tại đây, du khách còn được thưởng thức những món ăn do chính bà con tự tay nuôi trồng, chế biến và tìm hiểu những giá trị truyền thống tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc từ ngôn ngữ, trang phục, lễ hội… Được công nhận Làng Văn hóa du lịch cộng đồng từ năm 2009, thôn Lùng Tao hiện có 76 hộ, hơn 418 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Dao sinh sống, trong đó có 10 hộ làm du lịch cộng đồng homestay.

Những cây hoa Đỗ quyên ở đây có tuổi đời hàng chục đến hàng trăm năm.

Anh Đặng Tùng, Chủ Homestay Thung lũng Trà Shan Tuyết cho hay mỗi ngày thôn Lùng Tao có thể phục vụ 100 du khách chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh hay khám phá thêm quanh vùng.

“Từ Lùng Tao, khách có thể di chuyển khoảng 6 km bằng xe máy đến rừng thảo quả, sau đó đi bộ thêm 8 km để chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh” – anh Đặng Tùng cho hay.

Du khách sẽ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên vô cùng kỳ vĩ, nguyên sơ, tinh khôi đến diệu kỳ. Nơi đây được ví như một bức tranh được thiên nhiên ưu ái bởi có nhiều thác nước, rừng chè cổ thụ, những thửa ruộng bậc thang trùng điệp tuyệt đẹp. Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên còn có khí hậu mát mẻ, trong lành, phong cảnh hữu tình, không gian yên tĩnh

Nhờ làm du lịch, cuộc sống người Dao ở thôn Lùng Tao đã có nhiều thay đổi. Những lúc không làm ruộng nương, hái chè, trồng thảo quả, người dân trở thành những hướng dẫn viên không chuyên giúp du khách có thêm trải nghiệm thú vị và ấn tượng.

Với những người yêu mùa vàng lúa chín, tháng 8-9 là mùa đẹp nhất. Trong khi đó, tháng 10-11-12 âm lịch chính là mùa thu hoạch thảo quả. Du khách có thể check in mùa lá rụng của cây phong rừng, “lạc” giữa rừng cây cổ thụ hay săn mây ngắm bình minh hoặc hoàng hôn trên đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Dựa vào dân mới giữ được rừng

Chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.org.vn Giám đốc BQL Rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh, Cao Đại Quang cho biết, thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn hệ sinh thái KBTTN Tây Côn Lĩnh, thời gian qua, BQL đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, quy định về phòng cháy chữa cháy rừng… Bên cạnh đó, tham mưu cho các phòng ban, cơ quan chức năng của huyện, xã kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm rừng, săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép; chủ động phối hợp với lực lượng dân quân, bộ đội biên phòng, cộng đồng dân cư vùng đệm nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức tuần tra rừng, vừa tăng thu nhập cho người dân, vừa nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, BQL cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ rừng do nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cũng như quốc tế cho các hoạt động bảo tồn ĐDSH và nghiên cứu khoa học trong KBTTN Tây Côn Lĩnh còn hạn chế; Lực lượng cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng còn thiếu…

Lực lượng Kiểm lâm Rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh tuần tra trên điểm cao 2.000m.

Về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng luôn được BQL xác định là nhiệm vụ trong tâm. Do đó, bằng nhiều giải pháp như: Tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với nhận thức và phong tục từng dân tộc, địa phương; tăng cường bám nắm địa bàn, vận động nhân dân tố giác tội phạm trong bảo vệ rừng; tăng tuần tra rừng… nên công tác bảo vệ rừng, PCCCR trong những năm gần đây đã có chuyển biến tích cực, trong khu bảo tồn không có “điểm nóng” về khai thác, mua bán lâm sản, phá rừng, lấn chiếm đất rừng …

Phối hợp với Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Phong Quang- Tây Côn Lĩnh, UBND xã tổ chức tuyên truyền, ký cam kết được 25 thôn có 1.420 lượt người tham gia.

Thường xuyên kiểm tra, theo dõi thời tiết xây dựng Kế hoạch trực PCCCR, huy động bên nhận khoán BVR trực PCCCR 03 đợt tại khu vực nơi có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao tại khu vực đỉnh 2.000. Huy động nhân dân (bên nhận khoán bảo vệ rừng) với gần 1.000 ngày công lao động phát dọn trên 20 km đường băng cản lửa tại những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao.

Cán bộ Kiểm lâm cùng nhân dân kết hợp tuần tra bảo vệ rừng.

Ông Phạm Thanh Tùng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Phong Quang – Tây Côn Lĩnh cho biết: Được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng gỗ nghiến tôi luôn tự hào và nhận rõ trách nhiệm nặng nề đối với tập thể cán bộ của hạt. Địa bàn rộng, diện tích rừng trên núi cao, địa hình hiểm trở, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng nên Hạt đã thành lập các chốt trạm trong rừng để giữ rừng. Nhiều khi mấy tháng trời, cán bộ kiểm lâm và nhân viên tuần rừng chẳng được về nhà vì đường đi cách trở, trong khi nhiệm vụ giữ rừng vẫn phải đảm bảo.

“Yếu tố quan trọng quyết định thành công trong công tác quản lý bảo vệ rừng là phải dựa vào dân để vận động tuyên truyền, để nhân dân là “tai mắt”, đây chính là cánh tay nối dài của lực lượng kiểm lâm. Những nội dung tuyên truyền đến người dân thường đơn giản, dễ hiểu như không phát rừng già làm nương rẫy, không chặt hạ cây gỗ làm nhà, không săn bắn, đặt bẫy động vật rừng trái phép trong lâm phận rừng đặc dụng; rồi việc cung cấp thông tin về những đối tượng lạ mặt vào khu vực rừng đặc dụng, … đều được cán bộ kiểm lâm tuyên truyền cặn kẽ đến người dân. Cách tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, phù hợp với văn hóa địa phương đã giúp người dân thay đổi nhận thức của mình”, ông Tùng chia sẻ.

Để công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn ĐDSH đạt hiệu quả, trong thời gian tới, KBTTN Tây Côn Lĩnh sẽ tiến hành các chương trình điều tra, nghiên cứu, theo dõi, đánh giá tài nguyên rừng trong KBTTN, làm cơ sở xây dựng chương trình quản lý, bảo vệ, phát triển lâu dài; Tăng cường năng lực bảo tồn, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng, trang thiết bị và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên của Hạt Kiểm lâm. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cũng như thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, ĐDSH; Phát triển Du lịch sinh thái, kết hợp với giáo dục môi trường… từng bước cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, từ đó thay đổi lối sống, hành vi của cộng đồng về bảo tồn rừng và BVMT sinh thái.

Đỗ Nghị

Nguồn: Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường - baovemoitruong.org.vn - Đăng ngày 10/12/2023

Lượt xem: 891

Các tin khác

Cao Bằng: Tập trung phát triển du lịch – dịch vụ bền vững

(23/01/2025 09:03:AM)

25% các loài động vật nước ngọt đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

(20/01/2025 09:23:AM)

Ngắm chim, thú hoang dã trong khu bảo tồn rừng Mã Đà ở Đồng Nai

(19/01/2025 03:46:PM)

Bình Thuận: Mặt trận huyện Phú Quý vận động nhân dân, du khách tham gia bảo vệ môi trường biển

(17/01/2025 09:32:AM)

Đắk Lắk: Buôn Ma Thuột - Kết nối và phát triển không gian xanh

(10/01/2025 08:35:AM)

Quảng Nam tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã

(10/01/2025 08:30:AM)

Triển vọng rừng nhiệt đới 2025: Những câu chuyện đáng chú ý khi năm mới bắt đầu

(09/01/2025 09:25:AM)

Bẫy ảnh bất ngờ ghi nhận nhiều động vật quý hiếm tại khu bảo tồn ở Quảng Nam

(08/01/2025 08:38:AM)

Nhiều điểm nhấn trong công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh Sóc Trăng

(31/12/2024 08:09:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE