“Công nghệ WtE chỉ nên được xem như là công nghệ tiềm năng, hứa hẹn phát triển ở Việt Nam”, GS.TS Đặng Kim Chi, nói, "Chôn rác rẻ hơn nhiều nhưng tôi vẫn khuyến khích sử dụng công nghệ này nhưng chỉ thí điểm ở hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh.”
Công nghệ WtE tuy không còn mới trên thế giới nhưng việc xem xét tính phù hợp và khả thi của công nghệ này đối với tình trạng ô nhiễm môi trường, rác thải ở Việt Nam là điều đáng làm.
Việc xây dựng nhà máy đốt rác tái tạo điện cũng đã được bàn đến mặc dù nguồn điện năng từ rác không đáng kể so với tình trạng thiếu hụt điện của Việt Nam nhưng lại giải quyết bài toán xử lý rác thải đang ngày càng nan giải.
Công nghệ WtE được giới khoa học đánh giá cao nhờ những ưu điểm vượt trội như giảm ô nhiễm vi sinh; giảm khối lượng rác thải lên đến 90%; tiêu hủy các hợp chất hữu cơ, hóa chất; tái tạo ra năng lượng nhiệt, điện và nguyên liệu như kính, gạch; giảm ô nhiễm nước, đất; không đòi hỏi phân loại rác từ đầu, v.v…
Trước mắt chỉ nên áp dụng công nghệ WtE ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vì hiện nay mỗi ngày hai thành phố này thải ra từ 5.000 đến 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt.
Công nghệ WtE được giới thiệu tại hội thảo “Công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng – Khả năng triển khai tại Việt Nam” ngày 30/6 tại Hà Nội được xem như là biện pháp giúp giảm thiểu diện tích chôn lấp khi mà bãi rác lớn nhất Hà Nội được dự báo sẽ không còn chỗ chôn rác vào năm 2012.