Giờ trái đất tại Việt Nam. Tôi thấy bạn bè kêu gọi các doanh nghiệp, giới truyền thông mỗi người làm một việc đơn giản để thay đổi tương lai u ám của trái đất. Tôi thấy các chủ doanh nghiệp đứng lên cam kết tài trợ cho chương trình, hăng hái tham gia vào cuộc đấu giá để quyên tiền. Và tôi thấy lại - trong tâm tưởng - nụ cười trẻ thơ của người bạn Nhật.
Nguyễn Thanh Sơn
|
Các bạn trẻ Việt Nam trong Giờ Trái Đất năm 2009. |
Kamata Yoji, anh bạn cùng lớp của tôi, nổi bật với nụ cười, một nụ cười trẻ thơ, bẽn lẽn và trong sáng, nụ cười làm ta thấy mọi thứ xung quanh lắng lại và đầy yêu thương.
Sinh ra ở Nhật, nhưng phần lớn thời gian của Kamata Yoji lại dành cho thảo nguyên Mông Cổ và những đỉnh núi cao vùng Ladakh ở Tây Tạng, nơi anh sống và làm việc cùng với những người dân bản địa để xây dựng một cộng đồng mà anh gọi là Ancient Future - xây dựng cuộc sống tương lai dựa trên nền tảng minh triết của quá khứ.
Nhưng khi gặp nhau lần đầu ở nhà ăn dành cho học viên của khóa học Asia Leadership Fellow Program (ALFP), tôi không biết điều đó. Tôi chỉ ngạc nhiên khi anh từ chối đôi đũa gỗ dùng một lần tiêu biểu cho nhà hàng Nhật, và lấy từ trong ba lô của mình ra một chiếc hộp nhỏ đựng mấy mảnh kim loại, rồi lắp lại thành đôi đũa cho mình. “Lại một anh chàng sạch sẽ quá đáng”, tôi thầm nghĩ. “Anh thích ăn đũa kim loại hơn à? Món cá sống mà ăn bằng đũa kim loại sẽ không ngon lắm đâu”, tôi nói.
“Tôi biết, nhưng anh có biết trên thế giới này, người ta đã chặt bao nhiêu rừng để người Nhật chúng tôi sử dụng những đôi đũa gỗ dùng-rồi-là-bỏ này không? Tôi thường sống ở sa mạc, nơi mỗi một cây gỗ đối với chúng tôi là một báu vật. Và ý nghĩ người ta sẽ chặt hạ những báu vật xuống chỉ để vứt bỏ khiến tôi ăn còn mất ngon hơn việc sử dụng đôi đũa kim loại này”.
Vừa lau sạch đôi đũa kim loại, tháo rời ra và cho lại vào chiếc hộp của mình, anh vừa mỉm cười, nụ cười trẻ thơ: “Đừng để ý đến tôi, tôi không định áp đặt suy nghĩ của mình cho mọi người. Đơn giản là tôi cảm thấy tôi không thể ăn bằng đôi đũa gỗ dùng có một lần thôi. Ngon miệng nhé!”.
Đã bốn năm tôi không gặp lại anh. Những lá thư ngắn ngủi cho tôi biết anh vẫn rong ruổi trên vùng núi cao ở Ladakh, làm việc cật lực để xây dựng một tầm nhìn khác cho cái gọi là sự phát triển. Nhưng khi nghe đến Giờ trái đất, nụ cười của anh trở lại trong tâm trí tôi. Các cam kết tài chính, cam kết ủng hộ là cần thiết, nhưng đối với tôi, cao hơn hết, chúng ta cần những cam kết của bản thân về cách mình sống, cách mình nhìn nhận thế giới xung quanh, bởi vì sau đó, tự mỗi người sẽ thấy cách phải vận hành doanh nghiệp của mình một cách bền vững ra sao.
Tôi muốn kể cho người bạn đó nghe cách tôi tập cho một người chểnh mảng về ý thức, đòi hỏi cao về tiện nghi và lười nhác như tôi nhớ tắt đèn mỗi khi rời khỏi phòng, mở tung cửa sổ vào ban đêm để không phải dùng máy điều hòa, hầu như không sử dụng giấy cho việc viết lách và hỏi các quán ăn Nhật xem họ có đũa kim loại hay không. Tất cả bắt đầu từ đôi đũa và nụ cười của anh.
(TB KTSG, 11/3/2010)