Sau một thời gian lâm bệnh, Giáo sư Đoàn Cảnh, Ủy viên BCH TƯ Hội Bảo vệ TN&MT VN, Nhà hoạt động Môi trường tích cực ở phía Nam, đã vĩnh biệt chúng ta. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một bài viết về Giáo sư Đoàn Cảnh.
Cứu sông Thị Vải bằng quy hoạch xả thải
Cách đây hơn 10 năm, một nhà khoa học đã lần tìm tận chân tơ kẽ tóc sông Thị Vải và hiểu tường tận mối nguy hại ô nhiễm, đề nghị cứu sông bằng cách: giảm thiểu, kiểm soát nguồn thải, đặt ống dẫn chất thải đúng vị trí quy hoạch, dùng kỹ thuật sinh thái để hồi phục khả năng tự làm sạch của con sông.
Ông là PGS.TS Đoàn Cảnh, nguyên là cán bộ nghiên cứu tại Phân viện Sinh thái - Tài nguyên môi trường, Viện Sinh học Nhiệt đới TP.HCM.
Đề tài khoa học từ năm 1997 - “Điều tra và lập phương án xử lý ô nhiễm môi trường sông Thị Vải do các công trình công nghiệp lân cận gây ra” của ông Cảnh được nhiều nhà khoa học đánh giá cao, các sở, ban, ngành ở địa phương lắng nghe nhưng... chìm vào quên lãng. Cho dù tới nay, đề tài nghiên cứu khoa học này vẫn là vấn đề thời sự.
Cảnh báo từ 10 năm trước
|
Những cảnh báo, đề xuất, giải pháp “cứu” sông Thị Vải của chúng tôi đã bị “bỏ qua”.
|
Nói về ý nghĩa của dòng sông Thị Vải, PGS. Đoàn Cảnh cho hay: Tuy không có ý nghĩa về mặt cung cấp nước, nhưng sông Thị Vải thuộc địa bàn 3 tỉnh, thành (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM) rất quan trọng về mặt sinh thái và môi trường. Sông có hệ sinh thái rừng ngập mặn, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ rất phong phú, có thể xem là lá phổi thanh lọc tự nhiên.
Tuy nhiên, đến nay hệ sinh thái con sông này suy giảm mạnh. Có những đoạn nghiêm trọng tới mức thông số DO xấp xỉ bằng 0, thực vật và sinh vật phù du không có khả năng sinh sống. Sông gây mùi hôi thối, khó chịu nhiều năm nay. Từ dòng sông có ý nghĩa “lá phổi” trở thành mối nguy hại khiến nhiều người dân ven bờ bị ảnh hưởng về kinh tế, xã hội lẫn sức khoẻ.
Kể lại chuyện làm đề tài nghiên cứu sông Thị Vải năm 1997, PGS. Đoàn Cảnh chia sẻ: "Đã có giai đoạn phải xin tiền thưởng huân, huy chương của bố vợ để góp vào làm đề tài vì quá ưu tư với một dòng sông mà mình thấy trước sớm muộn gì sẽ "chết" nếu không cứu kịp thời.
Dù lúc ấy, dấu hiệu chưa rõ như bây giờ: tôm cá ven sông chết hàng loạt, sinh vật phù du không sống nổi. Lúc ấy chỉ có duy nhất dấu hiệu: hàng loạt vườn điều của dân ven sông chỉ ra hoa mà không ra trái kể từ khi hàng loạt nhà máy, khu chế xuất mọc lên.
Theo PGS Đoàn Cảnh, sông Thị Vải chịu ảnh hưởng của biển do chế độ bán nhật triều (nước sông khó thoát ra biển do thuỷ triều lên, tràn vào mà khó thoát ra), nên tích tụ ô nhiễm ngày càng nhiều. Cũng do đó khả năng tự làm sạch của dòng sông này rất kém. Khi tiếp nhận các nguồn nước thải công nghiệp - có cả những nguồn chưa qua xử lý, dòng sông càng nhanh chóng biến thành dòng sông chết.
"Thế nhưng, những lời cảnh báo, đề xuất các giải pháp “cứu” sông Thị Vải của chúng tôi đã bị “bỏ qua”".
|
PGS. Đoàn Cảnh tiếc nuối... |
PGS. Đoàn Cảnh tiếc nuối: "Không nói chi 10 năm trước mà chỉ cần dăm ba năm trước, nếu có những hội nghị như "cứu sông Thị Vải" vừa rồi, có sự quan tâm của nhiều ban ngành, đoàn thể lẫn cá nhân như vừa rồi thì sông Thị Vải không rơi vào thảm cảnh hôm nay.
Giải pháp cứu sông: Quy hoạch xả thải
Theo đánh giá hiện trạng môi trường nước sông Thị Vải của Trung tâm Quan trắc và Thông tin Môi trường tháng 8/2008, kết quả đo nồng độ ôxy hoà tan (DO) có chỉ số 2mg/1 ở vùng ô nhiễm nặng kéo dài 15km từ xã Long Thọ (Nhơn Trạch, Đồng Nai) tới cảng Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ngoài ra, hàm lượng kẽm (Zn) có nồng độ 0,039 – 0,053 mg/l vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3,9 đến 5,3 lần, có khu vực vượt 9,1 lần (nhà máy xi măng Holcim); hàm lượng chì đang nằm trong tiêu chuẩn cho phép...
Những con số này đã từng có mặt trong đề tài của PGS. TS. Đoàn Cảnh. Theo ông, tình trạng ô nhiễm này kéo dài thì vài ba năm nữa toàn con sông sẽ ô nhiễm và không thể cải tạo.
"Việc thiếu trách nhiệm để dòng sông chết dần chết mòn thì các cơ quan, ban, ngành cấp quản lý đã nhận rồi, Vedan cũng chịu phạt rồi. Nhưng một phần lỗi lớn ở các nhà khoa học, trong đó có tôi. Các nhà khoa học nghiên cứu, có kết quả, và chắc chắn nghiên cứu đúng. Nếu không đúng thì đâu được nghiệm thu. Nhưng chưa đủ sức thuyết phục. Không phải bao giờ cái đúng cũng có sức thuyết phục, ví dụ trong trường hợp này", ông Cảnh ưu tư.
|
Đề tài khoa học từ năm 1997 |
Giải pháp của PGS.TS Đoàn Cảnh hiện vẫn được đánh giá là mới mẻ và khả thi. Theo ông điều quan trọng nhất là "quy hoạch xả thải".
Nói "quy hoạch xả thải" trước hết là giảm thiểu nguồn thải, kiểm soát nguồn thải đó trong phạm vi có thể chấp nhận. Tiếp nữa, cần có giải pháp hồi phục khả năng tự làm sạch của con sông, có thể bằng cách dùng kỹ thuật sinh thái để đưa hệ tự nhiên cùng giải quyết quá trình làm sạch này.
Thông thường, nếu không có việc xả thải nước thải công nghiệp, dòng sông có thể tự cứu mình bằng khả năng tự làm sạch. Nhưng nguồn nước thải đã khiến dòng sông bị ngộp, không đủ sức tự cứu mình.
Quy hoạch trước hết từ việc chọn chỗ đặt ống dẫn chất thải ở vị trí không phải là vùng trũng hoặc vùng lưu lượng chậm. Mục đích để lưu lượng nước có thể đẩy nước thải qua khu vực khác, có thể chấp nhận lượng chất thải đó thì con sông không chết. Chất thải ấy qua quá trình chuyển hoá tự nhiên sẽ dần mất đi hoặc không đáng kể, không gây nguy hại nữa. Vị trí nhóm nghiên cứu của PGS.TS Đoàn Cảnh từng khảo sát chỉ cách vị trí Vedan xả thải 2 km về phía Đông.
Bên cạnh đó, người dân, các doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà nước phải đồng lòng cùng làm sạch, giữ sạch con sông mới gìn giữ lâu dài được. Chỉ một phía đứng ra giải bài toán môi trường chắc chắn không đủ sức.
"Quan điểm của các nước phát triển là giảm thải ô nhiễm trong quá trình phát triển LID (Low Impact Development). Họ đặt vấn đề nên chú ý ngay từ đầu giải pháp giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình phát triển kinh tế chứ không mong "xanh, sạch, đẹp" tuyệt đối như mình. Có khi vì phát triển đất nước, cần hy sinh đôi chút nhưng trong chừng mực cho phép, không nguy hại môi trường".
"Chính vì thế họ hiếm khi gặp chuyện do giấu giếm, làm ngơ để tới lúc ôi thiu ra, không giấu giếm, không làm ngơ được thì mới tìm cách giải quyết ầm ĩ mà ít hiệu quả" - ông Cảnh nói.
Đề tài "Điều tra và lập phương án xử lý ô nhiễm môi trường sông Thị Vải do các công trình công nghiệp lân cận gây ra" do PGS. Đoàn Cảnh làm chủ nhiệm được Sở KHCN-MT Đồng Nai và Phân viện Sinh thái - Tài nguyên và môi trường, Viện Sinh học nhiệt đới nghiệm thu vào tháng 10/1997. Đề tài do UBND tỉnh Đồng Nai cấp kinh phí.
Đề tài cảnh báo hiện trạng ô nhiễm môi trường sông Thị Vải và đề cập giải pháp cứu sông bằng quy hoạch xả thải.
Tuy nhiên sau khi nghiệm thu, với nhiều ý kiến đồng tình nhưng đề tài không được triển khai, lưu ý vì có những ý kiến cho rằng sông Thị Vải chưa tới mức nguy hiểm (!?) Tiếp sau đó, đề tài được nghiên cứu mở rộng cả khu vực Vịnh Gành Rái - Bà Rịa Vũng Tàu, do UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cấp kinh phí thực hiện. |