Trong đó, có thể kể đến quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, tiến tới sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại khu, điểm du lịch; Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, đến năm 2025, 100% khu du lịch, cơ sở lưu trú không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Sự kiện “Clean up Son Tra – Vì một Sơn Trà Xanh” ngày 22.4 là chương trình dọn rác làm sạch bán đảo Sơn Trà lần thứ 2 của năm. Ảnh: Mai Hương
Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch…
Tuy nhiên, ngành Du lịch với hàng trăm triệu khách/năm là nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trong nước. Vì vậy, bên cạnh 6 chỉ số năng lực phát triển du lịch ở vào nhóm dẫn đầu thế giới thì chỉ số sự bền vững về môi trường là thấp nhất: 94/117.
Tại tọa đàm, các chuyên gia ngành Du lịch, nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp để giảm thiểu việc phát sinh rác nhựa ra môi trường từ hoạt động du lịch. Các ý kiến đều cho rằng, cần sự vào cuộc tham gia của nhiều ban, ngành, tổ chức, các doanh nghiệp du lịch và người dân để chung tay giảm thiểu rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa trong du lịch nói riêng.
Cụ thể, ngành Công Thương giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm giúp người dân nhận biết được các sản phẩm thân thiện, từ đó, thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần. Cùng đó, ngành Du lịch, các tỉnh, thành phố truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Du lịch và ứng dụng (app) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch... tiến tới xóa sổ rác nhựa khỏi các điểm du lịch.
Hà Phong