Khác với Hiệp ước Kyoto được ký kết vào năm 1997, chỉ yêu cầu các nước phát triển có trách nhiệm trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu bằng cách cam kết giảm lượng khí thải CO2, bản dự thảo tại COP 20 yêu cầu tất cả các nước đều phải có trách nhiệm trong việc này.
Tuy nhiên, cũng theo bản dự thảo, trách nhiệm đến mức nào phụ thuộc vào đặc điểm và năng lực của mỗi quốc gia. Với các nước có nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ như Ả-rập Saudi và Venezuela, đây là “cớ” để họ trì hoãn việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Trong thời gian diễn ra hội nghị, họ bày tỏ sự ngần ngại trước việc thỏa thuận sẽ được ký kết vào năm sau, buộc họ chịu sự giám sát từ bên ngoài về kế hoạch phát thải, đồng thời khẳng định sẽ chỉ giảm lượng khí thải nhà kính một khi các quốc gia phát triển cam kết hỗ trợ thỏa đáng về tài chính.
Không chỉ những nước có nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ, phần lớn các nước đang phát triển khác cũng đều muốn được hỗ trợ chi phí triển khai công nghệ mới phát thải khí nhà kính thấp như năng lượng gió hay Mặt trời nhằm thay thế năng lượng sản xuất từ than đá. Ngay trong bản dự thảo, nhóm các nước phát triển cũng được yêu cầu phải có hành động hỗ trợ về mặt tài chính đối với các nước đang phát triển trong việc thực hiện mục tiêu giảm thiểu lượng khí thải nhà kính. Tuy nhiên, điều đó không đơn giản. Vào năm 2010, tại COP 16 tổ chức ở Cancun, Mexico, các nước phát triển (bao gồm Mỹ và EU) “hứa” mỗi năm sẽ đóng góp 100 tỉ USD vào quỹ Khí Hậu Xanh (Green Climate Fund) của Liên Hợp Quốc để giúp các nước kém phát triển hơn. Nhưng đến giữa tuần qua, quỹ này thông báo mới kêu gọi được hơn 10 tỷ USD, ít hơn 5 tỷ USD so với mục tiêu tối thiểu đề ra. Đại biểu đến từ Ấn Độ đã phải thốt lên: “Thật là nực cười. Thấp đến nực cười”.
Bản dự thảo tại COP 20 là cơ sở để đàm phán trong COP 21 sẽ diễn ra vào năm tới tại Paris. Mark Maslin, giáo sư ngành khí hậu tại University College London, trả lời tờ The Guardian: “Vẫn còn 12 tháng nữa để các quốc gia đàm phán chuẩn bị trước thềm hội nghị ở Paris. Điều quan trọng là họ hiểu rằng công chúng quốc tế mong muốn một hiệp ước ràng buộc mang tính pháp lý. […] Nó thể hiện sự cam kết vì một thế giới an toàn hơn, tốt hơn và công bằng hơn.”