Phát triển gắn với bảo vệ môi trường là xu hướng phát triển của ngành du lịch. Trong ảnh: Nhân viên Công ty Cổ phần Asia Magics Travel tham gia dọn vệ sinh môi trường tại bãi biển Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà. Ảnh: Nhật Hạ
Hiện nay, một số khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, đơn vị lữ hành đã ý thức được việc cần phải bảo đảm môi trường du lịch, hạn chế rác thải ra môi trường để điểm đến mới bền vững và thu hút khách. Từ nhiều năm nay, Khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng hạn chế sử dụng đồ dùng một lần mà thay vào đó là những vật dụng thân thiện với môi trường như: sử dụng ống hút giấy, các đồ dùng như bàn chải đánh răng, lược… được đựng trong túi giấy; túi đựng đồ của khách cũng là túi cói và nón lá… Những việc làm tuy nhỏ này nhưng lại giúp hạn chế được khối lượng rác thải rất lớn ra môi trường. Cũng chính từ những nỗ lực phát triển du lịch xanh mà năm 2018 khu nghỉ dưỡng này được The Guide Award (giải thưởng thường niên về du lịch uy tín tại Việt Nam) trao chứng nhận “Sen Xanh - The Ultimte in Luxury” - chứng nhận dành cho đơn vị có đóng góp vào nền kinh tế, sự phát triển chung của du lịch Việt Nam và ghi nhận những thành tích trong công tác giữ gìn, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của những người làm du lịch, chi phí cho việc sử dụng những vật dụng thân thiện với môi trường thường cao hơn so với việc sử dụng những vật dụng dùng một lần nên để cắt giảm chi phí, nhiều đơn vị vẫn chấp nhận sử dụng các sản phẩm dùng một lần.
Theo bà Quách Thị Xuân, Điều phối viên của Liên minh không rác thải Việt Nam (VZWA), mỗi năm, Đà Nẵng đón vài triệu lượt khách, đi kèm với đó là lượng rác thải ra môi trường khá lớn từ các hoạt động du lịch, từ các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn…, trong đó phần nhiều là chai lọ nhựa, túi nilon dùng một lần. Để hướng đến du lịch không rác, có thể dựa vào các tiêu chí như: khách sạn không rác; nhà hàng/quán giải khát không rác; hành trình không rác; điểm đến không rác. Tức là chính quyền địa phương, các cấp nên có quy định tại các khách sạn, nhà hàng, quán ăn không sử dụng đồ dùng một lần; nên khuyến khích du khách mang bình nước cá nhân hoặc sử dụng các bình nước có thể tái sử dụng; dùng các loại túi vải thay vì túi sử dụng một lần... Bên cạnh đó, bà Xuân cũng cho rằng Đà Nẵng nên cân nhắc việc tìm kiếm giải pháp quản lý rác thải tại nguồn bằng cách huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế và lồng ghép vấn đề này trong mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Có thể không triển khai được ngay nhưng cần có kế hoạch, lộ trình. UBND thành phố, các sở, ban, ngành nên có hướng tuyên truyền cho các doanh nghiệp tìm các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế đồ nhựa và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đi theo hướng xây dựng doanh nghiệp xanh, tôn vinh những doanh nghiệp vì môi trường…
Là một trong những địa phương đi đầu trong du lịch xanh, từ năm 2019, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam đã lồng ghép các vấn đề bảo vệ môi trường, quản lý rác thải để hướng các doanh nghiệp vận hành theo những mô hình kinh tế tuần hoàn. Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho hay, Hiệp hội đặt mục tiêu, đến năm 2025 vận động các tổ chức môi trường thế giới công nhận Hội An là điểm đến xanh. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải làm du lịch với tư duy từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế… Những việc này các khách sạn, nhà hàng đều có thể làm được nhưng đa phần họ ngại. Vì vậy, nếu có thể cho họ thấy được cái lợi của việc phát triển du lịch xanh chính là nâng tầm giá trị sản phẩm dịch vụ họ đang cung cấp, du khách sẽ cảm nhận được, trân trọng và mong muốn được trải nghiệm, sử dụng những sản phẩm đó. Tuy nhiên, những người làm du lịch cho rằng việc phát triển du lịch xanh, du lịch không rác thải khá khó. Ông Phan Xuân Thanh cho biết, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam đã huy động mọi nguồn lực từ việc mời gọi sự chung tay của các tổ chức phi chính phủ để tiếp cận những mô hình quản lý rác thải, kinh tế xanh, đồng thời kiến nghị chính sách với chính quyền địa phương, đề nghị phê duyệt bộ tiêu chí điểm đến xanh, doanh nghiệp xanh…, từ đó lan tỏa, vận động doanh nghiệp tham gia du lịch xanh ngày một nhiều hơn.
Theo đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng, ý thức được tầm quan trọng và xác định rõ trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp du lịch đối với việc bảo vệ môi trường, ngành cũng đã triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, từng bước cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh về môi trường. Năm 2020, ngành du lịch Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động vì môi trường như ra quân dọn vệ sinh tại 2 khu vực tuyến biển và bán đảo Sơn Trà; hưởng ứng bảo vệ môi trường biển; phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”, tuyên truyền đến công chức, viên chức, người lao động không sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường...
Để hướng tới phát triển du lịch xanh, ngành du lịch sẽ triển khai các chương trình, hành động thiết thực như triển khai bộ tiêu chí nhãn du lịch bền vững “Bông Sen xanh” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành để áp dụng đối với cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố; tổ chức các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường cho cán bộ quản lý, điều hành doanh nghiệp, lái xe, hướng dẫn viên; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ môi trường du lịch; khuyến khích khách du lịch sử dụng và mang túi chất liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái chế sử dụng trong khi đi du lịch, đến các khu điểm du lịch tham quan; xả rác, phân loại rác đúng nơi quy định... nhằm tạo điểm đến văn minh, thân thiện, hài hòa với thiên nhiên.
Nhật Hạ