Một chiến lược phát triển du lịch đầy tham vọng vừa được UBND huyện Nam Trà My xây dựng nhằm làm thay đổi diện mạo kinh tế xã hội địa phương những năm đến. Đó chính là kế hoạch phát triển du lịch vùng sâm Ngọc Linh giai đoạn 2015 - 2020.
Gắn với du lịch sinh thái
Du lịch sinh thái đang là xu hướng phát triển chủ đạo của ngành du lịch và nhiều địa phương trong tỉnh. Du khách tham gia loại hình du lịch này không chỉ được trải nghiệm các giá trị văn hóa làng quê mà còn được hòa mình với cảnh sắc thiên nhiên để cảm nhận được những nét đặc trưng vùng miền mình đến.
Với Nam Trà My, nơi có đỉnh núi Ngọc Linh cao hơn 2.578m, khí hậu quanh năm mát mẻ trong lành cùng hệ động thực vật phong phú, đặc biệt sản phẩm sâm Ngọc Linh, sẽ là nơi lý tưởng để du khách và các nhà nghiên cứu khoa học tìm hiểu, khám phá, qua đó giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh.
Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, phát triển du lịch vùng trồng sâm Ngọc Linh là một trong 7 nội dung của đề án quốc gia về phát triển cây sâm Ngọc Linh (cây sâm Việt Nam). Trước mắt, sẽ tập trung kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tại Hội An, Đà Nẵng xây dựng tour tuyến lên Nam Trà My thông qua những điểm phụ cận thuộc huyện Bắc Trà My như Khu di tích lịch sử Nước Oa, thủy điện Sông Tranh…
Cùng với đó, huyện cũng tiến hành kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng lưu trú nhà nghỉ, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí để thu hút du khách lưu lại lâu hơn trong quá trình tham quan, khám phá vùng đất này.
“Đây là một kế hoạch có tính chiến lược quy mô, vì vậy Nhà nước sẽ đầu tư, kết nối với nhiều doanh nghiệp để hình thành lên những tour tuyến đặc sắc. Ngoài ra, cũng sẽ phối hợp với Sở VH-TT&DL tăng cường công tác quảng bá xúc tiến, giới thiệu hình ảnh vùng đất Nam Trà My, nhất là lợi thế về thương hiệu vùng sâm Ngọc Linh đến với các thị trường khách trong và ngoài nước” - ông Bửu cho biết.
Cũng theo ông Bửu, du khách đến tham quan vùng sâm Ngọc Linh không chỉ hiểu hơn về hình ảnh cây dược liệu quý giá này mà còn được giới thiệu về tập tính cây, cách nhân giống, cách sản xuất sâm có hiệu quả cũng như giá trị y học, giá trị kinh tế.
Bên cạnh đó, du khách cũng sẽ được trải nghiệm các giá trị văn hóa, thiên nhiên của mảnh đất và con người vùng sâm; được tham gia các chương trình khám phá chinh phục đỉnh Ngọc Linh, đặc biệt sẽ có cơ hội mua những sản phẩm được làm từ sâm làm quà lưu niệm, hứa hẹn sẽ mang đến sức hút mới lạ cho du khách, từ đó tạo động lực thúc đẩy thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện, thay đổi sinh kế và thu nhập người dân hướng đến sự phát triển bền vững, nhất là đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng.
Sản phẩm độc đáo
Theo ông Phạm Đình Hoàng - Giám đốc khối thị trường trong nước, Công ty Lữ hành Vitours (Đà Nẵng), việc xây dựng sản phẩm du lịch vùng sâm Ngọc Linh là ý tưởng độc đáo. Nếu triển khai được trong thực tế ý tưởng này sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đột phá không chỉ đối với du khách trong nước và quốc tế mà còn với các doanh nghiệp lữ hành Quảng Nam, Đà Nẵng vì hiện nay thương hiệu sâm Ngọc Linh đã không còn xa lạ với khách.
“Sâm Ngọc Linh được xếp vào một trong 5 loại sâm quý hiếm trên thế giới với hàm lượng dược liệu cao hơn cả sâm Cao Ly Hàn Quốc nên khi xây dựng sản phẩm du lịch từ sâm chắc chắn sẽ tạo được sự quan tâm của du khách, nhất là thị trường khách nước ngoài”, ông Hoàng nhìn nhận.
Ngoài ra, các yếu tố về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên tại Nam Trà My như thác Năm Tầng, Di tích Khu ủy Liên khu 5 Nước Là… cũng sẽ là một trong các lợi thế phụ kèm để có thể hy vọng đưa khách đến. Tuy nhiên, ông Hoàng cũng thừa nhận, khó khăn lớn nhất khi phát triển du lịch nơi đây chính là hạ tầng giao thông yếu kém, cơ sở lưu trú thiếu thốn, ý niệm về du lịch người dân chưa cao…
Vì vậy, công tác quảng bá, xúc tiến kết nối với doanh nghiệp lữ hành 2 đầu đất nước là rất quan trọng. Ngoài ra, địa phương cũng cần tăng cường giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh thông qua các shop trưng bày tại các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, Sài Gòn… nhằm giúp du khách có những cảm nhận nhất định về sản phẩm dược liệu quý giá này, qua đó kích thích sự tìm hiểu khám phá du lịch đến vùng sâm.
“Theo tôi, huyện Nam Trà My nên tổ chức một đoàn famtrip với sự tham gia của doanh nghiệp lữ hành Đà Nẵng, Quảng Nam và hai đầu đất nước đến đây khảo sát để có cái nhìn chuẩn xác trước khi xây dựng tour chào bán khách” - ông Hoàng đề xuất.
Ông Hồ Quang Bửu thừa nhận, việc phát triển du lịch vùng sâm Ngọc Linh dù khó khăn nhưng vẫn rất khả thi. Bên cạnh lợi thế về thương hiệu sâm Ngọc Linh đã được nhiều người biết đến thì các tài nguyên văn hóa và thiên nhiên nơi đây cũng là một trong những thuận lợi để triển khai các loại hình du lịch mạo hiểm, trải nghiệm.
“Chắc chắn vài năm nữa cơ sở hạ tầng, giao thông sẽ được đầu tư xây dựng nên triển vọng phát triển du lịch vùng sâm là rất tốt. Còn hiện tại nếu doanh nghiệp nào muốn hợp tác, đầu tư hay khảo sát xây dựng tour tuyến thì hãy gọi điện cho tôi, huyện luôn sẵn sàng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nếu thật sự quan tâm đến vấn đề này”, ông Bửu khẳng định.
Tiềm năng, lợi thế đã có nhưng để biến thành một sản phẩm du lịch cụ thể thu hút khách vẫn là chặng đường dài phía trước. Nói vậy, không có nghĩa không thực hiện được nếu như chính quyền địa phương có sự quyết tâm, đặc biệt là sự hưởng ứng của doanh nghiệp và người dân. Hy vọng, sản phẩm du lịch vùng sâm Ngọc Linh sẽ sớm trở thành hiện thực.
Theo Báo Quảng Nam