Tận dụng những ưu thế sẵn có, du lịch xanh tại Việt Nam ngày càng được phát triển mạnh mẽ hơn, tạo thành xu hướng du lịch chủ đạo trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra phức tạp, bài toán phát triển du lịch xanh gặp những thách thức không hề nhỏ.
Các hoạt động du lịch cần cẩn trọng với môi trường, hạn chế tác động tiêu cực đến cảnh quan sinh thái chung
Cẩn trọng khai thác tài nguyên
Hiện nay, du lịch xanh được cho là giải pháp hàng đầu nhằm đảm bảo cho sự hài hòa giữa hai yếu tố phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên tại Việt Nam, nhìn nhận về hình thức phát triển du lịch xanh còn nhiều điểm hạn chế, thiếu cơ sở để khai thác tài nguyên dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, trực tiếp gây ra ảnh hưởng đến biến đối khí hậu toàn cầu chung.
Chủ đề “Du lịch xanh” đã được đưa ra thảo luận tại các diễn đàn lớn nhỏ trong nước, tất cả đều nhìn nhận rằng hiện nay, nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề du lịch xanh tạo ra những thách thức lớn cho ngành Du lịch.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) - Nguyễn Anh Tuấn, nhiều người làm du lịch chưa có nhận thức đầy đủ và chính xác về du lịch xanh cũng như chưa thấy được tầm quan trọng của phát triển du lịch xanh đối với phát triển bền vững của đất nước.
Việc mơ hồ về cả khái niệm và hình thức dẫn đến sự phát triển hàng loạt mô hình du lịch được gọi là “xanh” nhưng vẫn gây ra những tác động lớn đến môi trường. Phát triển quá nhanh và không có định hướng rõ ràng tạo nên những hậu quả tiêu cực đối với môi trường du lịch nói chung.
Khai thác tài nguyên sử dụng cho mục đích phát triển nếu không có những quy hoạch cụ thể sẽ dẫn đến khai thác tràn lan nhưng hiệu quả sử dụng thấp, ảnh hưởng đến không gian và suy thoái tài nguyên du lịch. Việc để khách du lịch tham gia vào hoạt động tự nhiên, nếu vượt quá giới hạn sẽ gây ra những tác động không nhỏ đến cảnh quan chung của môi trường và là nguyên nhân gây ra suy tồn hệ sinh thái.
|
Du lịch xanh - Chìa khóa cho sự phát triển bền vững |
Ví như những năm gần đây, các hoạt động đánh bắt được đưa vào phát triển trở thành một cách để tạo sự hứng thú cho khách du lịch, tuy nhiên nếu không có giới hạn cho hoạt động này sẽ dễ dẫn đến việc khai thác quá mức tài nguyên và nguy cơ suy giảm các cá thể sinh vật.
Bên cạnh đó, phát triển hàng loạt khu lưu trú, resort trong không gian tự nhiên trên các đảo, trong khu vực phát triển rừng sẽ làm suy giảm diện tích tự nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và làm biến đổi cảnh quan tự nhiên chung. Ngày càng nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xây dựng trên các đảo không theo quy hoạch, làm tăng nguy cơ xói mòn đường bờ biển, làm suy thoái hệ sinh thái biển đảo.
"Hiện nay, nhiều doanh nghiệp khi làm du lịch nhận thức về du lịch xanh có nghĩa là bất cứ hoạt động du lịch nào thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, du lịch xanh rộng hơn, đó còn là việc phát triển du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu".
Nhìn nhận đầy đủ và đúng về mối quan hệ giữa du lịch xanh và biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay ở nước ta sẽ giúp cho các doanh nghiệp du lịch khai thác đúng cách các yếu tố cho phát triển du lịch, khẳng định được vai trò quan trọng và góp phần vào sự phát triển chung.
Trong một diễn đàn năm 2019, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) Nguyễn Văn Đính khẳng định, việc phát triển quá nhanh đã gây nhiều ảnh hưởng đến môi trường du lịch, như tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và thay đổi quân bình môi sinh đối với môi trường sống của sinh vật.
Du lịch biển là định hướng phát triển du lịch lâu nay của nước ta, tuy nhiên, việc khai thác tràn lan đường bờ biển cũng như không kiểm soát nguồn sinh vật khi đánh bắt gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Ngành Du lịch phải đối mặt với nhiều khó khăn trong khai thác tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường ở các khu đông khách vào mùa cao điểm. Một số điểm du lịch của Việt Nam như Huế, Hội An, Mũi Né, Cà Mau... chịu cảnh sạt lở, mặn xâm nhập, mưa lũ…
Không chỉ là vấn đề cẩn trọng trong việc quy hoạch khai thác tài nguyên, việc phát triển du lịch xanh tại nước ta cũng đối mặt với hàng loạt nguy cơ lớn khi nhận thức về vấn đề này chưa đầy đủ. Tại các khu du lịch, nước thải chưa qua xử lý từ xả trực tiếp vào môi trường, lượng rác thải nhựa tăng cao vào mùa du lịch đã làm tăng mức độ hữu cơ nước biển ven bờ.
Chưa hết, sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa chủ thể kinh tế với các ngành, tầm nhìn ngắn hạn và hạn chế về công nghệ đã dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích.
Ông Nguyễn Văn Đính cũng nhấn mạnh rằng, chính những hạn chế trong nhận thức về bảo vệ môi trường đã làm giảm hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Sự thiếu liên kết giữa các trung tâm nghiên cứu môi trường về biến đổi khí hậu và các cơ sở, dịch vụ du lịch dẫn đến những hoạt động du lịch thiếu cơ sở khoa học cũng như chuyên sâu cần thiết để phát triển đúng cách.
Nếu không có đường hướng cụ thể cho vấn đề khai thác tài nguyên phục vụ du lịch xanh thì sớm hay muộn, những hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ tác động trực tiếp lên chính toàn ngành Du lịch nước nhà.
Không dừng ở câu chuyện nhận thức
Xác định môi trường và biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn của nhân loại, Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng chịu ảnh hưởng đó. Thậm chí, với một đất nước có sự đa dạng về cảnh quan cũng như đa dạng sinh học lớn như nước ta, yêu cầu phát triển du lịch xanh thực sự là điều rất quan trọng.
|
Mô hình du lịch xanh cần tạo ra nhiều những hình thức du lịch mới nhằm thu hút khách tham quan và đảm bảo được yếu tố thân thiện môi trường. |
“Đó là nguy cơ chính đối với ngành Du lịch thời gian tới” - ông Nguyễn Văn Đính lo ngại. Chung quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng nhiều hoạt động của các khu resort, khu du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí phải đóng cửa, vì các vấn đề thiên nhiên và biến đổi khí hậu.
Vấn đề đặt ra hiện nay, trước tiên vẫn là câu chuyện nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc phát triển du lịch xanh tại nước ta. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, du lịch xanh chính là chìa khóa vàng cho sự phát triển bền vững.
Hơn nữa, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức của người làm du lịch trong việc khai thác phát triển du lịch xanh như hệ thống xử lý nước thải, xây dựng các hoạt động tham quan hạn chế tác động đến môi trường cũng chứng minh đã mang lại hiệu quả vượt trội hơn. Khách du lịch sẵn sàng bỏ tiền cao hơn để chi trả cho các hoạt động du lịch này và tạo ra hiệu quả ổn định trong phát triển.
Đáng chú ý, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP), tăng trưởng xanh là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển theo mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững nhằm đảm bảo nguồn vốn tự nhiên, tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống con người phụ thuộc vào đó cho thế hệ hiện thời cũng như thế hệ mai sau.
Hiện nay, tăng trưởng xanh được nhiều quốc gia trên thế giới xác định là trọng tâm chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội, đây cũng là mục tiêu phát triển cho nhiều lĩnh vực khác nhau, tương ứng với các loại hình như kinh tế xanh, năng lượng xanh, du lịch xanh, sản phẩm xanh, tiêu dùng xanh…
Từ đó cho thấy, xác định du lịch là vấn đề mũi nhọn trong sự phát triển, trong đó du lịch xanh là hướng quan trọng hàng đầu và cũng là định hướng lâu dài cho sự phát triển, những người làm du lịch cần cân bằng giữa việc khai thác tài nguyên, hạn chế tác động lên biến đổi khí hậu và đảm bảo cho sự phát triển bền vững chung.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng:
“Hiện nay tại Việt Nam, các chính sách chiến lược, quy hoạch định hướng phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước đều hướng đến mục tiêu phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững; phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc”.
Giáo sư Nguyễn Kim Đính:
“Phải nâng cao nhận thức cho cả nhà quản lý, ngành Du lịch lẫn doanh nghiệp và cộng đồng về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh. Nhận thức cần phải được biến thành hành động cụ thể trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, trong thẩm định và thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch từ cấp Trung ương đến địa phương”.
Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định:
“Việc quy hoạch ở Quy Nhơn được định hướng theo kiểu thành phố hiện đại nhưng có bản sắc riêng, giữ được cảnh quan tự nhiên vốn có. Cái khác biệt của Quy Nhơn là mọi người đều được xuống biển, không có rào chắn lối xuống biển, biển cũng không có cấp cho ai cả. Đây là sự cố gắng rất lớn, mà Quy Nhơn đã giữ được cho đến lúc này. Bình Định không làm theo hướng phát triển đô thị một cách ồ ạt trong nội thành như các địa phương khác”.
Ông Đặng Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu:
“Khi nói với bà con trên đảo chuyện phát triển kinh tế, thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống từ kinh doanh du lịch, chúng tôi đặt ra vấn đề bảo vệ môi trường đầu tiên! Chúng tôi thuyết phục bà con, người ta đến Nhơn Châu nghỉ dưỡng vì biển đẹp, vì con người chân chất, hồn hậu, đáng mến và đặc biệt là bởi môi trường xanh - sạch - trong lành.
Thuyết phục được dân, chúng tôi mới xây dựng chính sách, theo đó, mỗi đơn vị, doanh nghiệp hoạt động khai thác du lịch ở Nhơn Châu đều phải đóng góp chi phí bảo vệ môi trường; từ nguồn thu này chúng tôi tổ chức các đội thu gom rác thường xuyên; tuyên truyền để cư dân trên đảo có thói quen ứng xử tốt với môi trường, bỏ rác đúng quy định, đóng phí thu gom rác để tổ thu gom rác hoạt động đều đặn”.
Ông Peter Rimmer, Giám đốc điều hành Hiệp hội Các doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam:
“Nếu các hoạt động chung tay bảo vệ môi trường thường xuyên được phát động, cũng như các chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ hơn, sự tham gia của các tình nguyện viên tích cực hơn, chắc chắn việc rác thải nhựa sẽ được hạn chế, môi trường sẽ xanh, sạch, đẹp hơn”. H.Trang – Đ.Trang (t.h).