Trải nghiệm đạp xe trên đường quê tại cồn Chim. Ảnh: Kiều Mai
Cách trung tâm TP Trà Vinh khoảng 15km đi theo hướng quốc lộ 53, cồn Chim nằm giữa dòng Cổ Chiên. Để đến đây, du khách qua phà Bà Trầm (còn gọi là phà Phước Vinh - Long Hưng); hoặc có thể đi từ bến tàu chợ Trà Vinh, hay bến đò Long Trị. Cồn Chim có diện tích 62ha. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông, nuôi thủy sản, sau này có thêm hoạt động du lịch. Ngay từ đầu, bà con ở cồn Chim xác định làm du lịch với phương châm có gì làm đó và chọn mô hình du lịch nông nghiệp gắn với cộng đồng.
Nằm ở hạ lưu sông Cổ Chiên, gần biển nên cồn Chim có 6 tháng nước ngọt, 6 tháng nước mặn ảnh hưởng và người dân nơi đây có sự thích ứng rất tự nhiên. 6 tháng nước ngọt thì trồng lúa, thi thoảng đánh bắt thủy sản. Từ tháng 3 đến tháng 9 hằng năm thì chuyển sang nuôi tôm, cua. Sinh kế theo đó luân phiên giữa cây lúa và con tôm. Khi làm du lịch, mô hình “con tôm ôm cây lúa” được ứng dụng, giữ canh tác nông nghiệp theo truyền thống, làm nông nghiệp hữu cơ, thuận tự nhiên.
Cô Nguyễn Thị Bích Vân, Tổ trưởng Tổ hợp tác điểm du lịch cộng đồng cồn Chim, cho biết: “Sản phẩm làm ra để gia đình sử dụng hoặc chia cho lối xóm, nên trước giờ người dân cồn Chim đều giữ lúa, tôm sạch. Sau này khi làm du lịch thì bà con cũng giữ cách làm đó”. Vì thế, lúa gạo, tôm cá, trái cây ở đây đều không dùng thuốc trừ sâu, chất hóa học, kích thích. Chị Trần Như Hạnh, chủ vườn dừa Bé Thảo, một thành viên trong Tổ hợp tác, nói: “Ở đây chúng tôi vẫn giữ cách làm nông truyền thống, thuận tự nhiên. Chúng tôi lấy chất lượng và sự an toàn làm tiêu chí, mình xài cái gì thì du khách dùng cái đó nên phải đảm bảo sản phẩm sạch ở mọi khâu, từ nguyên liệu cho đến thành phẩm”. Vườn Bé Thảo có diện tích 14.000m2 trồng lúa, bao quanh là dừa. Mùa nước ngọt, gia đình chị Hạnh trồng lúa. Lúa cấy thưa, 1.000m2 sạ 2kg lúa giống để khoảng trống nuôi tôm nước ngọt trên đồng ruộng. Phân tôm với phù sa trở thành phân bón tự nhiên cho cây lúa. Trên các triền đê, chị Hạnh trồng dừa tạo nên không gian đồng quê thu hút du khách đến tham quan, chụp ảnh. Du khách đến đây có thể uống nước dừa, câu tôm. Tận dụng phần thịt dừa mà du khách không dùng đến, chị Hạnh sử dụng làm thức ăn cho tôm. “Cây nhà lá vườn nên gần như mọi thứ chúng tôi đều tận dụng được hết. Cái này bổ trợ cho cái kia. Hàng dừa tạo bóng mát lại làm thức ăn cho tôm, tôm lại tạo chất dinh dưỡng cho lúa, từ đó có gạo sạch. Với cách làm này, sản lượng lúa ổn định, lại được giá, làm không đủ bán”, chị Hạnh nói. Kinh tế gia đình vì thế ổn định vì vừa có thể làm nông vừa có thêm thu nhập từ du lịch.
Tại cồn Chim hiện có khoảng 17 hộ làm du lịch theo định hướng cộng đồng dựa trên các yếu tố thuận thiên. Cô Nguyễn Thị Bích Vân cho biết: “Ngày trước chỉ có 6-7 hộ làm du lịch thôi, nhưng giờ mô hình hiệu quả bà con tham gia ngày càng nhiều. Bình quân mỗi hộ có thu nhập từ du lịch trên 10 triệu đồng/tháng. Chúng tôi trao đổi xem nhà nào có sản phẩm gì để bà con có thể tận dụng được lợi thế, tránh trùng lắp. Vì thế sẽ có nhà làm bánh, có nhà cho chơi trò chơi, có nhà làm ẩm thực, đưa đò, cho thuê xe đạp… Ngay cả ẩm thực, chúng tôi cũng phân chia theo món để mỗi nhà đều có đóng góp”. Tại cồn Chim có hơn 15 dịch vụ, mùa nào thức nấy, các nguồn nguyên liệu đều do người dân tự nuôi trồng. Cô Phạm Thị Sữa, chủ điểm trải nghiệm bánh lá Ba Sữa, nói: “Hồi trước làm nông chỉ phụ thuộc vào cây lúa, từ khi tham gia làm du lịch kinh tế gia đình ổn định hơn. Tôi bán thêm các sản phẩm khô nhà làm, cho du khách trải nghiệm làm bánh lá”. Bánh lá của cô Ba Sữa làm từ nguyên liệu sạch có quanh nhà, nên hương vị đặc biệt, dân dã và thơm ngon. Chị Lê Thị Hồng Nhi, Công ty Du lịch Nụ cười Mekong Cần Thơ, cho biết: “Cồn Chim là điểm đến hấp dẫn với nhiều sản phẩm da dạng. Tại đây, tôi có những trải nghiệm rất thú vị như: vò sâm, đi xe đạp trên đường quê, học làm bánh dân gian… gợi cho tôi những ký ức tuổi thơ ở vùng quê miền Tây Nam Bộ. Những sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng bền vững tại cồn Chim rất phù hợp với thị trường du lịch hiện nay”.
Tỉnh Trà Vinh đang tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, trong đó chú trọng phát triển du lịch xanh, nói không với bê tông hóa. Cồn Chim là một trong những mô hình tiêu biểu cho định hướng này. Tại đây, du khách sẽ bắt gặp những ngôi nhà được làm bằng dừa nước, những hàng lu khạp chứa nước tự nhiên, sàn nước bên bờ ao, chái bếp với bếp củi. Ký ức tuổi thơ của du khách được sống lại ở khu trò chơi dân gian Làng Tôi. Tại đây du khách chơi u, nhảy dây, tạt lon... hay thử làm làm nông dân câu cua, đua cua có thưởng. Du khách Trần Thanh Long (Vĩnh Long), nói: “Trải nghiệm một ngày ở cồn Chim cho tôi rất nhiều hồi ức về tuổi thơ. Những chuyến phà, những mái nhà tranh và những hoạt động rất bình dị, từ đạp xe, câu cua cho đến làm bánh dân gian đều làm tôi thấy hài lòng. Khi biết người dân nơi đây có cách làm du lịch rất dân dã, giữ nguyên sơ giá trị văn hóa bản địa, nhất là giữ canh tác nông nghiệp tự nhiên trước môi trường xâm nhập mặn khó khăn như thế tôi càng trân quý những sản phẩm của họ”. Chị Cao Thị Miền, Công ty du lịch Đại Lợi (Trà Vinh), đơn vị kết nối thường xuyên các tour đi cồn Chim, cho biết: “Bà con được tập huấn các tiêu chí du lịch bền vững. Từng sản phẩm đều được chăm chút sử dụng các nguyên liệu thân thiện môi trường như lá chuối, lá dừa, ống hút cỏ…”.
Du lịch cồn Chim được xem là mô hình mẫu của phát triển du lịch bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại Trà Vinh. Dù chỉ mới đi vào hoạt động 3-4 năm, nhưng cồn Chim đã để lại nhiều ấn tượng đẹp với du khách.
Ái Lam