Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt với hiện tượng ô nhiễm biển từ rác thải. Do đó, chúng ta cần có những hành động cụ thể, từ những hành vi đơn giản như: ngừng xả rác bừa bãi, tích cực sử dụng túi tái sử dụng để mua sắm hay ngừng sử dụng chai nhựa dùng một lần…như nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện.
Đến Khu du lịch Tràng An, Ninh Bình những ngày chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1050 năm Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, khai sinh ra nước Đại Cồ Việt, ấn tượng chung của du khách là vệ sinh môi trường được giữ gìn rất tốt. Trên các lối đi bộ, các thùng rác được bố trí đầy đủ và tiện lợi. Trên đường thủy, dọc các dòng suối tấp nập thuyền chở đầy du khách vào ra nhưng không hề có rác thải.
Rác thải, nhất là rác thải nhựa đang là một vấn nạn, do ý thức của người sử dụng còn thấp. Nhiều điểm du lịch, lễ hội, sau khi sự kiện diễn ra là tình trạng rác thải tràn ngập, bừa bãi, bất chấp những thùng rác đã được đặt sẵn. Rác làm ô nhiễm môi trường ngay tại điểm xả rác, nhưng rác nilon rất khó phân hủy, qua các sông suối, rác thải trôi ra biển, gây ô nhiễm.
Sự cố vừa xảy ra tại biển xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá là minh chứng rõ nhất. Biển xã Đa Lộc là một vùng xoáy nên khi thủy triều lên, rác từ khắp nơi đổ về rồi mắc kẹt ở 400 ha rừng phòng hộ ngập mặn ven biển. Trên các cành cây sú, vẹt rác bám chi chít, dày đặc túi nilon, chai lọ, quần áo, giày dép rách. Trên bờ, rác từ nhựa chất gần giống như núi. Ngoài việc ô nhiễm không khí, rác thải còn gây khó khăn cho việc nuôi và đánh bắt hải sản.
Nhìn sang thiên đường du lịch Bali, Indonesia nổi tiếng thế giới với những bãi lướt sóng tuyệt đẹp, nhưng cách đây không lâu, bờ biển và các bãi tắm luôn ngập trong vỏ chai nhựa, rác thải. Để bảo vệ môi trường biển và giữ thương hiệu thiên đường du lịch, chính quyền đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về vấn đề rác thải, đồng thời đề ra các giải pháp ứng phó...
Vì thế thông điệp của Ngày trái đất năm 2018 là “nói không với rác thải nhựa”. Việt Nam đã có nhiều hoạt động hưởng ứng chủ đề này để chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất.
Nguy cơ và hậu quả đã hiện hữu, hơn lúc nào hết, ngoài trách nhiệm của Nhà nước là ý thức bảo vệ môi trường của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng.
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt với hiện tượng ô nhiễm biển từ rác thải. Do đó, chúng ta cần có những hành động cụ thể, từ những hành vi đơn giản như ngừng xả rác bừa bãi, tích cực sử dụng túi tái sử dụng để mua sắm hay ngừng sử dụng chai nhựa dùng một lần…như nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện. Và Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất những đồ dùng thân thiện với môi trường, thân thiện với con người thay cho đồ dùng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Từ việc bảo vệ môi trường ở Khu du lịch Tràng An, Ninh Bình sẽ là hình mẫu cho nhiều khu du lịch khác. Nước ta có bờ biển dài và đẹp, đó là nguồn lực lớn để thực hiện nhiều chiến lược phát triển, trong đó có chiến lược phát triển kinh tế biển và du lịch biển. Hai ngành kinh tế này sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn khi không để xảy ra những sự cố về môi trường dù là nhỏ.
Ngoài phát triển du lịch sạch, chúng ta cũng phải bảo vệ môi trường sạch ở mọi nơi, mọi lúc. Đây là mệnh lệnh tối quan trọng của cuộc sống, không cuả riêng ai và cũng không phân biệt chỉ ở phạm vi mỗi quốc gia./.