quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Du lịch Môi trường 2. Kinh nghiệm Quốc tế

Thứ Hai, 13/07/2015 | 12:04:00 PM

(VACNE, tiếp) - Ngoài Ai Cập, nơi phát tích Du lịch Môi trường, Loại hình Du lịch mới mẻ này cũng đã gặt hái nhiều thành công trên thế giới nhờ khai thác yếu tố lịch sử môi trường vào kinh doanh du lịch

  

Ai Cập cổ đại bị tàn phá bới sa mạc hóa


1. Phá rừng và sự lụi tàn của Văn minh Maya.
Nền văn minh đặc sắc được người Maya, một bộ tộc thổ dân châu Mỹ, xây dựng từ năm 1.000 trước CN trên bán đảo Yutacan - nằm tại đông nam Mexico, chia tách vịnh Caribe với vịnh Mexico. Đến thế kỷ X sau CN, nền văn minh rực rỡ 2000 năm lịch sử này bị sụp đổ. Nghiên cứu cho thấy ngay từ năm 250 đến 800 sau CN, Maya đã có dân số khá đông. Họ đã xây dựng những công trình thủy lợi phức tạp, nhà ở, lăng tẩm… Rừng thông bị đốn trụi để lấy gỗ làm lâu đài và lấy nhựa, kéo theo hậu quả tai hại là các vùng đất dốc bị xói mòn. Đất bị cạn kiệt dinh dưỡng, chế độ mưa rối loạn, gây ra hạn hán và lũ lụt. Nước mưa không được thảm rừng bẫy giữ tạo điều kiện cho nước mặn tấn công vào các bồn nước ngầm. Vào khoảng năm 800, toàn bộ các vùng đất còn lại bị đưa vào canh tác, nhưng nạn đói kinh khủng vẫn xảy ra giết chết một phần lớn dân tộc Maya. Số còn lại có thể “giết nhau giành sự sống”1.


2. Suy thoái môi trường hủy diệt Văn minh Angkor.
Người Khmer xưa đã xây dựng tại Angkor một hệ thống kênh rạch và hồ chứa phức tạp phục vụ cho thương mại, giao thông và thủy lợi. Khi dân số tăng lên, hệ thống kênh rạch bị cản trở dẫn đến thiếu nước, ô nhiễm, dịch bệnh và bị lũ lụt hoành hành. Để đáp ứng cho số dân tăng thêm, người ta đã khai quang những cánh rừng trên các ngọn đồi quanh Angkor để mở rộng vùng đất trồng lúa. Đất trống trọc làm cho kênh bị bồi lấp khi mưa to. Sự phá hủy hệ thống thủy lợi với lượng cư dân ngày càng đông đã dẫn tới các hậu quả nghiêm trọng khác về môi trường trong đó có sự ô nhiễm, dịch bệnh (dịch hạch). Điều đó dẫn đến mùa màng thất bát do lũ lụt và hạn hán. Trong khi trước đó mỗi năm có 3 vụ lúa - điều này đã góp phần cốt yếu cho sự thịnh vượng và quyền lực của đế chế Khmer. Sự giảm sút mùa màng, dịch bênh đã làm cho đế quốc này suy yếu thêm. Sau năm 1352, người Thái thuộc tiểu vương quốc Ayutthaya đã mở nhiều cuộc tiến công vào đế quốc Khmer nhưng đều bị đánh bật. Nhưng cuối cùng, năm 1431, đã chiếm được Angkor, mở đầu cho sự suy tàn của thành phố cổ kính và thuộc loại lớn nhất thế giới đương thời2,3.


3. Văn minh Ấn Hà sụp đổ do biến đổi môi trường.
Chỉ đến năm 1922, khi các nhà khảo cổ học người Anh trên đường tìm kiếm dấu vết của Alexander Đại đế đã khám phá những phần còn lại của một nền văn minh chưa được biết đến trong thũng lũng sông Indus (Ấn Hà) Pakistan


* Biến đổi khí hậu. Nghiên cứu khảo cổ học cho biết, lượng mưa thời kỳ đó giảm mạnh, làm khô cạn hệ  sông Indus, vốn đóng vai trò quyết định đến sự sống còn của cư dân. Đồng bằng sông Indus  trong khoảng năm 2600 trước CN có nhiều rừng và thú, ẩm ướt và xanh tươi. Vào khoảng 1.800 năm trước CN, khí hậu trong lưu vực Indus đã thay đổi, trở nên lạnh và khô hơn.


* Sông Indus bị đoạt dòng. Hệ sông Indus lại bị sông Hằng (Ấn Độ) đoạt dòng do nguyên nhân địa chất, làm một diện tích đáng kể đất nông nghiệp phì nhiêu đã bị suy thoái, mà nền văn minh đô thị và rất cần nước này đã không vượt qua được.


* Thảm họa hạt nhân bí ẩn thời cổ đại (người ngoài hành tinh gây ra?). Hai nhà khoa học Davneport và Vincenti tìm thấy nhiều tầng đất sét và thủy tinh màu lục. Họ cho rằng một nguồn nhiệt cực cao đã làm tan chảy đất sét và cát, rồi chúng đông cứng ngay sau đó. Các tầng thủy tinh lục tương tự cũng được tìm thấy trong sa mạc Nevada ngày nay sau mỗi vụ nổ hạt nhân. Từ đó các nhà nguyên cứu khẳng định rằng nhiều phần của thành phố đã tan chảy sau khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Khoảng 12 bộ hài cốt tại Mohenjo - Daro mang dư lượng phóng xạ quá mức bình thường đến 50 lần. Sử thi Mahabharata cổ Ấn Độ có nói về một thứ vũ khí ghê rợn với sức tàn phá đáng sợ, một “vỏ sò lấp lánh như lửa, nhưng không tỏa khói. Khi vỏ sò chạm đất, bầu trời trở nên tối đen, các cơn giông bão tàn phá thành phố. Một tiếng nổ khủng khiếp đã thiêu cháy hàng ngàn người và thú vật, biến hết thành tro”4.


4. Sự bất trắc của hai dòng sông Tigris và Euphrates tạo ra lịch sử thăng trầm của Văn minh Lưỡng Hà.
Lưỡng Hà là tên gọi của một nền văn minh cổ đại nổi tiếng thế giới phát tích ở nơi gồm lãnh thổ Iraq, đông Syria, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây nam Iran hiện đại. Lưỡng Hà là một trong những nền văn minh xuất hiện sớm nhất mà nhân loại biết đến, có trình độ phát triển cao về mọi mặt.. Văn minh Lưỡng Hà được định hình bởi hai yếu tố đối lập: sự bất trắc của hai dòng sông Tigris và Euphrates (vào bất kỳ lúc nào cũng có thể gây ra những trận lũ lụt lớn quét sạch các quần cư), và sự màu mỡ đặc biệt của hai vùng châu thổ do phù sa của chính hai dòng sông tạo ra. Nếu sự giàu có của Lưỡng Hà có sức hấp dẫn đối với nhiều tộc người xung quanh thì những thời kỳ suy sụp do thiên tai gây ra cho Lưỡng Hà lại là cơ hội cho những cuộc chiến tranh của các đế chế lân cận nhằm cướp đoạt lãnh thổ. Vì thế dễ thấy lịch sử Lưỡng Hà là sự kế tục của nhiều đứt đoạn khi một triều đại mới văn minh hơn và mạnh hơn thay thế cho một triều đại trước đó. Nếu tính từ thời văn hóa Sumer cuối thiên niên kỷ thứ IV trước CN cho tới khi những người Achaemenid trỗi dậy vào thế kỷ thứ VI trước CN thì lịch sừ Lưỡng Hà đã kịp thay thế 13 nền văn hóa5.


Ngoài lũ lụt bất trắc, Lưỡng Hà còn bị một trận “Đại hồng thủy” vào cuối triều đại đế chế thứ 13 (Tân Babylon – thế kỷ VI trước CN). Một truyền thuyết được coi là cổ xưa nhất về Đại hồng thủy được ghi lại trong cuốn sách đá của nền văn minh Lưỡng Hà. Trong những năm 1920, nhà khảo cổ học người Anh Leonard Wooley khi khai quật ở khu vực phía Nam Lưỡng Hà (được coi là nơi sinh Abraham, tổ phụ của dân Do Thái) đã phát hiện các vỉa bùn sâu nằm dưới nước. Ngoài ra còn có nhiều dấu vết nhà cửa vật dụng bằng gốm chìm dưới tầng bùn. Gần đây, các nhà khoa học tìm thấy dấu tích của một chiếc tàu lớn trên một đỉnh núi cao gần 2.000m tại Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cho rằng đó là chiếc tàu nổi tiếng của Noah, được ghi chép trong sách Sáng Thế ký. Như vậy Đại hồng thủy là có thật6.


“Phát triển thịnh vượng - suy sụp do thiên tai – chiến tranh hủy diệt – lại phát tiển thịnh vượng nhưng do đế chế khác cai quản”
là một kiểu chu kỳ của văn minh Lưỡng Hà trong suốt 4 thiên niên kỷ trước CN. Những chủ nhân của Lưỡng Hà rất giỏi tạo ra văn minh nhưng cũng rất mỏng manh do kém thích ứng với biến động môi trường và địch họa, vì thế mà nói “Lịch sử văn minh Lưỡng Hà là sự liên tục của những đứt đoạn”.


5. Tàn phá rừng hủy diệt nền Văn minh của đảo Phục sinh
. Nền văn minh bí ẩn trên của đảo Pâques (đảo Phục Sinh), nơi nổi tiếng toàn cầu vì gần một ngàn bức tượng đá khổng lồ cao từ 4 đến 20m, nặng từ 10 đến 270 tấn được đẽo gọt trau chuốt, đã tàn lui vào khoảng cuối thế kỷ XV. Các nhà khoa học đã phát hiện ra các vết phấn hoa sót lại cho thấy ngày xưa từng có giống cọ Jubaea cao hơn 30m mọc tươi tốt và là thành phần chính yếu của thảm thực vật trên đảo..Sau nhiều cuộc khảo cứu, giới khoa học làm rõ (theo phân tích đồng vị phóng xạ khá chính xác) kết cục đau buồn của văn hóa Pâques chỉ diễn ra trong vòng 150 năm kể từ năm 1300. Trong vòng 150 năm, một hòn đảo giàu có, phồn vinh, một thiên đường của chim, rừng xanh rậm rì bao phủ, đầy loại hoa trái, vậy mà khi được phát hiện (năm 1722 khi thuyền trưởng người Hà Lan Jakob Roggeveen đặt chân đến), thì đảo trơ trui, chỉ còn vài nghìn người ốm đói thê thảm. Hiện nay hòn đảo khá nghèo màu xanh: vẻn vẹn 50 loại thực vật, trong đó 10 loại cây và không cây nào mọc cao trên 3 m.


Dân trên đảo đã đốn hạ rừng cây nguyên thuỷ để làm con lăn vận chuyển hàng ngàn bức tượng thờ khổng lồ (moai), để làm nghi lễ tôn giáo. Thêm vào đó theo nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học dưới sự chỉ đạo của Terry L. Hunt từ ĐH Hawaii, người Polynesia  khi đến đảo đã vô tình đem theo loài chuột Thái Bình Dương (Rattus exulans) trên thuyền. Khi thuyền cập đảo, chuột xổng lên đảo. Ước tính đến năm 1200 sau Công lịch, đàn chuột trên đảo bùng phát đến 2-3 triệu con vì không có đối thủ cạnh tranh. Chúng gặm sạch các quả cọ, không còn để mầm cọ phát triển, khiến quá trình hủy diệt các cánh rừng cọ trên đảo diễn ra nhanh hơn. Người và chuột đua nhau phá nên rừng bị xóa sổ vào khoảng năm 15007.

Với một hòn đảo không lớn bị cô lập giữa biển cả mênh mông, nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt, cân bằng sinh thái, điều hòa khí hậu là sống còn và bao giờ cũng là nguồn tài nguyên rất hạn hẹp. Muốn có nước thì phải có rừng. Rừng phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Hủy diệt rừng thì hết nước, nhất là không còn nguyên liệu làm thuyền đánh cá, cạn nguồn thực phẩm (cá, chim, thú, hoa, quả). Nạn đói hoành hành bi thảm đến mức dân chúng của đảo phải “đập xương người ra hút tủy”. Năm 1860 dân chúng nổi dậy đánh đổ giới cầm quyền của đảo, sau đó đập phá luôn các pho tượng một thời là biểu tượng của nền văn minh Pâques8.


---------------------------------------------------------

 

  1. Nền văn minh Maya sụp đổ do mất rừng (1/2012) http://www.khoahoc.com.vn/khampha/kham-pha/37381_Nen-van-minh-Maya-sup-do-do-mat-rung.aspx
  2. Đế quốc Khmer http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%BF_qu%E1%BB%91c_Khmer (Trích từ Michael Freeman, Claude Jacques: Ancient Angkor, Asia Books)
  3. 12 nền văn minh  cổ biến mất bí ẩn.(phần 1 - 5/2012)) (http://m.ione.net/tin-tuc/balo-teen/2012/05/28026-12-nen-van-minh-co-bien-mat-bi-an-p1.html
  4. Nền văn minh Indus – Những điều bí ẩn. http://yume.vn/news/du-lich/doc-duong-van-hoa/nen-van-minh-indus-nhung-dieu-bi-an.35A9B495.html
  5. Lưỡng Hà http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C6%B0%E1%BB%A1ng_H%C3%A0
  6. Đại hồng thủy – truyền thuyết và sự thật. http://www.bian.vn/cms/dai-hong-thuy-a-truyen-thuyet-va-su-that-872/
  7. Bí ẩn đảo Phục Sinh đã được sáng tỏ. http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=74894
  8. Tại sao có những nền văn minh biến mất? http://www.trieuthanhweeklymagazine.com/khoahoc/kh1/conhungnenvanminh.html

Nguyễn Đình Hòe, VACNE

Lượt xem: 1986

Các tin khác

Đà Nẵng: Khi khách "Tây" dọn rác

(23/04/2024 06:07:AM)

''Xanh hóa'' du lịch, khách muốn có chuyến đi giảm ''dấu ấn'' môi trường

(16/04/2024 06:06:AM)

Vào Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) ngắm các loài chim đặc hữu

(14/04/2024 07:07:AM)

Du lịch Net Zero: Xu hướng mới của ngành du lịch

(11/04/2024 05:47:AM)

Du lịch di sản: Kết nối để phát triển bền vững

(09/04/2024 08:17:AM)

Trao "hộ chiếu xanh" khi du lịch xứ dừa

(29/03/2024 07:37:AM)

Đắk Lắk: Du lịch thân thiện với voi

(18/03/2024 06:47:AM)

Côn Đảo sẽ kiên quyết: Nói không với đốt hàng mã tại các di tích

(08/03/2024 05:56:AM)

Lâm Đồng: xây dựng một môi trường du lịch xanh và bền vững

(26/02/2024 04:52:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE