Đây là ý kiến của hầu hết các nhà khoa học và sự đồng thuận của gần
300 đại biểu tham dự Hội thảo về công nghệ này diễn ra ngày 30/6/2011,
tại Hà Nội, do Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt
Nam (VINACONEX), phối hợp với Hội bảo vệ thiên nhiên & môi trường Việt
Nam (VACNE) tổ chức.
Tham gia Hội thảo, có đông đảo các nhà quản lý, cán bộ khoa học và chủ
doanh nghiệp trong lĩnh vực xử lý rác thải, bảo vệ môi trường trong cả
nước, trong đó có nhiều vị: nguyên là Bộ trưởng và Thứ trưởng.
Trong phát biểu khai mạc, cũng như tổng kết Hội thảo, ông Chủ tịch
VACNE đều khẳng định rằng: Đây là một công nghệ tiên tiến, có nhiều
triển vọng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Song,
TS.Nguyễn Ngọc Sinh vẫn lưu ý: chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng và thấu
đáo hơn, để tránh những khó khăn và phức tạp, mà các phương pháp xử lý
rác (tương đối triệt để trước đây) như: công nghệ Seraphin, công nghệ
Tâm Sinh Nghĩa, lò đốt rác y tế nhập khẩu.. đã gặp phải. Vấn đề quản
lý, xử lý chất thải (trong đó có rác thải) không còn là câu chuyện bức
xúc của từng địa phương, mà nó đã trở thành sự kiện nóng bỏng của toàn
xã hội, cần phải giải quyết ngay từ bây giờ.
Sau khi nghe ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc VINACONEX phát
biểu chào mừng; đại diện công ty năng lượng môi trường Martin (CHLB
Đức); đại diện hãng Mitsubishi trong Dự án tái tạo năng lượng từ chất
thải WtE ở Châu Á giới thiệu về công nghệ; đặc biệt những ý kiến thẳng
thắn của các vị đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường Tp Hồ Chí Minh và
Bộ Y tế, về hiện trạng quản lý và xử lý chất thải công nghiệp và rác
thải độc hại…các chuyên gia hàng đầu về công nghệ xử lý rác thải của
VACNE đã đóng góp nhiều ý kiến rất tâm huyết, được các đại biểu dự Hội
thảo đánh giá cao.
Tham luận của các GSTS. NGND Đặng Kim Chi và Trần Hiếu Nhuệ đã phân
tích khá kỹ điều kiện cần và đủ, cũng như những thách thức về kinh tế,
kỹ thuật và những lợi ích vô hình mà công nghệ này sẽ mang lại về môi
trường, để mọi người cùng xem xét trước khi triển khai. Phát biểu tại
Hội thảo này, TS Trần thị Thanh Phương, cũng bày tỏ sự quan tâm của
Ngân hàng Thế giới (WB) tới việc triển khai công nghệ xử lý rác thải
tại Việt Nam./.
Mạnh Thủy (VACNE)