Không có tài chính, không thoả thuận
Ông Stravos Dimas - Cao ủy Môi trường của Liên minh Châu Âu - cảnh báo: "Không có tài chính sẽ không có thoả thuận". Để đạt được một thoả thuận công bằng và chắc chắn tại Copenhagen, Oxfam tính toán rằng các nước giàu phải chi thêm một khoản tiền mới ít nhất là 200 tỉ USD mỗi năm để giúp các nước nghèo đối phó với những ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Khoản tài chính này không phải là tiền từ thiện, mà là trách nhiệm.
Vấn đề tài chính là trách nhiệm của các nước giàu - đối tượng chính gây ra cuộc khủng hoảng về khí hậu - để giúp đỡ các nước nghèo, đối tượng có lỗi ít nhất, nhưng lại phải chịu hậu quả nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu.
"Lý do mà chúng ta phải chịu nhiều tổn thất từ biến đổi khí hậu nằm ở chỗ chúng ta không có nguồn lực để đối phó với vấn đề này. Chúng ta chỉ yêu cầu các nước giàu đáp ứng các cam kết hỗ trợ tài chính hiện có" - ông Bernarditas Muller - đại diện của nhóm 77 nước (G77) và Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc nói.
Phải là "tiền mới"
"Nếu cần thiết, chúng tôi sẵn sàng bỏ dở bất cứ một cuộc đàm phán nào nếu đe doạ một sự cướp đoạt lần nữa lục địa của chúng tôi" - Thủ tướng Ethiopia Meles Zenawi - đại diện cho tiếng nói của liên minh Châu Phi, nhấn mạnh.
Ngân hàng Thế giới vào tháng 9.2009 đã kết luận, cần khoảng 75-100 tỉ USD trung bình mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2010-2050 chi cho việc thích ứng (với giả thiết là chúng ta giữ được mức nóng lên toàn cầu dưới 2°C). Trong thời điểm hiện tại, Oxfam dự đoán phải chi ra ít nhất 100 tỉ USD mỗi năm cho giảm thiểu khí phát thải và 100 tỉ USD nữa mỗi năm cho thích ứng ở các nước nghèo vào năm 2020. Theo tính toán của Oxfam, các nước thành viên Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ phải chi ra khoảng 50 tỉ USD mỗi năm, Australia là 3,5 tỉ USD, Nhật Bản là 14,6 tỉ USD và Canada là 5,3 tỉ USD.
Tài chính cho biến đổi khí hậu phải là khoản mới, chứ không đơn giản là cứ chuyển từ những khoản viện trợ phát triển đã cam kết cũ sang để thực hiện nghĩa vụ đối phó với biến đổi khí hậu. Điều này có nghĩa là phải có khoản tài chính mới thêm vào cam kết chi 0,7% tổng thu nhập quốc dân của các nước giàu cho viện trợ phát triển. Mục tiêu này đã được đề ra trong nghị quyết đầu tiên của Liên Hợp Quốc năm 1970, tuy nhiên cho đến nay, trung bình việc thực hiện cũng chỉ đạt đến 0,3%.
Trong một bản báo cáo gần đây, Oxfam đã cảnh báo rằng sẽ có thêm ít nhất 75 triệu trẻ em sẽ không được tới trường và 8,6 triệu người không có cơ hội tiếp cận với các biện pháp chữa trị HIV/AIDS nếu các khoản viện trợ phát triển bị chuyển sang để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu ở các nước nghèo. Nếu không có các khoản hỗ trợ mới, các thành tựu nhằm đạt Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ sẽ chững lại, rồi sẽ bị đảo ngược.