MẠNH CƯỜNG
Với người dân Cơ Tu, rừng pơ mu không chỉ có giá trị về sinh thái mà còn có ý nghĩa tâm linh. Theo già Hốih Nhiếc, người Cơ Tu khi lấy bất cứ thứ gì từ trong rừng đều phải xin thần rừng. Chặt cây to hay cây nhỏ đều phải xin, phải cúng, phải họp bàn dân làng. Làng chấp thuận mới được phép chặt cây mang về. Mọi thứ ở rừng là của chung.
"Vì pơ mu là loại gỗ quý giá nên giá bán ra thị trường rất cao. Già nói không ngoa chứ mỗi cây pơ mu hiện nay giá cả trăm triệu đồng. Nhưng với người Cơ Tu, pơ mu là thứ cây thiêng không thể xâm hại và càng không thể trở thành món hàng bán - mua. Ngoài ra, với quan niệm cây pơ mu cao lớn trong rừng là nơi cư ngụ của thần linh và linh hồn người đã khuất nên không ai dám đụng vào. Vì vậy, hàng trăm năm qua, dù một nhánh cây pơ mu cũng chưa bao giờ phải rơi xuống đất trong cánh rừng già này", già Nhiếc khẳng định.
"Kho báu" giữa đại ngàn
Để "vương quốc pơ mu" trở thành một điểm du lịch khám phá hấp dẫn, chính quyền H.Tây Giang đã thành lập hẳn một làng mới giữa lõi rừng pơ mu. Huyện đầu tư mở ngay một con đường 8 km vào đến nơi lập làng, thay vì phải đi bộ hàng giờ đồng hồ như trước đây. Thêm 10 ngôi nhà được xây dựng theo phong cách nhà truyền thống của người Cơ Tu, có một gươl (nhà làng truyền thống) để sinh hoạt cộng đồng, cũng là nơi tiếp đón du khách đến tham quan, lưu trú. Hằng năm, vào tháng 2 dương lịch, UBND H.Tây Giang phối hợp với các xã tổ chức lễ hội tạ ơn rừng với những nghi thức mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh truyền thống của đồng bào Cơ Tu.
Ông Pơloong Plênh, Phó trưởng phòng VH-TT H.Tây Giang, cho biết vài năm sau khi quần thể rừng pơ mu được công nhận Cây di sản, chính quyền H.Tây Giang mở cửa đón khách tham quan trải nghiệm hệ sinh thái rừng nguyên sinh độc đáo này. Từ làng du lịch, du khách có thể trải nghiệm bằng nhiều cách để chạm tay vào các "cụ pơ mu" hàng trăm năm đến hàng ngàn năm tuổi. "Người Cơ Tu không xem rừng là tài nguyên để chiếm lĩnh, mà xem rừng như người bạn, người thân. Họ luôn ứng xử văn minh và tôn thờ thần rừng, nhất là rừng thiêng như rừng đầu nguồn, rừng nhiều động vật, thực vật quý hiếm… Với người Cơ Tu, rừng pơ mu là một phần máu thịt, là tài sản chung của dân làng nên tất cả đều ra sức bảo vệ", ông Pơloong Plênh nói.
Ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho hay cây di sản là niềm tự hào, cũng là trách nhiệm phải giữ được rừng của địa phương. Không có cách nào hiệu quả hơn là giao rừng cho chính người dân quản lý. "Với tất cả những cánh rừng trên địa bàn, huyện luôn chỉ đạo cho bà con trong việc quản lý, phát triển và bảo vệ rừng. Rừng pơ mu không chỉ là cánh rừng quý hiếm mà còn được xem là báu vật. Lễ hội tạ ơn rừng là dịp tuyên truyền, vận động bà con quản lý, bảo vệ rừng một cách hiệu quả nhất", ông Blúi nói. Ở vùng cao Tây Giang, người dân gắn bó với rừng đã bao đời nay nên hơn ai hết chính họ mới hiểu rừng, mới "thuộc" rừng và bảo vệ rừng hữu hiệu nhất. "Với người dân Cơ Tu, bây giờ cây pơ mu là kho báu khổng lồ nên được cộng đồng vùng cao quyết tâm gìn giữ cho con cháu mai sau. Cánh rừng này cũng luôn bất khả xâm phạm", ông Arất Blúi khẳng định.
"Vương quốc pơ mu" với khẩu hiệu "Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong", như một lời khẳng định của đồng bào Cơ Tu.
(Còn tiếp)