Hàng năm, Việt Nam phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai với tần suất ngày càng tăng và diễn biến ngày càng phức tạp.
Kết quả khảo sát tại 3 tỉnh, thành phố gồm Đà Nẵng, Nha Trang và Nghệ An do Phòng Thương mại&Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) và Quỹ Châu Á thực hiện năm 2011, có tới 85% doanh nghiệp có khả năng bị bão tấn công, 45% bị lũ lụt, 12% bị lốc xoáy; 60% doanh nghiệp đã bị thiệt hại, trong đó 5% doanh nghiệp bị thiệt hại rất nặng, 30% ở mức nặng nề. Chủ yếu thiệt hại về nhà xưởng, thiết bị và hàng hóa...
Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn thiếu sự chuẩn bị cần thiết và hiệu quả để phòng và giảm thiểu tác động do thiên tai. Qua khảo sát, có 5% doanh nghiệp không quan tâm đến phòng chống rủi ro thiên tai; 46% doanh nghiệp có quan tâm nhưng chưa có kế hoạch phòng chống và ứng phó; 33% doanh nghiệp xây dựng kế hoạch nhưng không đủ năng lực và nguồn lực để thực hiện. Doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ ở khu vực tư nhân (chiếm hơn 70% tổng số doanh nghiệp) hầu như không có khả năng phòng tránh và ứng phó khi có thiên tai xảy ra; 78% số doanh nghiệp chưa có hoạt động tương trợ lẫn nhau; 60% chưa mua bảo hiểm rủi ro thiên tai...
Theo nghiên cứu mới đây của Quỹ châu Á, trong 20 năm qua
Việt Nam là 1 trong 5 nước có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới, với mức thiệt hại ước tính chiếm 1,5% GDP hàng năm.
“Các doanh nghiệp thiếu kiến thức về kỹ năng quản lý rủi ro thiên tai. Đây là một lỗ hổng lớn hiện nay của hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một số doanh nghiệp tuy đã có phương án phòng chống bão lụt nhưng chỉ mang tính chất liệt kê công việc mà chưa đánh giá chi tiết từng rủi ro có thể xảy ra cũng như khả năng của doanh nghiệp để phòng, ứng phó và giảm nhẹ huống thiên tại cụ thể” ông Nguyễn Tiến Quang, Phó Giám đốc Phòng Thương mại&Công nghiệp TP Đà Nẵng, được VOV dẫn lời nói.
Trên Báo Điện tử Chính phủ, Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Trung tâm Phòng tránh&Giảm nhẹ Thiên tai, cho biết Việt Nam có khoảng hơn 200 khu công nghiệp, khoảng 500.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 18.000 hợp tác xã hoàng triệu hộ gia đình kinh doanh cá thể. Đây là nguồn động lực kinh tế trong thời kỳ mới nhưng cũng tiểm ẩn nguy cơ thiệt hại rất cao và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng quốc gia, khu vực và toàn cầu. Vì vậy, bảo vệ các doanh nghiệp và nền kinh tế khỏi những tác động tiêu cực của thiên tai là vấn đề hết sức quan trọng.
Các đại biểu cho rằng cần nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với các loại thiên tai, bảo toàn tính mạng và tài sản cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chủ động lập kế hoạch, phương án ứng phó khẩn cấp nhằm giảm nhẹ rủi ro khi thiên tai xảy ra.
Ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Trung tâm Phòng tránh&Giảm nhẹ Thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: “Chúng tôi đang đẩy mạnh việc tuyên truyền và đào tạo để có những lớp tập huấn cán bộ nâng cao nhận thức về quản lý rủi ro thiên tai, giảm rủi ro. Đồng thời, chúng tôi cũng đang tiến hành hỗ trợ và đào tạo đội ngũ tuyên truyền về vấn đề này phù hợp”.
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã dành nhiều quan tâm đối với công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thông qua việc tham gia những cam kết ở khu vực và trên thế giới; phê duyệt Chiến lược Quốc gia Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020. Đặc biệt, Luật Phòng, chống Thiên tai đã được thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5/2014, trong đó nêu rõ quyền và nghĩa vụ của các tổ chức kinh tế, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các tổ chức kinh tế trong công tác phòng, chống thiên tai.