Các quan chức Liên Hợp Quốc cho rằng hội nghị về biến đổi khí hậu sẽ dẫn tới một kết cục tốt đẹp.
|
An ninh được thắt chặt tại thủ đô của Đan Mạch. Ảnh: Reuters. |
Hội nghị khí hậu khai mạc tại thành phố Copenhagen hôm nay và sẽ kết thúc vào ngày 18/12. Chính phủ Đan Mạch cho biết, khoảng 15.000 đại biểu và 100 nhà lãnh đạo trên khắp thế giới sẽ tham dự hội nghị. Ông Yvo de Boer, quan chức cao cấp nhất của Liên Hợp Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu, nói với BBC rằng, nhiều quốc gia sẽ đưa ra cam kết cắt giảm khí thải trong hội nghị.
“Các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu đã diễn ra trong suốt 17 năm qua, nhưng chưa bao giờ số nước đưa ra cam kết lại lớn đến thế. Điều này chưa từng xảy ra”, ông Boer phát biểu.
Theo AP, Nam Phi vừa công bố mục tiêu cắt giảm khí thải đúng một ngày trước khi hội nghị khí hậu khai mạc. Nước chủ nhà của World Cup 2010 cam kết giảm 34% lượng khí thải trong 10 năm tới. Sau đó tỷ lệ giảm sẽ đạt mức cực đại là 42% trước năm 2050.
“Thông báo cắt giảm khí thải biến Nam Phi thành một trong những ngôi sao trong các cuộc đàm phán tại Copenhagen”, tổ chức Greenpeace ra tuyên bố.
|
Người đàn ông nằm trên mô hình trái đất tại thành phố Copenhagen vào ngày 6/12. Ảnh: Reuters. |
Nhà Trắng từng thông báo Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới hội nghị Copenhagen vào ngày 9/12 sau khi nhận giải Nobel Hòa bình ở Na Uy. Nhưng sau đó ông quyết định bay sang Đan Mạch vào ngày 17/12 để tham dự phiên họp cuối cùng của hội nghị. Nhà Trắng cho biết, quyết định của Obama được đưa ra sau khi ông điện đàm với các thống đốc của Mỹ. Việc thay đổi lịch trình của Tổng thống Mỹ là dấu hiệu cho thấy Washington có thể ký hiệp định về cắt giảm khí thải.
Hơn 100 người đứng đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ cũng xác nhận họ sẽ tham gia phiên họp cuối cùng của hội nghị. Với sự tham gia của họ, Copenhagen trở thành hội nghị quan trọng nhất về khí hậu trong lịch sử. Nhiều nhà lãnh đạo tới Đan Mạch bằng những con tàu sử dụng năng lượng sạch hoặc tạo ra ít khí thải. 450 người gồm quan chức Liên Hợp Quốc, đại biểu, nhà hoạt động môi trường và nhà báo đã cùng tới Copenhagen trên một tàu tạo ra ít khí thải từ thành phố Brussels (Bỉ).
Một nghiên cứu do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc thực hiện và công bố hôm qua cho thấy, mục tiêu cắt giảm khí thải mà các nước công nghiệp phát triển công bố chưa đạt mức mà giới khoa học mong đợi. Tuy nhiên, khả năng ra đời của một thỏa thuận thay thế Nghị định thư Kyoto 1997 là tương đối cao.
“Nhiều người nói rằng thế giới không thể đạt được một thỏa thuận tại Copenhagen và chúng ta sẽ thấy họ sai”, Achim Steiner, giám đốc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, phát biểu.
Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cũng cho thấy, tất cả quốc gia chỉ được phép thải ra từ 44 tỷ tấn khí CO2 trở xuống trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2020 để nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2 độ C. Tuy nhiên, mô hình máy tính cho thấy, với tỷ lệ giảm khí thải mà các nước công nghiệp cam kết, tổng lượng khí CO2 mà thế giới tạo ra sẽ lên tới 46 tỷ tấn trước năm 2020. Lượng CO2 trung bình hiện nay vào khoảng 47 tỷ tấn.
Minh Long
(Vnexpress, 7/12/2009)