|
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Bắc Sơn, Phó Chủ tịch VFEJ, đón nhận bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam từ ông Bùi Đình Khôi - Giám đốc Nhà Văn hoá, Hội Nhà báo Việt Nam. Cái siết tay thật chặt như muốn củng cố hơn nữa niềm tin vào triển vọng của VFEJ trong tương lai không xa. |
Khi ấy có nhưng chưa nhiều người quan tâm đến chuyện môi trường như bây giờ, và luật bảo vệ môi trường ra đời. Một nhóm nhà báo có ý tưởng tập hợp các nhà báo lại thành một cánh tay đòn, nhằm bẩy chuyện môi trường lên đúng tầm nó phải được xã hội quan tâm. Ý tưởng ấy được nhiều đồng nghiệp cộng hưởng, nhân lên, các cơ quan chức năng ủng hộ.
Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ) được Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam ra quyết định thành lập vào ngày mùng 8/10/1998
Phút hào hứng ban đầu thu hút khá đông. Rồi vì những lẽ chung riêng, nhiều người có mặt lúc đầu nay chỉ còn hai trụ cột – nhà báo Phạm Huy Hoàn – Chủ tịch và nhà báo Hoàng Quốc Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VFEJ. Không phải vì cái tổ chức phi chính phủ này có phần …vô chính phủ, mà vì tính tự nguyện, mở, linh hoạt và mềm mại của nó. Ngay cả mấy nhân viên hành chính cũng không cố định vì không có chế độ hợp đồng lâu dài, tất cả các thành viên khác, kể cả ban điều hành đều kiêm nhiệm và không có chế độ đãi ngộ nào.
Vậy mà nó vẫn tồn tại, phát triển và ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong nước và quốc tế. Hơn 50 nhà báo thành viên của VFEJ, cũng là các phóng viên của mấy chục đơn vị báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử của trung ương và địa phương trong cả nước hôm nay, đang là những nhà báo xung kích trong cuộc bảo vệ thiên nhiên và môi trường.
Hàng trăm tác phẩm báo chí của họ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về thiên nhiên và môi trường, đã có tác động nhất định đến hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Trong số đó, nhiều tác phẩm đoạt giải quốc gia viết về môi trường mà đỉnh cao là loạt phóng sự điều tra của nhà báo Dương Thanh Tùng – “Dự án Du lịch Sinh thái Tam Đảo – Của trời cho biến thành trò chơi”. Tác phẩm đoạt giải A cuộc thi báo chí viết về môi trường lần đầu tiên do Bộ Thông tin&Truyền thông tổ chức và trao giải vào tháng 4/2008.
Một đỉnh cao đáng tự hào khác là tác phẩm của nhà báo Hoàng Quốc Dũng - “Lật tẩy đường dây buôn lậu động vật hoang dã xuyên quốc gia”. Không phải ngẫu nhiên tác phẩm này được trao giải quốc tế về thiên nhiên môi trường tại Barcelona, Tây Ban Nha, đầu tháng 10/2008 – giải báo chí quốc tế đầu tiên một người Việt nam đoạt được. Trước đó, đầu tháng 6/2008, ông còn là người Việt Nam duy nhất, một trong năm người trên thế giới, đoạt giải “Tiên phong Truyền thông” của Internews, một tổ chức có trụ sở ở Washington DC và được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia kết thúc chiến tranh lạnh giữa hai cực Đông và Tây hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Hoàng Quốc Dũng làm việc với hàng chục cơ quan chức năng, đi nhiều tỉnh, sang cả Lào, để viết phóng sự điều tra này. Ông không chỉ phải đối mặt với các cơ quan chức năng có dính líu đến đường dây buôn lậu khỉ đuôi dài. Không có can đảm, không bản lĩnh, không dám làm như thế! Những người làm báo coi tác phẩm của ông là mẫu mực của thể loại phóng sự điều tra thời nay.
Phụ trách mảng khoa học và y tế ở Báo Tiền Phong, ông hoàn thành chức trách của mình. Là nhà báo môi trường, giữ vai trò thường trực ở VFEJ, ông mẫn cảm, nhạy bén trong lĩnh vực môi trường. Tự trang bị cho mình những hiểu biết khá sâu rộng các vấn đề của môi trường, mới đây, ông được mời tham gia chủ tịch đoàn điều hành một phiên thảo luận hội thảo quốc tế về biến đổi khí hậu toàn cầu ở Hà Nội; được mời tham gia thuyết trình một lớp tập huấn mười ngày cho các quan chức chính phủ VN do Viện Khoa học Xã hội VN phối hợp với một số đơn vị tổ chức ở Hà Nội từ ngày 23 – 31/10/2008; được mời tham luận ở nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế về truyền thông và về môi trường trong và ngoài nước.
Trong vai trò thường trực ban điều hành, ông chủ động tìm nguồn tài trợ, chịu trách nhiệm chính tổ chức các sự kiện mà VFEJ chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức khác để thực hiện hoạt động nghiệp vụ. Hoàng Quốc Dũng góp phần quan trọng đưa VFEJ thành một cơ quan báo chí chuyên về môi trường có uy tín trong nước, khu vực và quốc tế.
Không ngoa ngôn khi có đồng nghiệp viết trên mạng rằng, đấy là vua báo chí không ngai.
Thời gian vận động tiến tới thành lập VFEJ, nhà báo Phạm Huy Hoàn đang giữ chức Tổng biên tập Báo Lao động – tờ báo có uy tín hàng đầu trong làng báo chí VN. Ông là ngọn cờ tập hợp anh em lại. Mấy năm trước, vừa nghỉ hưu ở Báo Lao động, ông lại gánh chức Tổng biên tập Báo Dân trí và Khuyến học. Chẳng bao lâu, ông đưa tờ báo không mấy tên tuổi của Hội Khuyến học VN lên hàng có thương hiệu. Báo Dân trí điện tử có lượng truy cập chỉ đứng thứ hai sau Báo điện tử VnExpress.
Không có điều kiện tham gia điều hành cụ thể, nhưng linh hồn ấy của VFEJ vẫn dành tâm trí để chỉ ra hướng đi, vẫn cầm trịch mọi sự kiện của diễn đàn.
Nhà báo Nguyễn Bắc Sơn rất say viết về môi trường, nhưng ông còn ra oai với mọi người về viết văn. Tiểu thuyết Luật Đời và Cha Con mà bạn đọc hoan nghênh ba năm trước, được chuyển thể thành phim truyền hình Luật Đời 26 tập và được khán giả bình chọn là phim truyền hình nhiều tập hay nhất năm 2007. Mới đây, ông lại dọa thiên hạ bằng tiểu thuyết Lửa Đắng – dày dặn hơn Luật Đời và Cha Con, chín hơn trong trường nghệ thuật tiểu thuyết và tư duy chính trị, và cũng sẽ được làm phim.
Điều thú vị là trong Lửa Đắng có một chương về môi trường. Vốn là cán bộ quản lý báo chí và xuất bản, ông thạo các thủ tục hành chính và pháp lý, rất cần thiết cho cộng việc của VFEJ bây giờ và mai này.
Bộ ba tướng sĩ tượng trong ban điều hành là ba trụ cột đoàn kết, nhất trí, ăn ý trước nay và chắc chắn sẽ bền vững dài lâu.
Mấy năm trở lại đây, VFEJ là đại diện và đa số là đại diện duy nhất của giới báo chí VN có mặt trong các sự kiện truyền thông và môi trường quốc tế. Ngược lại, các tổ chức quốc tế về báo chí, truyền thông và về thiên nhiên môi trường khi vào VN, đều tìm đến VFEJ như đối tác đầu tiên để tiến hành các hoạt động. VFEJ cũng tổ chức trao đổi phóng viên môi trường với một số nước.
Như vậy, vô hình chung, chúng ta đã tiến hành các hoạt động ngoại giao nhân dân (không thuộc chính phủ) trên lĩnh vực báo chí. Việc này có thể mở ra một hướng đi ở tầm cao hơn, VFEJ có thể làm cầu nối cho các hoạt động ngoại giao và nghiệp vụ báo chí của Nhà Văn hóa, Hội Nhà báo VN, như tổ chức trao đổi phóng viên (như đã làm), mở lớp tập huấn nghiệp vụ về kỹ năng làm báo hiện đại…
Việc mở rộng quy mô hoạt động là tất yếu, trước mắt là hoàn tất thủ tục hành chính và đặt xong văn phòng đại diện ở TP Hồ Chí Minh, sau nữa là ở miền Trung.
Duy trì đều đặn ra chuyên san hằng tháng để tiến tới xin ra tạp chí, củng cố và nâng cao chất lượng website để thông tin đến bạn đọc và mở rộng tầm ảnh hưởng cũng là việc cần làm ngay.
Để thực hiện được những công việc trên, VFEJ rất mong nhận được sự chỉ đạo, giúp đỡ, phối hợp của cơ quan chủ quản (Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường VN), Cục Báo chí (Bộ Thông tin&Truyền thông), Hội Nhà báo Việt Nam, và các đơn vị bạn trong cả hai lĩnh vực báo chí và môi trường.
Ban Biên tập, NB&MT