quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Điểm tin môi trường trong tuần

Thứ Bảy, 21/05/2016 | 10:17:00 AM

Nhiều sản phẩm, công nghệ môi trường tại ENTECH HANOI 2016; Đại lễ Phật đản 2016 truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường; 50 triệu USD hiện đại hóa hệ thống xử lý nước ở Việt Nam; Trái Đất trải qua 12 tháng liên tiếp nóng nhất trong lịch sử; Nồng độ CO2 trong không khí tăng lên mức cao kỷ lục; 1,2 tỷ người bị đe dọa bởi nước biển dâng; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

VIỆT NAM

Nhiều sản phẩm, công nghệ môi trường tại ENTECH HANOI 2016


Các công ty của Việt Nam và nước ngoài đã trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm, công nghệ, thiết bị xử lý môi trường tại Hội chợ Triển lãm Quốc tế Năng lượng Hiệu quả & Môi trường Hà Nội (ENTECH HANOI 2016) diễn ra từ ngày 18 đến 20/5 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế (I.C.E) 91 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.


ENTECH HANOI 2016 có quy mô gần 200 gian hàng trưng bày của 130 tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến từ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Cộng hòa Séc. Đặc biệt, với sự hợp tác truyền thống của Đoàn Thành phố Bu San (Hàn Quốc) tham gia ENTECH HANOI 2016 với 65 doanh nghiệp trưng bày 96 gian hàng, đoàn đã giới thiệu những công nghệ mới nhất về công nghệ nguồn, công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng - môi trường phù hợp với nhu cầu chuyển giao công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng các doanh nghiệp Việt Nam.

Đại lễ Phật đản 2016 truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường

Trong thông điệp gửi tới tăng ni, cư sỹ, phật tử nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2560, Dương lịch 2016, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã nhắn nhủ những người con Phật với tâm nguyện và trách nhiệm tri ân, bằng những hành động thiết thực nhất, hãy bảo vệ môi trường bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu đang đe dọa đời sống của chính mình. Hãy cùng nhau làm cho môi trường xung quanh xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn.

Thông điệp Phật đản Phật lịch 2560 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam về bảo vệ môi trường bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu là sự cụ thể hóa chương trình hành động đó và cũng là thực hiện Chương trình phối hợp hành động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 14 tổ chức tôn giáo trong nước, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

50 triệu USD hiện đại hóa hệ thống xử lý nước ở Việt Nam

Theo Sputniknews, Công ty Morton mới đây đã ra thông cáo báo chí cho biết doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các khu nhà ở quy mô lớn của Nga này đang có kế hoạch hợp tác nâng cấp hệ thống xử lý nước của Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư là 50 triệu USD.

Theo thông cáo trên, Morton đã ký bản ghi nhớ hợp tác và quan hệ đối tác với Công ty cổ phần đầu tư nước sạch và môi trường Hùng Thành của Việt Nam vào ngày 17/5. 19 nhà máy xử lý nước ở nhiều thành phố của Việt Nam sẽ được hiện đại hóa, trong khuôn khổ các dự án của Hùng Thành – theo VietnamPlus.

Ký Hiệp định Tổ chức Hợp tác rừng Châu Á

Chính phủ đã quyết nghị đồng ý nội dung dự thảo Hiệp định Tổ chức Hợp tác rừng Châu Á. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Hiệp định trên.

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc bảo vệ rừng và phát triển, nhờ đó độ che phủ rừng tăng nhanh. Nước ta cam kết dành mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện tốt những hoạt động về quản lý rừng bền vững, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng và kêu gọi sự hợp tác toàn diện của các nước ASEAN, sự hỗ trợ của các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế cùng nhau hành động vì một cộng đồng ASEAN luôn có môi trường trong lành, hướng tới phát triển bền vững.

Liên Hiệp Quốc hứa giúp Việt Nam hơn 48 triệu USD ứng phó hạn mặn

Liên Hiệp Quốc sẽ huy động các tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam số tiền 48,5 triệu USD để ứng phó với các hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn tại Việt Nam, theo sự tính toán và kêu gọi của Chính phủ Việt Nam trước đó. Đó là ý kiến của Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Jan Eliasson, trong cuộc họp báo ở TP.HCM vào đầu tháng 5/2016 – theo Người Đưa Tin.

Ngoài ra, quỹ hỗ trợ trị giá khoảng 3,4 tỷ USD cũng được Liên Hiệp Quốc kêu gọi huy động nhằm giúp hơn 20 nước, trong đó có Việt Nam, ứng phó biến đổi khí hậu. Ông Jan Eliasson đề nghị Việt Nam cần hợp tác với các nước trong khu vực để có chương trình hành động chung, đồng thời ưu tiên những hành động cụ thể để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

THẾ GIỚI

Trái Đất trải qua 12 tháng liên tiếp nóng nhất trong lịch sử


Hiệu ứng cộng hưởng của hiện tượng Trái Đất ấm lên và El Nino đã khiến tháng 4/2016 trở thành tháng Tư nóng nhất trong lịch sử và là tháng thứ 12 liên tiếp lập kỷ lục về nền nhiệt độ cao. Báo cáo hàng tháng công bố ngày 18/5 của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) cho biết nhiệt độ trung bình của Trái Đất trong tháng trước là 13,7 độ C, cao hơn 1,1 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20 – theo VietnamPlus.

Ở Nam Bán cầu, châu Phi, Nam Mỹ và châu Á đều ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong tháng 4. Tháng 4/2015 là lần gần đây nhất không có mức nhiệt phá kỷ lục. Trong khi đó, lần cuối cùng Trái Đất có mức nhiệt không vượt mức trung bình thế kỷ 20 là tháng 12/1984 và lần cuối cùng có nhiệt độ lạnh kỷ lục là gần 100 năm trước, vào tháng 12/1916. Năm 2015 là năm nóng nhất trong lịch sử, đánh bật kỷ lục trước đó của năm 2014. Tuy nhiên, những tháng đầu năm của 2016 đang cho thấy những con số "chưa từng có," ấm hơn 0,5 độ C so với trung bình cùng kỳ 2015.

Nồng độ CO2 trong không khí tăng lên mức cao kỷ lục

Theo số liệu từ Trạm quan sát Mauna Loa thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) đặt tại Hawaii, nồng độ CO2 trong không khí đo được trong tháng 4 là 407,42 phần triệu (ppm, đơn vị đo nồng độ của một chất trong hỗn hợp chứa chất đó), tăng 4,16 ppm so với cùng kỳ năm ngoái và 2,59 ppm so với tháng Ba. Giám đốc giám sát khí quyển toàn cầu của NOAA Jim Butler cho biết đây là mức tăng "cao nhất từng được ghi nhận" và một phần nguyên nhân là do tác động từ hiện tượng El Nino.

Đây là hiện tượng thời tiết cực đoan làm tăng nhiệt độ các vùng biển phía Đông Thái Bình Dương và kéo theo đó là nhiệt độ không khí ấm hơn trên toàn cầu. Tại một số nơi, El Nino làm gia tăng tình trạng hạn hán và cháy rừng, dẫn tới thải CO2 ra không khí và làm giảm lượng CO2 mà cây xanh hấp thụ. Tuy nhiên, ông Butler cho biết các nhà khoa học cần theo dõi sát sao hơn trong thời gian tới để xác định cụ thể mức độ tác động của El Nino. Nồng độ CO2 trong không khí thay đổi theo chu kỳ, thông thường đạt mức cao nhất vào tháng Năm và sau đó giảm dần cho tới mùa Thu – theo VietnamPlus.

1,2 tỷ người bị đe dọa bởi nước biển dâng

Theo báo cáo nghiên cứu của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về sự biến đổi khí hậu (GIEC) vừa được công bố, từ nay tới năm 2060, dự kiến sẽ có khoảng 1,2 tỷ người bị đe dọa bởi tình trạng nước biển dâng lên do biến đổi khí hậu gây ra. Trước đó, một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết nếu năm 2008 mới có một nửa dân số thế giới sinh sống tại các thành phố thì tới năm 2060 sẽ có 6,4 tỷ người dân thành thị, chiếm tới 75% dân số toàn cầu. Do vậy, số người sinh sống ở đô thị có thể lên tới 9 tỷ người. Báo cáo trên còn cho biết ước tính thiệt hại kinh tế do tình trạng nước biển dâng tại các thành phố ven biển có thể lên tới hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2060.

Đặc biệt, châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó 5 nước chịu tác động nhiều nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Việt Nam. Những khu đô thị và dân cư ven biển bị tác động nhiều nhất là Calcutta (Ấn Độ) có thể sẽ có 14 triệu người bị tác động vào năm 2060, tiếp sau là Mumbai (Ấn Độ - 11,4 triệu người), Dhakar (Bangladesh - 11,1 triệu người), Quảng Châu (Trung Quốc - 10,3 triệu người), tiếp đến Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam - 9,2 triệu người), Thượng Hải (Trung Quốc - 5,4 triệu người), Bangkok (Thái Lan - 5,1 triệu người), Yangon (Myanmar - 4,9 triệu người).

Thái Lan đóng cửa "đảo thiên đường" do du khách gây ô nhiễm

Koh Tachai, một trong những hòn đảo xinh đẹp được ví như "thiên đường du lịch" tại Thái Lan, sẽ bị đóng cửa vô thời hạn do lượng du khách quá đông gây ô nhiễm môi trường. Hòn đảo nằm ngoài khơi tỉnh Phang Nga là một phần của Công viên quốc gia Similan. Phần lớn công viên này sẽ đóng cửa từ giữa tháng 5 đến tháng 10 do mùa gió mùa, sau đó mở cửa lại. Riêng Koh Tachai sẽ đóng cửa vô thời hạn, theo Bangkok Post.

Lý do, theo nhà chức trách Thái, lượng du khách đổ xô ra đảo quá đông gây ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường. "Chúng tôi phải đóng cửa hòn đảo để môi trường trên đảo và trên biển có thời gian phục hồi và không bị quấy rầy bởi hoạt động du lịch" - Tunya Netithammakul, giám đốc Cơ quan quản lý vườn quốc gia và bảo tồn thiên nhiên Thái Lan, nói.  Báo chí địa phương dẫn lời các chuyên gia nói một bãi biển trên đảo Koh Tachai có thể chứa khoảng 70 người, nhưng đôi khi số lượng du khách có mặt lên đến hơn 1.000, cùng với đó là các quầy hàng ăn uống và tàu du lịch – theo Tuổi Trẻ.

Pháp thông qua dự luật phê chuẩn Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu

Quốc hội Pháp hôm 17/5 thông qua một dự luật cho phép chính phủ nước này phê chuẩn Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu. Dự luật nêu trên đã được hầu hết nghị sỹ trong quốc hội bỏ phiếu ủng hộ. Sau phiên bỏ phiếu thông qua tại Quốc hội, dự luật sẽ được gửi tới Thượng viện để tiếp tục xem xét. Như vậy, Pháp là nước thành viên đầu tiên của Liên minh Châu Âu tiên phong trong việc phê chuẩn Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu nhằm ngăn chặn hiện tương ấm lên toàn cầu.

Phát biểu với báo chí, Bộ trưởng môi trường Pháp Segolene Royal, bày tỏ hy vọng các nước thành viên khác của Liên minh châu Âu, sẽ phê chuẩn Hiệp ước này, ít nhất là trong cuộc họp cấp bộ trưởng vào cuối tháng 6 tới. Tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris, Pháp hồi tháng 12/2015, đại diện 195 quốc gia tham dự đã thông qua Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu. Hiệp ước này sau đó được 175 nước ký kết tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York, Mỹ hồi tháng 4 vừa qua – theo VOV.

Theo Minh Cường (moitruong.com.vn)

Lượt xem: 1604

Các tin khác

Miền Bắc đón không khí lạnh từ sáng sớm mai

(07/05/2024 07:14:PM)

Toàn Hội nỗ lực hoàn thành kế hoạch hoạt động 6 tháng đầu năm 2024

(05/05/2024 11:54:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 4/2024

(02/05/2024 09:52:AM)

Trung tâm Ứng phó sự cố Môi trường Việt Nam (SOS) tổ chức tập huấn ứng phó sự cố tràn dầu cho Công ty Xăng Dầu An Giang

(26/04/2024 10:11:AM)

Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tổ chức seminar khoa học về ứng phó sự cố tràn dầu

(22/04/2024 02:51:PM)

Tập huấn tác động của thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp và môi trường

(22/04/2024 01:16:PM)

Nghiên cứu đánh giá về đốt mở và sử dụng thuốc BVTV đối với môi trường và sức khoẻ con người ở Việt Nam là hoạt động thiết thực và có triển vọng.

(18/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn “Tác động của thuốc bảo vệ thực vật và đốt hở ngoài trời trong nông nghiệp lên môi trường và sức khỏe cộng đồng ở khu vực miền Trung”

(17/04/2024 11:22:AM)

(THPT) video “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(17/04/2024 10:42:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE