Tiếng rao đêm từ bao giờ đã đi vào tiềm thức của người Hà Nội như một nét riêng ngàn đời khó lẫn. Đêm chùng chình buông xuống, phố mờ che lấp những mảnh đời, phận người. Chỉ còn tiếng rao vang vọng, như nỗ lực, cố gắng níu lấy sự mưu sinh giữa dòng đời xô bồ, tất bật. “Ai bánh khúc đây”, “ai khoai nướng, ai ngô luộc đây”, “ai bánh mì đây”… Tiếng rao lúc nào cũng được kéo dài ra, mênh mang ở khoảng cuối, cuốn thanh âm đến vô cùng.
Ngày nào cũng vậy, cứ đúng khoảng giờ ấy trong đêm, như đồng hồ báo thức đặt sẵn, đều đặn, cần mẫn, chăm chỉ, chuyên cần, anh bán bánh mì lại ngang qua, cất lên giọng quen thuộc. Ngày nào tôi cũng ngóng, cũng trông, đến giờ lại nhoi nhoi chờ đợi phảng phất thứ âm thanh vụng về, thương mến, như đợi người thương, như đinh ninh lời ước hẹn. Dù mua hay không, tôi vẫn thấy cần, thấy gắn bó với tiếng rao ấy, hằng đêm, ngỡ là phải nghe, cần nghe mới yên tâm đi vào giấc ngủ. Ngày đông buốt giá, chỉ cần nghe tiếng gọi, anh bánh mỳ dừng lại, nhẹ nhàng hỏi và trao tôi chiếc bánh mì nóng hôi hổi qua khung cửa nhà trọ. Tôi nhoẻn nụ cười, hy vọng thắp chút ấm áp đêm đông cùng anh.
Tiếng rao nghe sao mà thân thương đến thế, như người chở quê về thành phố, mang ấm lòng thắp lửa những kẻ ở trọ lạc lõng chốn thị thành, luôn nôn nao nhớ mùi quê. Mỗi tiếng rao gồng gánh phía sau một câu chuyện cho riêng mình. Một thanh âm - một món hàng - một số kiếp. Một chất giọng - một tính cách - một phận đời. Những tiếng rao cộng hưởng vào thanh vắng tạo nên bản hòa tấu cuộc sống không thể thiếu nơi thủ đô. Nếu cuộc sống có muôn màu, có lẽ, tiếng rao dệt nên gam màu tối, gam buồn man mác.
Giữa thời hiện đại, lẫn vào vô vàn thanh sắc vội vã, tiếng rao “công nghiệp hóa” với thu âm sẵn vào cat set rồi bật lên, càng tất bật, cuống quýt, càng khiến lòng ai hoài nhớ, muốn đi tìm lời rao xưa cùng bóng dáng người bán hàng bé nhỏ dần dần tan khuất đêm sâu...
Diên Vỹ
(Dantri.com.vn)