Những ngày qua, hàng loạt thông tin về 3 học sinh trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) bị “trục trặc”suốt chặng đường đi thi quốc tế về chủ đề sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn nước tại Thụy Điển đã thu hút sự quan tâm của xã hội, nhưng kết quả vẫn có hậu.
Đoàn không chỉ đến Stockholm kịp thời và về nước an toàn, mà Đề án của các thí sinh Việt Nam trình bày đã được Ban giám khảo đánh giá cao.
Theo đánh giá của những người trong cuộc: tuy Đoàn Việt Nam không giành được giải, do ý tưởng chưa thật xuất sắc và trình độ ngoại ngữ của các em có hạn khi trình bày, nhưng qua cuộc thi này các em “lớn” lên nhiều lắm, nhất là tầm nhìn của các em khi được tiếp xúc với bạn bè thế giới. Nhiều người Việt ở Stockholm tỏ ra rất thích khi thấy các em học sinh của ta vừa học giỏi, vừa khéo léo và biết cách trả lời tinh tế trước những câu hỏi phỏng vấn. Qua cách trả lời, các em đã thể hiện một ý chí phấn đấu vươn lên rất mạnh mẽ.
Thầy Nguyễn Ngọc Hải - người trực tiếp hướng dẫn các em triển khai Đề án và được đi kèm với Đoàn sang Thụy Điển cho biết: “ Sự có mặt của các em tại Stockholm đã là một chiến thắng. Có được chiến thắng này là cả một quá trình nỗ lực của các em và sự quan tâm hỗ trợ, động viên khích lệ của: Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam (VACNE) , Bộ ngoại giao, Tập đoàn Viettel, báo Dân trí, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương, nhất là tập thể giáo viên và học sinh trường THPT An Lạc Thôn (Sóc Trăng), cùng cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Điển.
Anh Nguyễn Danh Trường, chuyên viên Văn phòng VACNE - người được Ban tổ chức Quốc gia giao nhiệm vụ trực tiếp lo cho các Đoàn học sinh đi Thụy Điển trong suốt 8 năm qua biết: Nếu theo thông lệ ngoại giao và những quy định của ban tổ chức quốc tế, thì năm nay Đoàn học sinh Việt Nam không còn cơ hội tới Stockholm để trình bày Đề án của mình. Nói như vậy, không có nghĩa là học sinh của ta “mất cơ hội tranh tài” như một số thông tin đã lan truyền.Vì tất cả các Đề án đoạt giải nhất quốc gia, đều phải dịch sang tiếng Anh và gửi tới Ban tổ chức Quôc tế trước. Đề án “ Thu giữ dầu loang bằng thảm vỏ tràm” của các em Lý Công Hiển, Nguyễn Trí Hảy và Nguyễn Thanh Liêm, trường THPT An Lạc Thôn (Sóc Trăng) đã được chuyển sang Ban tổ chức Quốc tế tại Thụy Điển từ tháng 6/2011.
Nhưng Ban tổ chức vẫn muốn tạo cơ hội cho các tác giả đoạt giải quốc gia được tới sân chơi quốc tế để thể hiện tài năng, được trực tiếp trình bày ý tưởng của mình; đồng thời cũng là dịp để các em giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Đây cũng là một hoạt động ngoại giao nhân dân, góp phần tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc; đồng thời cũng là cơ hội để giới thiệu về con người và đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Chính vì thế, nhiều năm qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên& Môi trường Việt Nam vẫn kiên trì phối hợp với một số đơn vị chức năng, đặc biệt là Bộ Tài nguyên - Môi trường, vận động các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ cuộc thi này. Rất mừng là tất cả 7 Đoàn Việt Nam trước đây, đi dự thi quôc tế Stockholm về nước dành cho lứa tuổi học sinh đều diễn ra rất suôn sẻ. Bởi ngay từ đầu chúng ta có nhà tài trợ kinh phí, nên rất chủ động trong khâu làm thủ tục xin cấp thị thực (Visa), đặt chỗ khách sạn, vé máy bay…Có lẽ vì thế, thí sinh của 7 đoàn đi thi trước đây (kể cả đoàn đầu tiên của trường An Lạc Thôn đi thi tại Thụy Điển năm 2007) cũng rất ít người biết đến.
Còn năm nay, tới giờ phút chót vẫn không có nhà tài trợ. Tới khi Tập đoàn Viettel vào cuộc thì đã quá muộn. Nhưng nhờ có sự làm việc rốt ráo của Ban tổ chức, đặc biệt là sự can thiệp nhanh chóng của của các đơn vị Ngoại giao, nên Đoàn học sinh Việt Nam mới có Visa vào Thụy Điển (hay nói đúng hơn là vào EU) như một trường hợp ngoại lệ như vậy.
Cũng nhờ những thông tin “ngoài luồng” được đăng tải trên báo với những hàng “Tít” khá giật gân như: “ Ngậm ngùi giải thưởng môi trường”; "Đường đi lãnh giải quá xa”, “Đoạt giải, không có tiền đi nhận giải ", “đem chuông đi đánh xứ người" đành gác lại vì… có tài năng, nhưng tiền không đầy túi..” đã làm cho không ít người mủi lòng. Ngoài ra, còn có nhiều thông tin khó hiểu, gây khó khăn không ít cho Ban tổ chức và đẩy cả ông trưởng Đoàn, cùng các em học sinh vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nhiều người ngạc nhiên chỉ thấy “4 thầy trò Đường Tăng” bơ vơ ở xứ người, mà không thấy ông Giáo sư trưởng đoàn ở đâu. Có người còn đặt câu hỏi: "Hình như không có ĐSQ VN ở Thụy Điển"? và kèm theo những lời lẽ rất bức xúc “không thể hiểu nổi trước sự im lặng hoặc né tránh từ phía các bộ, ban ngành và cơ quan chức năng lẽ ra cần và có khả năng hỗ trợ, giúp đỡ đoàn”. Cả những câu nói rất kích động cũng được trích dẫn lên mặt báo như “Tôi thấy quá nghịch lý! Những người bỏ chất xám ra vì đất nước mà lại đối xử với họ như vậy? Thử hỏi tại sao những du học sinh khi đã thành tài họ hầu như không trở về đất nước để làm việc? Cứ vậy thì đừng nên trách họ!”…vân vân và vân vân.
Song kết cục lại rất đáng mừng là qua những “sự cố” này chúng ta đã nhận ra một phần của sức mạnh nhân ái, tinh thần đoàn kết và tự tôn dân tộc của người Việt Nam. Và cũng nhờ đó đã góp phần làm cho xã hội hiểu biết rõ hơn về cuộc thi này.
Nói rõ hơn: đây là một sân chơi bổ ích, nơi ươm mầm tài năng, nhưng cuộc thi quốc tế Stockholm về nước dành cho lứa tuổi học sinh không giống như các cuộc thi Olimpic quốc tế về Toán, Vật lý, Sinh học, Hóa học…mà lâu nay nhiều người vẫn lầm tưởng. Nó có thể lệ, quy trình xét chọn và cách chấm giải riêng và không bao giờ có chuyện “hết cơ hội tranh tài”và càng không thể “xét tuyển thẳng vào Đại học” cho các thí sinh đoạt giải cuộc thi này… như một số người đòi hỏi. Càng không nên quá ảo tưởng, để rồi sau đó tạo sức ép tâm lý lên các thí sinh, khi chưa giành được giải thưởng cuộc thi này.
Có thể khẳng định: tất cả các cuộc thi quốc gia và quốc tế về chủ đề “sử dụng hợp lý và bảo vệ nguôn nước” dành cho lứa tuổi học sinh ở Việt Nam trong 8 năm qua đều kết thúc có hậu. Nhờ có sự chung tay góp sức cuả cộng đồng, chúng ta đã tổ chức và duy trì được một sân chơi rất bổ ích cho thế hệ trẻ. Chắc chắn những “giọt nước”nhỏ bé này sẽ lớn dần, sẽ lan tỏa và hình thành những dòng suối mát của Việt Nam./.
Mạnh Thủy