Đáy hồ Xuân Hương Đà Lạt , quan sát trên ảnh vệ tinh Google Earth, vẫn thấy rất rõ kiến trúc của một đô thị cổ ở thành phố Đà Lạt trước khi hồ được xây dựng vào năm 1919.
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
Đáy hồ Xuân Hương, Đà Lạt, trên ảnh vệ tinh Google Earth,2009, còn thấy rõ các vết tich kiến trúc kiểu đô thị cổ.
Tên Đà Lạt lấy theo tên con suối lớn Đạ Lạch chảy qua trung tâm thành phố vốn là vùng đất cư trú của người Lạch. Lạch, còn viết là Làc, Lat, M'Lates là tên gọi của một nhóm cư dân nhỏ trong cộng đồng người K’ho, cư dân bản địa trên cao nguyên Lang Biang. "Lạch", theo tiếng địa phương, có nghĩa là "rừng thưa" dùng để chỉ vùng rừng thông, đồi trọc (người Lạch có nghĩa là “
người ở vùng đất có rừng thưa”). Trước đây địa bàn cư trú chính của người Lạch là thành phố Đà Lạt và xã Lát thuộc huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Đà Lạt hiện tại vẫn còn tên những buôn cũ của người Lạch trước đây, sau khi đã tái định cư để nhường đất xây dựng thành phố Đà Lạt như đồi Trường cao đẳng sư phạm Lâm Đồng (Bon Đơng), Học viện lục quân (Rhàng Bon Yô), ấp Hồng Lạc (Klir Towach), Bệnh viện Lâm Đồng, ấp Mỹ Lộc (Đa Gút), chân thác Cam Ly (Rhang Pang M'ly), sân bay Cam Ly (Mang Ling)
v.v...(http://www.dalat.gov.vn/web/books/caonguyen/NGUOILACH.HTM)
Ngày 21 tháng 6 năm 1893, Bác sỹ Yersin lần đầu tiên đến cao nguyên Lang Biang, trong nhật ký hành trình, ông ghi vắn tắt "3h30: grand plateau dénudé mamelonné" (3h30: cao nguyên lớn trơ trụi, gò đồi nhấp nhô).Ngày 20 tháng 4 năm 1916, vua Duy Tân đã ra đạo dụ thành lập thị tứ, tức thị xã (centre urbain) Đà Lạt, tỉnh lị tỉnh Lâm Viên. Đạo dụ này được Khâm sứ J.E. Charles chuẩn y ngày 30 tháng 5 năm 1916. Trong hai thập niên 1900 và 1910, người Pháp đã xây dựng hai tuyến đường từ Sài Gòn và từ Phan Thiết lên Đà Lạt. Hệ thống giao thông thuận lợi giúp Đà Lạt phát triển nhanh chóng (http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%A0_L%E1%BA%A1t)
Hồ Xuân Hương là hồ nhân tạo được xây dựng vào năm 1919 do sáng kiến của Công sứ Cunhac. Kỹ sư công chánh Labbé đã tiến hành việc ngăn dòng suối Đạ Lạch làm thành hồ. Hồ có diện tích mặt nước rộng 25 ha, chu vi dài 5,1 km. Năm 1923, chính quyến đương thời lại cho xây thêm một đập phía dưới tạo thành 2 hồ. Tháng 3 năm 1932, một cơn bão lớn làm cả hai đập bị vỡ. Năm 1934 - 1935, kỹ sư Trần Đăng Khoa lại thiết kế, xây dựng một đập lớn bằng đá: đó là cầu ông Đạo ngày nay. Người Pháp đặt tên hồ là Grand Lac (Hồ Lớn).Năm 1973, Nguyễn Vỹ, chủ tịch hội đồng thị xã, đề nghị đổi tên Grand Lac thành Hồ Xuân Hương.
Hồ Xuân Hương, Đà Lạt
Quan sát trên ảnh vệ tinh Google Earth 2009 thấy rất rõ dưới đáy hồ Xuân Hương các vết tích kiến trúc như nền nhà, đường đi,mảnh vườn,...sắp xếp vuông vắn theo phong cách của một đô thị Pháp thường gặp ở Việt Nam. Ảnh vệ tinh Google Earth thuộc loại ảnh có độ phân giải rất cao. Loại ảnh này cho phép thám sát cả những cấu trúc dưới đáy nước và thậm chí các cấu trúc địa chất bị lớp đất che phủ. Để quan sát tốt hơn, bạn đọc có thể copy lại ảnh này vào file lưu ảnh jpg sau đó phóng to.
Ngày 22.10, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định nạo vét hồ Xuân Hương - thắng cảnh di tích quốc gia - ngay sau khi kết thúc Festival hoa Đà Lạt vào tháng 1 năm 2010.Theo kế hoạch này, tỉnh sẽ chi khoảng 100 tỉ đồng để nạo vét hồ chính và 4 hồ lắng, tạo thảm cỏ và cây xanh quanh hồ, nâng cấp, cải tạo cầu Ông Đạo ở phía hạ lưu hồ, trên đường đi vào trung tâm TP.Đà Lạt.
Trước khi nạo vét hồ Xuân Hương, rất cần nghiên cứu kỹ những phế tích còn được lưu giữ trên đáy hồ. Rất có thể đó là cuốn biên niên sử của nền văn minh Lạch hoặc của khu đô thị Pháp đầu thế kỷ trước mà ngày nay vẫn còn ít được biết ./.