(VACNE) - Tin vui mới được Dân Trí đưa: Chính phủ đã duyệt chủ trương đầu tư cả chục tỷ đồng cho việc bảo tồn cổ thụ. Như VACNE biết, có lẽ đây là khoản tiền lớn nhất chi cho việc chữa bệnh, chăm sóc cổ thụ. Các thành viện Hội đồng Cây Di sản Việt Nam và nhiều hội viên VACNE rất mong sớm có được "Nhà thương cổ thụ", kiểu như bệnh viện lão khoa đối với người để việc phòng và chữa bệnh cho cổ thụ, có được nhiều kết quả. Xin đăng lại bài viết về việc bảo tồn xích tùng cổ.
Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, hôm qua (30.9), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Chăm sóc, bảo tồn các cây xích tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Con đường tùng, có rất nhiều cây xích tùng cổ có tuổi hàng trăm năm ở Khu di tích Yên Tử
Dự án này nhằm đầu tư, phục hồi và bảo tồn được loài xích tùng cổ tại Rừng Quốc gia Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan học tập cho cán bộ, học sinh, sinh viên các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước.
Dự án trên sẽ được thực hiện với tổng mức vốn đầu tư 26.255 triệu đồng từ năm 2017 - 2021. Với số tiền này, ban quản lý dự án sẽ đầu tư chăm sóc 237 cây xích tùng cổ; nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng vườn ươm thực vật đã có; gieo ươm giống cây Xích Tùng; sưu tầm và chăm sóc cây tái sinh tự nhiên...
Số cây tùng cổ trên tập trung tại khu vực Am Dược, Đường Tùng, chùa Hoa Yên của khu di tích Yên Tử. Theo Ban quản lý dự án Rừng Quốc gia Yên Tử, trong số cây hiện còn, có hơn 130 cây có độ tuổi trên 700 năm hiện có đến 60% số cây bị bệnh, có nhiều loại bệnh khác nhau, có cây thì gãy cành, cụt ngọt, cây thì sâu, nấm...
Đã có khoảng 20 cây bị chết, bị bão quật đổ trong mấy năm qua. Sự xuống cấp của số cây cổ và rất quý này vừa do tác động của thiên nhiên, thời gian, phần cũng có hoạt động khai thác, phá hoại có bàn tay con người.
Một cây tùng lớn bị đổ trong gió bão trước đây
Theo Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, số cây xích tùng cổ hiện nay có khá năng tái sinh kém, nếu không có giải pháp hữu hiệu, có thể bị tuyệt chủng.
Theo ý kiến nêu trong tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đầu tư cho dự án là rất cần thiết nhằm góp phần tôn tạo, bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị đa dạng sinh học, giá trị thẩm mỹ của cảnh quan thiên nhiên, giá trị đặc biệt về văn hóa - lịch sử tại khu Di tích Yên Tử, đồng thời tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, giáo dục bảo vệ môi trường và phục vụ tham quan du lịch, lễ hội truyền thống.
"Dự án cũng sẽ giúp tăng độ che phủ rừng, cải thiện môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu, góp phần tăng cường chức năng phòng hộ, đảm bảo nguồn sinh thủy các hồ chứa trong khu vực, phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất các ngành nông, công nghiệp, dịch vụ cho khu vực và làm đẹp cảnh quan môi trường", báo cáo dự án nêu.
Theo kết quả khảo sát của các nhà khoa học, rừng Yên Tử có 830 loài thực vật, trong đó 38 loài đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam, bao gồm cả xích tùng. Cây Xích tùng còn có tên gọi khác là hoàng đàn giả, hồng tùng, được trồng cùng thời điểm Thái Thượng hoàng, Phật hoàng Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành và lập Thiền phái Trúc Lâm.