Làng mình thuần nông. Làm nông ngày trước là đúng nghĩa con trâu đi trước cái cày theo sau, còn người đi sau cùng, hay có thêm người đi đầu nữa, nếu là trâu còn ở giai đoạn vực/tập cày bừa, cần người dắt, chứ không phải có máy cày máy lồng nổ bình bịch khói đen mù trời, người chạy theo đứt hơi hay ngồi trên xóc nảy tưng tưng mông lắc đường mông xương kêu đường xương ê ẩm phao câu lục phủ ngũ tạng như bây giờ. Vậy nên con trâu ngày ấy đúng là đầu cơ nghiệp, thậm chí là cả cơ nghiệp, là tài sản lớn của mỗi nhà.
So với đàn trâu ở làng, trâu nhà mình chẳng thể lẫn vào đâu được. Hồi bé tí ấy cứ thắc mắc sao bố lại có thể chọn mua những con trâu như vậy. Con trâu đầu tiên sừng ngắn, ngắn cũn cỡn, lại quặp vào trong, như sừng bò. Loài “đầu trâu mặt ngựa” thì mình chưa thấy bao giờ, chứ đầu trâu sừng bò thì đích xác là chỉ con trâu nhà mình. Trâu sừng ngắn nên gọi là trâu cui. Được cái trâu cui nhà mình có bụng khi nào cũng căng lẳn, tròn như trống cái, đi ăn một lúc là thấy như no rồi, trong khi trâu làng ăn cả ngày có khi hai hông vẫn hóp lại, nhất là vào mùa đông, cỏ ít. Vậy nên đi giữ trâu mình khoái. Trâu nhà mình nhanh no nhất làng. Có thể chỉ là cái no ảo, nhưng nhìn cũng sướng con mắt. Sau con trâu cui sừng ngắn thì đến con trâu có sừng dài gấp đôi những con trâu bình thường. Cứ như bố mình muốn bù lại đời trâu trước sừng ngắn nên kiếm con trâu sừng dài cho bõ tức. Sừng dài nên gọi là trâu nghênh. Cặp sừng cứ như nghênh nghênh với thiên hạ, nghênh ngang vô lối. Chỉ mình và người trong nhà mới gần con nghênh được. Có lần chính con nghênh xàng xê tung hứng rồi hất thằng bạn mình bay qua ngọn duối cao hơn hai mét, phải khâu vài mũi ở gốc cơ quan thực hiện chức năng tiểu tiện. Không biết lớn lên có ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản không? Con nghênh không húc người thì nó cũng bỏ chạy khi người lạ đến gần. Ba quả đồi để thả trâu nằm giữa hai làng. Nhiều khi trâu làng mình tràn qua đồi sang làng bên, ăn lúa. Có khi chưa xuống ruộng, gặp nhóm người làng bên xấu bụng họ lùa trâu xuống để lấy cớ bắt lại, đòi tiền chuộc. Hầu như trâu làng con nào cũng một hai lần dính chưởng ấy, riêng trâu nghênh nhà mình thì chịu, không tài nào có ai bắt được. Vậy nên đi giữ trâu mình khỏe re, tha hồ chơi thả phanh, trâu có ăn đâu, rồi chiều chiều cũng về theo đàn, có làm sao cũng không ai bắt giữ được.
Mình có đứa em con nhà o, có nơi gọi bằng cô, thương trâu một cách lạ lùng. Mình chưa gặp ai thương trâu như nó. Thiên hạ đệ nhất thương trâu. Hồi ấy mình còn nghĩ nó thương trâu hơn thương… mẹ. Với mẹ, có khi nó còn giận dỗi vùng vằng cãi chày cãi cối, chứ với trâu thì không. Không phải do nó và trâu bất đồng ngôn ngữ nên mình nói vậy. Nói vậy vì ngày nào đi trâu nó cũng cắp theo liềm và một bao tải lớn. Chiều về ngồi vắt vẻo lưng trâu với một bao tải lớn cỏ cho trâu ăn đêm. Nhớ lần mùa đông rét đậm rét hại, nghé con nhà nó còn yếu, thương quá, nó lấy bao bì làm áo cho con nghé. Bao nhiêu vỏ bao bì trên gác bếp nó lôi xuống mặc cho nghé. Báo hại, lúc lên đồi được nửa buổi cả đàn trâu làng chạy thục mạng khắp ba quả đồi như bị ma đuổi. Thì ra con nghé được nó mặc áo chui rúc vào bụi rậm nào đó gặm cỏ, sau nhô đầu ra, trâu mẹ giật mình thấy lù lù một đống bao rách tiến lại gần. Không nhận ra con, trâu mẹ chạy thục mạng. Nghé con thấy mẹ chạy lại chạy theo. Trâu mẹ tưởng bị “sinh vật lạ” rượt đuổi càng chạy. Trâu làng chạy theo trâu mẹ. Vậy là thành cuộc maratông của trâu, tranh giải cấp làng. Kết quả không biết trâu nào về nhất, nhưng con nào con nấy tranh nhau thở bằng mồm bằng mũi mà chẳng được thêm cọng cỏ nào. Rồi có năm lụt, trâu nhà nó hám cỏ non ra rìa bãi tràn ăn cỏ nước, sẩy chân bị nước cuốn, đập vào thành bê tông không ra được, cho đến chết. Nó khóc lên khóc xuống, bỏ ăn vật vã cả tuần, như người mất hồn. Sau này lớn lên nó thất tình dăm bảy bận, mặt mày nhàu nhò bần thần đần đần, nhưng cũng không đến mức như lần… mất trâu.
Ở làng, mỗi lần có chiếc xe u oát nào đó chạy lạc qua đã là sự kiện động trời với lũ trẻ con. Hội mình chạy theo thiếu điều đứt hơi, mặc kệ bụi mịt bụi mù, miễn trong bụi có mùi khói, hơi xăng, là hít lấy hít để, thấy thơm lừng hai lỗ mũi và no căng hai lá phổi. Vậy nên hồi ấy nhà nào có xe lốp là… đại gia của làng rồi. Trong làng có năm nhà có xe lốp. Phương tiện chuyên chở hạng nặng thời ấy. Tất tần tật các loại vật liệu xây dựng hay bất cứ gì cồng kềnh không khiêng không vác không kéo được đều cần xe lốp. Chở nặng vậy nên trâu kéo xe phải là trâu đực, to béo. Khổ nỗi trâu đực hay ăn thua nhau, nhất là khi thấy trâu cái. Nên cảnh trâu đánh nhau là chuyện thường ngày ở làng. Con trâu đực nhà chú mình không to nhất nhưng nhanh và lì đòn. Mỗi lần đi chăn giữ, cu em nhà chú cứ lo thon thót có đụng độ. Sau nhiều lần đụng độ dường như con nào thấy nó cũng né. Có mỗi con trâu nhà bên cạnh là xem ra một tám một mười, gặp đâu cũng gầm gè. Trong đội xe lốp kéo nếu trâu nhà chú mình đi đầu thì con trâu ấy sẽ kéo xe đi cuối, hoặc ngược lại. Hai con đi kế nhau kiểu gì cũng đánh nhau, mặc kệ cổ vẫn quàng càng kéo xe. Có Tết không hiểu sao hai con gặp nhau, quần nhau chạy cả sang làng bên, chui vào nhà người ta làm sập cả bàn thờ, rồi chạy tuốt vào rừng, ba ngày sau mới thấy từng con lững thững mò về, tàn tạ tơi tả.
Trở lại chuyện giữ trâu. Nói là giữ do quen miệng, chứ có mấy khi phải giữ. Trâu thả ra bờ khe hay lên đồi, lũ chúng mình hoặc lên phía trước chơi đón đầu hoặc mặc trâu đi ăn, sau đi theo. Dựa vào đâu để đi theo, để biết trâu nhà mình? Nhờ vào tiếng mõ trâu. Mỗi con trâu trưởng thành đều được trang bị cho một cái mõ. Trâu chưa trưởng thành thì đi cùng mẹ, khỏi cần. Mõ trâu, nhà nào cầu kỳ thì làm bằng gỗ, không thì làm bằng tre. Thường là một khúc gỗ mít đục đẽo thành hình chữ nhật, dài khoảng ba mươi phân, rộng chừng trên dưới mười phân, đục rỗng phía trong theo mặt cắt ngang hình chữ nhật. Phía trong treo vài khúc gỗ nhỏ, khi lắc qua lại những khúc này va vào thành mõ gây ra tiếng động. Nếu là mõ bằng tre thì chỉ cần dùng một khúc tre có hai mắt tre bọc hai đầu, chẻ dọc khúc tre để lộ ống phía trong, treo dây có vài khúc tre nhỏ, xuyên qua theo chiều ngang mõ. Hai phía đầu mõ có dây để đeo vào cổ trâu. Đó là mõ ngang, mõ dọc thì chỉ cần một phần hai đốt tre, khoét một lỗ nhỏ giữa mắt tre, phía trong treo một thanh tre nhỏ. Mõ bằng gỗ cũng làm tương tự.
Hầu như trâu nào cũng đeo mõ, chất liệu làm mõ không khác nhau là bao, nhưng hội mình đi trâu quen, để ý thì luôn phân biệt được tiếng mõ trâu của nhà nào. Chỉ cần nghe qua là biết ngay trâu nhà mình đang ăn ở phía nào, cách mình bao xa, yên tâm mà chơi đã. Nhờ tiếng mõ vậy nên trâu thả vào rừng chẳng bao giờ mất.
Có những năm mấy quả đồi gần nhà ít cỏ, xong mỗi vụ cày bừa, trâu làng được thả vào núi đến vài tháng. Chân núi Nưa, là nơi Bà Triệu ngày xưa dấy binh đánh quân Đông Ngô, cách làng gần bốn cây số. Núi Nưa tha hồ cỏ. Trâu ăn ngày ăn đêm. Ăn cỏ có hơi sương nên trâu nhanh béo. Núi rộng là thế. Cây cối rậm rạp là thế. Mà mỗi lần vào thăm trâu vẫn tìm ra được mới tài. Vì trâu thường đi theo đàn. Vì ăn đâu thì ăn tối thường tìm về một chỗ ngủ nhất định. Và vì nghe tiếng mõ là nhận ra trâu nhà mình. Hồi ấy con người ta sống thân thiện và hồn nhiên. Khốn khó như nhau, nhưng trâu thả vào rừng vào núi vài tháng cũng không lo bị mất trộm.
Giờ thì chịu. Cả làng lác đác còn vài con trâu. Nuôi trâu giờ vất vả hơn nuôi người. Tìm chỗ thả trâu vô cùng khó. Mấy quả đồi trước đây giờ chia đất cho từng nhà, để trồng keo lá chàm (có nơi gọi là cây tràm). Núi Nưa đã tan hoang cỏ cây, trơ lại những bãi khai thác quặng cromit. Bãi nắng chang chang, trâu không cẩn thận có thể sa lầy xuống những hố đãi quặng đan xen nhau kín mít không tài nào lên được.
Về quê nghe tiếng máy cày máy lồng công nông xe tải át mất tiếng mõ trâu. Những động cơ chạy bằng xăng bằng dầu đã thay động cơ chạy bằng năng lượng… cỏ. Rồi đây, có lẽ tiếng mõ trâu chỉ còn vọng về từ trong ký ức.