quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Đất Tổ - Tháng ba gọi về - Kỳ 2: Bạch Hạc - Địa linh, thủy, khí tụ.

Thứ Sáu, 12/06/2015 | 01:58:00 PM

(VACNE) - …“Anh cứ nhắm thẳng hướng đền Tam Giang xa khoảng trăm mét, chỗ nước cuộn xoáy mới là Ngã ba Bạch Hạc" - Lời cụ Nguyễn Khắc Xương Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian dặn chúng tôi trước lúc tìm đến ngã ba thiêng liêng cổ kính nhất nước Việt.

 

 

 

…“Anh cứ nhắm thẳng hướng đền Tam Giang xa khoảng trăm mét, chỗ nước cuộn xoáy mới là Ngã ba Bạch Hạc" - Lời cụ Nguyễn Khắc Xương Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian dặn chúng tôi trước lúc tìm đến ngã ba thiêng liêng cổ kính nhất nước Việt. Trộm nghĩ nếu không có nhà thơ Ngô Kim Đỉnh dẫn đường chỉ lối thì cũng chả có dịp may mà được hầu chuyện cụ, một bảo tàng sống về Văn hóa dân gian Đất tổ, người con trai duy nhất còn lại của cố thi sĩ Tản Đà. Tôi lại vỡ ra nhiều điều phong phú và huyền bí về vùng đất Kinh kỳ Văn Lang.

 

       

 

Đến đầu cầu Việt Trì, chếch sang phía ngoài bãi mênh mông sóng nước, huyền ảo sương khói là nơi ngã ba giao duyên của ba dòng sông lớn: Sông Lô, sông Thao và sông Đà (Tam giang) mà sử sách vẫn còn lưu danh vùng Bạch Hạc linh thiếng giữa trời đất. Đứng đây, gió lồng lộng mang theo hơi ẩm ngai ngái phù sa mắt nước xông lên, cảm giác se lạnh thư thái. Bên kia đầu cầu những chùm phượng vĩ đã bừng những chùm lửa cháy khát khao, kiêu hãnh. Cả vùng đất kinh đô cổ thiêng Văn Lang xưa như bừng sáng dưới nắng vàng đầu hạ.

Người bạn “thổ địa” Ngô Kim Đỉnh biết tin tôi trảy kinh kỳ Văn Lang qua một người bạn. Và tôi thì lại nghĩ không dám làm phiền nhà thơ, vì biết anh mùa này rất bận với lại cũng phải thông cảm cho anh trong cuộc mưu sinh cơm áo, gạo tiền trong lúc sa lỡ. Anh cũng như nhiều người yêu văn chương tỉnh lẻ khác, vẫn không tránh được cái “ Cơm áo không đùa với khách thơ”*. Kính không bõ muốn phiền, nên tôi chả dám thông báo. Nhưng xe tôi vừa khởi hành đã được anh điện hỏi, lại còn dặn dò tỉ mỉ về đường đi ngõ lại và chỗ đón. Thật là cảm động tấm lòng hiếu khách của người bạn đất Tổ. Cũng chỉ đôi lần nâng lên hạ xuống vội vã trong những cuộc vui, vậy mà nên nhân, nên ngãi, biết đắng cay, ngọt mặn cuộc đời mà bén duyên tình nghĩa.Vậy cuộc đời còn nhiều điều tốt đẹp lắm, đáng sống, đáng yêu lắm chứ!

Trong dáng chiều bảng lảng, chúng tôi ngồi quán nước bên này cầu lặng dõi mắt nhìn dòng sông Thao mùa nước cạn. Từ ngã ba sông này dội lên bao điều huyền tích xa xôi mà hiện hữu. Chỗ trung tâm khí tụ trời đất là đây. Nơi giao thoa của ba dòng nước Thao - Lô - Đà là đây. Và nghe đâu ngã ba thiêng khí này đã nghìn đời vào câu đối trên ban thờ Cơ Miếu Hùng Vương bằng ngữ Việt cổ mà người sau lược dịch: Sách trời đã định, chính thống dựng kinh đô Bách Việt non sông có Tổ/ Núi sáng khí thiêng, cố cung thành miếu mạo, ba sông quanh quất hướng chầu vua. Tương truyền rằng một thuở trời đất ngã ba Tam Giang Bạch Hạc này cứ vào độ tháng chín tháng mười từng đàn chim hạc tứ phương bay về quần tụ đỏ trời. Đất lành chim đậu vùng ngã ba Bạch Hạc đã trở thành vùng đất địa linh. Các cư dân đến đây làm ăn sinh sống đông đúc cuộc sống ấm no…

Để thỏa trí tò mò tôi nhủ Ngô Kim Đỉnh đi về hướng xóm chài ven sông. Dưới nắng chiều tháng ba loang loáng mặt nước trong sóng nước nao xao xô mạn thuyền, những con thuyền của ngư phủ thả neo mệt nhọc nép bên bờ sau một ngày chài lưới. Nhìn những khuôn mặt rám nắng, nhưng lực lưỡng sức vóc của người sông nước vẫn toát lên vẻ phong trần. Trong khi lân la chuyện trò thì được lão ngư Dương Quang Lùng nhiệt tình cởi mở, rồi câu chuyện về vùng địa linh, thủy, khi tụ Bạch Hạc cứ âm âm, ngân ngân như lời xưa vọng về, qua lời lão ngư. Ông tâm sự: Gia đình nhà Lão cũng đến năm đời bám vào dòng nước xoáy Bạch Hạc này mà mưu sinh. Giàu có thì không đến nhưng cũng mua được căn nhà khang trang trên phố cho con cháu và đầu tư học hành đến nơi đến chốn, đời chúng lão đã khổ rồi, đến đời các cháu phải thay đổi, chả nhẽ cứ bám mãi vào mặt nới nước ngã ba này sao? Mà bây giờ cá mú cũng đi đâu cả, khó sống lắm rồi…

Theo hướng tay lão chỉ, nơi dòng nước xoáy Bạch Hạc có ba dòng sông khác biệt vần vũ liên hồi bất kể mùa nước cạn hay mùa lũ, mỗi dòng mang một màu sắc, vị nước cũng ba kiểu khác nhau. Sông Thao thì đỏ lịm phù sa, sông Lô thì nước màu bàng bạc, óng ánh, sông Đà thì mang màu lục thủy, ba dòng nước cứ cuồn cuộn liên hồi hối thúc. Dòng thì nước vị rất ngọt, dòng khác lại vị tanh mặn, dòng khác nữa thì lờ lợ. Vào mùa nước lớn đổ về dâng cao mênh mông, sóng dữ, mù mịt khói sương, người có kinh nghiệm thì cũng không dám liều mà bỏ mình cho hà bá. Đang trò chuyện say sưa thấy nét mặt lão trang nghiêm ngoảnh nhìn về ngã ba vùng nước xoáy mà lẩm nhẩm cầu khấn điều gì như bị chạm vía thần linh. Rồi lão nói “ Linh lắm, linh lắm các chú ạ!” Chúng tôi ai nấy đều hướng mặt về ngã ba dòng xoáy với lòng tâm nguyện cầu xin. Không biết có khí thiêng, thủy tụ ra sao, nhưng ai cũng thấy gai gai da gà. Nhìn vùng trời chiều  bảng lảng hoàng hôn, mờ ảo khói sương, những vần hồng sáng láng trên ngã ba sông cũng thấy lạ thường.

Tương truyền rằng chính nơi đây Lạc Long Quân và Âu Cơ đã làm cuộc chia ly theo tâm nguyện ý trời, để đem bốn mươi chín người con theo Cha xuống biển và năm mươi người con theo Mẹ lên núi, cuộc chia ly mở mang bờ cõi ấy mà thành dân đất Việt ngày nay. Đời sau người dân nơi này thấy được sự linh thiêng của vùng Địa linh, thủy, khí tụ này mà lập lên đền Tam Giang án ngữ trước ngã ba sông, chấn thủy ngõ hầu, thờ phụng thần linh và Đức Phật cầu cho đất lành, dân yên. Thời chống quân Nguyên Mông xâm lược, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đã đưa tướng lĩnh đến bái Tổ đền Tam Giang mong xin phù hộ đại quân vững chí, cự địch trên dòng Đà giang lừng lẫy.

 Cũng từ xưa tuyền lại tục xin nước ngã ba Bạch Hạc cũng lắm điều lạ, Người ta xin nước tế thần cầu cho dân an nước thịnh, mùa màng tươi tốt. Lệ hàng năm vào ngày từ 22/2 đến 10/3 âm lịch là dân làng quanh vùng thường làm lễ tại đền Tam Giang và trèo thuyền ra ngã ba Bạch Hạc xin nước. Dịp ấy cũng trùng với dịp giỗ Tổ Hùng Vương nên người tứ xứ đến tấp nập dâng hương lễ tỏ lòng thành kính Tổ Mẫu và cầu cầu may. Ông Lùng cho biết nước ngã ba Bạch Hạc linh thiêng bởi được hòa hợp âm dương trời đất nơi thủy khí tụ. Người ta xin nước đem về để tắm gội, người già thì khỏe mạnh, trẻ nhỏ thì được da thịt hồng hào, tuấn tú, thông minh sáng láng, nam thanh nữ tú mà gội thứ nước đó thì tình yêu say đắm, bền chặt. Và nước xin ở Bạch Hạc còn được người ta đem về cho vào chum cất giữ để dành đến đến dịp cuối năm tắm cốt khi cải táng, nếu tắm rửa xương tổ tiên bằng nước đó thì con cháu đời đời phát đạt, an gia. Các nho sĩ thời xưa đến đây lấy nước để rũ bỏ hết những muộn phiền, âu lo mà sáng láng đèn sách. Tục ấy đã lưu mãi cho đến ngày nay. Song đã bị biến tướng, người ta cũng nô nức về đây xin nước, mà còn mua nước thiêng, có người mua can lớn, can nhỏ, chả biết thứ nước ấy múc chỗ nào nữa, linh thiêng đến đâu? Họ mua với tham vọng, cầu thăng quan tiến chức, cầu bồng lộc, phì gia, cầu được những mánh khóe chiếm đoạt…Tôi tin rằng như vậy thì khó linh lắm!

 Dòng nước thiêng ấy đã bị họ biến tướng thành hàng hóa thời thị trường. Riêng ý này đã được Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương đề cập "Tục rước nước có từ thời Lý - Lê cùng tín ngưỡng thờ lúa nước của cư dân nông nghiệp. Tục rước nước cổ xưa là mong ước cầu cho mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an. Hơn chục năm trở lại đây, tục lấy nước với mục đích cầu thăng quan, tiến chức chính là những biến tướng của căn bệnh thời đại. Nhưng âu cũng là sự tích hợp với những đổi thay tín ngưỡng mà mỗi địa vị lại có cách hiểu khác nhau". Thiết nghĩ, điều cốt yếu sự linh thiêng còn phụ thuộc cả cái tâm cái đức của người đi xin nữa.

 

 Chuyện trên mặt nước đễ thấy, dễ tin. Còn dưới mặt nước, đáy dòng sông kia mới đáng để ngẫm suy. Lão ngư Dương Quang Lùng cho biết chính dưới lòng giữa ngã ba Bạch Hạc ấy có một quần thể đá ngầm kỳ vĩ, những hang động rộng, nước xoáy cuộn đến chóng mặt. Nhiều người dân còn gặp những quái thú kì dị dưới gầm đá, ông Lùng thì không tin có chuyện đó nói “ Chẳng qua đó là loài cá lăng, cá chiên khổng lồ mỗi khi trời đẹp, đêm thanh trăng sáng, chúng quần nhau quẫy đạp, tạo sóng nước vần vũ đấy thôi, lâu nay không gặp nữa…” Cũng có thể nước sông bị ô nhiễm nên chúng đã chuyển đi nơi khác hoặc do chài lưới săn bắt đến suy kiệt  

 

Nói đến địa danh Bạch Hạc nếu không nói đến loài sản vật nổi tiếng cá Anh Vũ, mà thời xưa đã dùng để tiến Vua còn gọi là cá Vua thì thật là không đủ. Sản vật mà trên đất Việt ta không thể có thứ thủy sản nào sánh bằng. Loài cá Anh Vũ này chỉ sống quanh khu vực ngã ba Bạch Hạc nơi có dòng nước chảy xiết. Chúng ẩn trong các khe đá ngầm dưới đáy dòng sông, ăn rêu tảo sạch, thân dài, có con nặng hơn chục kg, hình dáng tựa cá trôi, nhưng vẩy ánh bạc, lấp lánh những đường viền quanh vây, nếu nhìn cá bơi vào ban đêm thì toàn bộ vẩy cá phản sáng lung linh như dát bạc, óng ánh như ánh lân tinh cháy dưới sông, chúng bơi nhào lộn như nàng tiên múa, miệng cá màu hồng kỳ dị dài như mõm lợn. Khi bắt lên làm thịt phải khấn ngũ lần trời đất bốn phương tám hướng. Có thể chế biến được nhiều kiểu nhiền món, kể cả vẩy Anh Vũ cũng món hải vị quý không hề uổng phí bỏ đi. Đấy là ông Lùng nói thế, biết thế chứ ngay cả dân trẻ thời nay quanh vùng có hỏi cũng có mấy người biết hình dáng, diện mạo của ngài tiến Vua này xuôi ngược ra sao đâu.

Có một điều mà câu hỏi là tại sao cá Anh Vũ lại chỉ xuất hiện vào dịp cuối Đông đầu mùa Xuân? Còn những mùa khác chúng đi đâu ? Câu hỏi đó đã làm cho nhiều người kể cả những ngư phủ nơi đây cũng giải thích lơ mơ theo các giả thiết. Và liệu các hang đá ngầm rộng sâu dước đáy sông kia có thể thông với dòng sông khác? Liệu cá Anh Vũ không cần ra ăn vào các mùa khác mà vẫn sống? Giải đáp câu hỏi này đã được nhà Bác học Lê Quý Đôn nêu ra trong cuốn sách viết về văn hóa phương Đông “Vân Đài Loại Ngữ” đã phần nào lý giải: “Một dòng sông ngầm chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam từ hồ Điền Trì trên cao nguyên Tây Tạng dưới chân núi Hymalaya trên đất Phật nước Nepanl chảy thông với Ngã ba Bạch Hạc. Các thủy vật thường di cư qua lại dòng sông ngầm này theo mùa con nước. Trong các thủy vật đó có loài cá quý dát bạc Anh Vũ, vào các mùa khác chúng lại bơi ngược dòng sông lên thượng nguồn và rồi đến mùa băng tuyết chúng lại xuôi theo dòng sông ngầm để về Ngã ba Bạch Hạc vào cuối Đông đầu Xuân…”

 

 Ông Lùng còn kể, ngày còn trẻ vào những ngày ấm áp ông còn lặn xuống gỡ lưới mỗi khi mắc đá ngầm, ông thấy cá Anh Vũ trong hang đá nhưng không dám bắt vì sợ bởi cá của Vua Hùng. Nhưng lâu nay ngay chính mùa cá Anh Vũ họ săn lùng ráo riết sản vật tiến Vua giá cả trăm triệu đồng một con. Và loài Anh Vũ quý hiếm ấy như đã tiệt chủng, cũng chả ai bắt gặp nữa. Tôi đã được nghe câu chuyện kể thời còn bao cấp những năm bẩy mấy tám mươi của thế kỷ trước, một số người ngang ngược đem mìn xuống hang đá dưới đáy sông nổ bắt Anh Vũ. Điếc không sợ súng, chả hiểu gì về thiêng khí Bạch Hạc ra sao. Khi mìn nổ cửa hang đá vẫn y nguyên, cá thì không thấy đâu mà chỉ thấy máu người loang đỏ nước sông…

        Trong ngày xuân thanh bình tháng ba trong sáng này, được thả lỏng mình thanh thản có những phút thư thái giao hòa với Trời Đất để ngược về cội nguồn nơi Ngã ba Bạch Hạc, một địa danh, một huyệt đạo thiêng, lành của Đất Việt, trộm nghĩ vậy cũng là may mắn lắm thay.



 

Lượt xem: 2223

Các tin khác

Thơ Xuân quên

(24/01/2025 06:41:PM)

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE