quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp thực hành kinh doanh có trách nhiệm về môi trường tại Việt Nam

Chủ Nhật, 21/11/2021 | 04:12:00 PM

(VACNE) - Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xin chia sẻ bài viết Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp thực hành kinh doanh có trách nhiệm về môi trường tại Việt Nam, một nghiên cứu mới đây của PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội.

1. Đặt vấn đề

Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), thực hành kinh doanh có trách nhiệm (Responsible Business Practice) (sau đây được viết tắt là RBP) là các thực hành nhằm ngăn ngừa và giải quyết các tác động tiêu cực đến con người và trái đất, có khả năng đóng góp cho xã hội và sự phát triển bền vững trên phạm vi rộng hơn.

RBP có nghĩa là doanh nghiệp chủ động đánh giá tác động của các hoạt động của mình đối với môi trường và xã hội, áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực và đưa ra các giải pháp khắc phục hậu quả khi tác động tiêu cực xảy ra. RBP không chỉ đơn thuần là sự cưỡng chế tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật hiện hành của quốc gia, mà là tự nguyện đáp ứng cao hơn các quy định pháp luật quốc gia, chủ động hội nhập với các tiêu chuẩn, quy định quốc tế. Điều này thể hiện trách nhiệm, đạo đức, đóng góp của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội, góp phần phát triển bền vững đất nước.

RBP được thể hiện trên 3 khía cạnh không thể tách dời nhau, có quan hệ mật thiết hữu cơ với nhau là lao động, môi trường và quản trị.

Bài trình bày này sẽ tập trung phân tích sâu hơn RBP về môi trường, bao gồm đánh giá hiện trạng RBP; những khó khăn, bất cập, khoảng trống pháp lý và nguyên nhân của những hạn chế trong RBP; từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy RBP về môi trường.    

2. Đánh giá hiện trạng thực hành kinh doanh có trách nhiệm về môi trường

2.1. Đánh giá hiện trạng thực hành kinh doanh có trách nhiệm về pháp luật quốc gia về môi trường

Để thúc đẩy các nỗ lực RBP về môi trường, trong thời gian qua Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và pháp luật môi trường theo định hướng phát triển bền vững. Các chính sách bảo vệ môi trường được thể hiện trong Chỉ thị số 36-CT/TW, Nghị quyết số 41-NQ/TW, Chỉ thị số 29-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết 24-NQ/TW của BCHTW Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, cũng như các văn kiện Đại hội Đảng. Pháp luật bảo vệ môi trường cũng được quy định trong các Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam năm 1980 (điều 26), năm 1992 (điều 29), năm 2013 (điều 63).

Trong thời gian hơn 30 năm qua, Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để các doanh nghiệp triển khai RBP về bảo vệ môi trường, bao gồm Luật bảo vệ môi trường (các năm 1993, 2005, 2014, 2020) và các luật liên quan như Luật Đất đai (1993, sửa đổi năm 2003, 2013), Luật Khoáng sản (1996, 2010), Luật về Tài nguyên Nước (1998, 2012), Luật đa dạng sinh học (2008), Luật Thuế Bảo vệ Môi trường (2010), Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2010),  Luật Biển Việt Nam (2012), Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo (2015), Luật Lâm nghiệp (2017), Luật Kiến trúc (2019), Luật Đầu tư công (2019), Luật Doanh nghiệp (2020), Luật Đầu tư (2020), Luật Xây dựng sửa đổi (2020), Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (2020) …

Bên cạnh đó Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai RBP về bảo vệ môi trường, bao gồm các nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường năm 2015 (Nghị định 18/2015/NĐ-CP, Nghị định 19/2015/NĐ-CP, Nghị định 38/2015/NĐ-CP, Nghị định 40/2019/NĐ-CP, Nghị định 53/2020/NĐ-CP, Nghị định 55/2021/NĐ-CP…); các nghị định hướng dẫn thi hành các luật liên quan. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành rất nhiều quyết định hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai RBP về môi trường, bao gồm quyết định về chiến lược, kế hoạch hành động phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, quản lý tổng hợp chất thải rắn, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân; quyết định, đề án thu hồi và xử lý các sản phẩm thải bỏ, quản lý chất thải nhựa, quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cũng ban hành nhiều thông tư hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai RBP về môi trường bao gồm thông tư về quản lý chất thải nguy hại, quản lý chất thải và phế liệu, đánh giá tác động môi trường, quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo vệ môi trường…

Theo các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp phải triển khai RBP về môi trường trong toàn bộ vòng đời của dự án. Trong giai đoạn chuẩn bị dự án, doanh nghiệp phải lập báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường trong giai đoạn cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư (Nghị định 54/2021/NĐ-CP), sau đó lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt (Theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP và Thông tư 25/2019/TT-BTNMT). Đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cần phải lập kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường trình cơ quan chức năng phê duyệt đồng thời với báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong giai đoạn triển khai xây dựng dự án, chủ đầu tư phải thực hiện giám sát chương trình quản lý môi trường theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong giai đoạn vận hành thử nghiệm dự án, chủ dự án phải lập kế hoạch vận hành thử nghiệm trình cơ quan quản lý môi trường địa phương kiểm tra chấp thuận cho vận hành thử nghiệm, sau đó vận hành thử nghiệm theo 2 giai đoạn (giai đoạn hiệu chỉnh hiệu quả và giai đoạn ổn định), sau đó lập hồ sơ xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành. Theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP, chủ đầu tư có thể tích hợp Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu cho sản xuất (nếu có nhập khẩu phế liệu) và/hoặc Giấy phép xử lý chất thải nguy hại (đối với doanh nghiệp xử lý chất thải nguy hại). Trong giai đoạn vận hành thương mại, chủ đầu tư phải xin cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, báo cáo công tác bảo vệ môi trường (tích hợp báo cáo giám sát môi trường, báo cáo quản lý chất thải nguy hại, báo cáo tình hình nhập khẩu phế liệu). Doanh nghiệp bắt buộc xin cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước nếu xả trực tiếp nước thải trong giai đoạn chuẩn bị, xây dựng hoặc vận hành. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải xin cấp phép khai thác sử dụng nước mặt, nước dưới đất (nếu có nhu cầu); phải báo cáo kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, sự cố tràn dầu; kế hoạch phòng cháy chữa cháy,… trình các cơ quan chức năng phê duyệt hoặc xác nhận.       

Kết quả khảo sát gần 300 doanh nghiệp trong phạm vi “Nghiên cứu về mức độ nhận thức và tình hình thực hiện kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp tại Việt Nam” thuộc dự án “Thực hành kinh doanh có trách nhiệm thông qua quan hệ đối tác khu vực Châu Á” do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Chính phủ Thụy Điển tài trợ được thực hiện từ năm 2019 cho thấy từ 50% đến 73% doanh nghiệp được hỏi tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường. Tỷ lệ này chưa cao do các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường có những điểm chưa rõ ràng và chế tài tương đối yếu. 59% các doanh nghiệp tham gia khảo sát  quan tâm đến những hoạt động tác động trực tiếp đến môi trường. Tuy nhiên chỉ có 45% và 52% doanh nghiệp thực hiện các hoạt động liên quan đến quan trắc và đánh giá tác động môi trường; 55% doanh nghiệp tiến hành báo cáo phát triển bền vững; 66% doanh nghiệp được hỏi khẳng định họ đã tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về môi trường [01-05].

2.2. Đánh giá hiện trạng thực hành kinh doanh có trách nhiệm về pháp luật quốc tế về môi trường

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết và trở thành thành viên tham gia của nhiều điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến môi trường. Bên cạnh việc là thành viên của các điều ước và thỏa thuận quốc tế, Việt Nam cũng tham gia nhiều khuôn khổ quốc tế khác có liên quan đến môi trường, trong đó có nhiều văn bản là cơ sở để các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có điều kiện. Các văn bản liên quan nhiều tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, hội nhập quốc tế của doanh nghiệp bao gồm Công ước về hỗ trợ trong trường hợp có sự cố hạt nhân hay phóng xạ khẩn cấp (IAEA, 1986), Nghị định thư về các chất làm suy giảm tầng ozon (Montreal, 1987), Tuyên bố Liên hợp quốc về môi trường và phát triển (1992), Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (UNFCCC, 1992), Công ước về đa dạng sinh học (CBD, 1992), Công ước về bảo vệ tầng ô-zôn (VIENA, 1985), Nghị định thư về an toàn sinh học (Cartagena, 2000), Công ước về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng (Basel, 1989), Công ước về thủ tục chấp thuận thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc trừ sâu độc hại trong thương mại quốc tế (Rotterdam, 1998), Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn; Công ước về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (Stockholm, 2001), Công ước về thủy ngân (Minamata, 2013), Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen trong khuôn khổ Công ước đa dạng sinh học (Nagoya, 2014), Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tầu biển gây ra (MARPOL, 1991), Công ước Viên về bảo vệ tầng ô-zôn (VIENA, 1994) ... Ở phạm vi khu vực, Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong khuôn khổ ASEAN như: Hiệp định ASEAN về kiểm soát khói mù xuyên biên giới; Hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA, EFTA… Đối với các khuôn khổ quốc tế khác, thời gian qua, Việt Nam luôn thể hiện là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong quá trình tham gia, đóng góp cho sự phát triển chung của các khuôn khổ này, điển hình như các khuôn khổ: APEC, ASEM, G20, G7, WEF, PEMSEA, COPSEA…[09].

Doanh nghiệp đã bắt đầu chú ý đến các tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn tiên tiến quốc tế. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế khi 67% doanh nghiệp không áp dụng bất kỳ tiêu chuẩn quốc tế nào. Tuy nhiên một số tiêu chuẩn đã được các doanh nghiệp bắt đầu áp dụng. 4% số doanh nghiệp áp dụng Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về kinh doanh và quyền con người (UNGP); 9% doanh nghiệp vận dụng  Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc  và trên 9% áp dụng  Khung phát triển bền vững của IFC  và trên 60%doanh nghiệp có kế hoạch đẩy mạnh áp dụng thực hành RBP trong tương lai [01-05].

3. Những khó khăn, bất cập, khoảng chống pháp lý và nguyên nhân của những hạn chế trong thực hành kinh doanh có trách nhiệm về môi trường.

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng đã có nhiều cố gắng triển khai RBP về môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện RBP, các doanh nghiệp đang gặp phải khá nhiều những khó khăn, bất cập, khoảng chống pháp lý và nguyên nhân của những hạn chế như sau:

- Hệ thống các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường tại Việt Nam quá phức tạp từ các văn bản chỉ đạo của Đảng tới các văn bản pháp luật do quốc hội, chính phủ, thủ tướng chính phủ, các bộ, ngành địa phương ban hành. Số lượng các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường quá nhiều, lại luôn luôn thay đổi, phân tán, chồng lấn, khó hiểu, thậm chí mâu thuẫn với nhau khiến các doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về RBP về môi trường chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức, tần suất tổ chức còn thấp, hình thức phổ biến pháp luật còn ít được thay đổi, hiệu quả tuyên truyền còn chưa cao. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về các quy định của các tổ chức quốc tế, các quy định hợp tác song phương về môi trường còn nhiều bất cập khiến doanh nghiệp rất lúng túng, thậm chí chịu nhiều thiệt hại trong quá trình hội nhập quốc tế.

-  Nhận thức của các doanh nghiệp về RBP về môi trường còn chưa cao, dẫn tới thái độ, hành vi của doanh nghiệp về thực thi các quy định pháp luật về môi trường còn hạn chế. Tỷ lệ doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách về môi trường còn thấp, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không cập nhật được những quy định pháp luật liên tục thay đổi, bổ sung. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, trong khi chi phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường là quá lớn khiến nhiều doanh nghiệp không có khả năng để đầu tư cho các công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và thực hiện trách nhiệm xã hội về bảo vệ môi trường (mặc dù nhiều doanh nghiệp có nhận thức cao nhưng nguồn lực tài chính hạn chế, nên lực bất tòng tâm).

- Mặc dù đến nay Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã ban hành rất nhiều chính sách, công cụ kinh tế nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp RBP (ví dụ : quỹ bảo vệ môi trường), nhưng do thủ tục quá phức tạp, tốn thời gian khiến doanh nghiệp khó tiếp cận tới những nguồn tài chính hỗ trợ hoặc thờ ơ, thiếu niềm tin vào các nguồn tài chính hỗ trợ.

- Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ trung ương tới địa phương còn nhiều bất cập, chức năng nhiệm vụ chưa rõ ràng, còn bị chồng chéo, mâu thuẫn; hiệu lực, hiệu quả còn bị hạn chế gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về môi trường. Theo điều tra của Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang [08] khi  khảo sát 80 người có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, thì có 65% số người được hỏi cho rằng các ngành chức năng không đủ lực lượng, thiếu về kinh phí, điều kiện, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát do đó chưa ngăn chặn triệt để được những hành vi vi phạm, còn lại 35% cho rằng ý thức chấp hành chính sách, pháp luật của một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được chặt chẽ; hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ còn chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương.

4. Đề xuất giải pháp thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm về môi trường.

4.1. Các giải pháp đối với các cơ quan nhà nước:

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường trong các luật liên quan; Rà soát, chỉnh sửa và bổ sung nhằm tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả và tính thực thi của các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp kết nối với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội Nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 17/11/2020 và có hiệu lực từ 01 tháng 01 năm 2022, trừ Khoản 3 Điều 29 về đánh giá sơ bộ tác động môi trường có hiệu lực từ 01 tháng 2 năm 2021. So với 03 Luật BVMT đã được Quốc hội thông qua vào những năm 1993, 2005, 2014 thì Luật BVMT năm 2020 đã kế thừa được những thành tựu đạt được và tránh được những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện 03 Luật BVMT trước đó; học tập được kinh nghiệm thực tế tốt nhất của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là một số quốc gia trong khu vực châu Á có nền kinh tế phát triển (như Hàn Quốc, Nhật Bản); pháp lý hóa việc áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác quản lý môi trường tại Việt Nam; cụ thể hóa được quan điểm phát triển kinh tế xã hội của Đảng theo hướng nhanh và bền vững, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế được nêu trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, đặc biệt được nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Có thể coi Luật BVMT năm 2020 tạo ra rất nhiều điểm đột phá trong phương thức quản lý môi trường tại Việt Nam, trong đó có quản lý dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án, cắt giảm thủ tục hành chính, quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, phân cấp triệt để cho địa phương. Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện dự thảo Nghị định Chính phủ và các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đây là cơ sở để thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện RBP về môi trường.

- Để thực thi tốt RBP trong tương lai, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về kinh doanh có trách nhiệm. Kế hoạch hành động quốc gia sẽ tạo ra một thông điệp mạnh mẽ từ Chính phủ tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo ra sức ép khiến doanh nghiệp thực hiện RBP một cách nghiêm túc, hiệu quả. Thực tế, kế hoạch quốc gia về kinh doanh có trách nhiệm đang dần trở nên phổ biến trên khắp thế giới. Tại khu vực ASEAN, Thái Lan đã ban hành kế hoạch hành động này, trong khi Indonesia và Malaysia đang trong quá trình xây dựng và tham vấn rộng rãi.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi của doanh nghiệp trong triển khai RBP thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường gắn với tăng trưởng xanh nhằm hướng đến phát triển bền vững; tổng kết tuyên dương các doanh nghiệp điển hình tiên tiến trong cả nước để nhân rộng mô hình làm tốt công tác quản lý môi trường và hiệu quả kinh tế; tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản lý môi trường cho các doanh nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các tiêu chuẩn hội nhập quốc tế trên cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm gắn liền với bảo vệ môi trường, thay đổi chiến lược phát triển kinh tế phải đảm bảo không làm phương hại đến môi trường, hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững [07].

- Đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế và cơ chế tài chính đột phá nhằm huy động các nguồn lực xã hội hóa cho bảo vệ môi trường; Vận dụng linh hoạt các công cụ kinh tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam như các loại thuế, phí, quỹ, nhãn xanh, nhãn sinh thái, đặt cọc hoàn trả, quyền phát thải và mua bán phát thải theo hạn ngạch cho bảo vệ môi trường để điều chỉnh nhận thức, thái độ và hành vi của doanh nghiệp; Cần ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn và công nghệ tiên tiến.

- Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ trung ương tới địa phương, tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về môi trường trong các doanh nghiệp, tăng vai trò giám sát và phối hợp của người dân và các cơ quan quản lý địa phương đối với doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường.

 4.2. Các giải pháp đối với các doanh nghiệp:

- Nghiêm túc triển khai RBP, thông qua việc tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp như  thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường; đảm bảo đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu cho sản xuất, đủ điều kiện được cấp phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả thải (từ năm 2022 được chuyển thành giấy phép môi  trường); đầu tư cho các công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; giám sát môi trường.

- Doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức trong RBP về môi trường, tiến tới thay đổi thái độ, hành vi trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đánh giá môi trường và xã hội thông qua việc cải tiến nâng cao kỹ thuật của các trang thiết bị xử lý chất thải góp phần hạn chế tác nhân gây ô nhiễm môi trường; thay đổi công nghệ độc hại gây ô nhiễm môi trường bằng các công nghệ sạch, ít hoặc không gây ô nhiễm; áp dụng giải pháp tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng, áp dụng các giải pháp xanh, thân thiện môi trường. Đó chính là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phát triển kinh doanh một cách bền vững.

- Hoàn thiện bộ máy quản lý môi trường tại doanh nghiệp; đầu tư xây dựng tổ chức quản lý môi trường, chuyên môn hóa cán bộ quản lý môi trường; tăng cường tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản lý môi trường, tiếp cận và cập nhật các kiến thức về pháp luật để từ đó xây dựng các kế hoạch quản lý môi trường phù hợp; liên tục cập nhật các quy định pháp luật môi trường trong nước và quốc tế để chủ động tuân thủ và hội nhập [07].

- Nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp để có thêm kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường thông qua chiến lược kinh doanh cụ thể và hiệu quả, khai thác tối đa những tiềm năng vốn có của doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí thông qua các giải pháp và áp dụng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

5. Kết luận - kiến nghị

RBP là sự tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật hiện hành của quốc gia và tự nguyện đáp ứng cao hơn các quy định pháp luật quốc gia, chủ động hội nhập với các tiêu chuẩn quốc tế của doanh nghiệp.

Bài trình bày này tập trung phân tích sâu hơn RBP về môi trường, bao gồm đánh giá hiện trạng RBP; những khó khăn, bất cập, khoảng trống pháp lý và nguyên nhân của những hạn chế trong RBP; từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy RBP về môi trường.  

Hiện nay hệ thống chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường quốc gia bao gồm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, hiến pháp, các luật do Quốc hội thông qua, các nghị định Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư, quyết định của các bộ, ngành địa phương. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế, các hiệp định song phương, đa phương cũng ban hành nhiều tiêu chuẩn, yêu cầu về môi trường trong hội nhập quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp triển khai RBP về môi trường tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, khoảng trống pháp lý và nguyên nhân của những hạn chế trong RBP bao gồm : sự chồng chéo, mâu thuẫn của các văn bản pháp lý; thiếu sự quan tâm đúng mức trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nhận thức của doanh nghiệp chưa cao; các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích còn khó tiếp cận; tổ chức bộ máy quản lý môi trường còn thiếu và yếu.

Một số giải pháp được đề xuất nhằm thúc đẩy doanh nghiệp triển khai RBP bao gồm các giải pháp đối với cơ quan nhà nước và doanh nghiệp như hoàn thiện hệ thống luật pháp; tăng cương tuyên truyền, nâng cao nhận thức; đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế; tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý môi trường các cấp.

Tài liệu tham khảo

[01]. Lê Thành Ý. Nhận thức và thực thi các thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong doanh nghiệp tại Việt Nam, tháng 04/2021.

[02]. Phạm Sơn. Thiếu sót về nhận thức và thực hành kinh doanh có trách nhiệm, tháng 04/2021.

[03]. Anh Minh. UNDP: Chưa đến 1/2 số DN nhỏ thực hành kinh doanh có trách nhiệm, tháng 04/2021.

[04]. Mạnh Hùng. Cần có kế hoạch hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm, tháng 04/2021.

[05]. Hoài Thương. Nhận thức về kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế, Tháng 04/2021.

[06]. Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI). Doanh nghiệp càng lớn, mức độ thực hành kinh doanh có trách nhiệm càng cao, Tháng 94/2021.

[07]. Trương Anh Tú. Pháp luật môi trường đối với doanh nghiệp, Tháng 12/2020. 

[08]. Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang. Tình hình thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh qua công tác điều tra, khảo sát, tháng 9/2020.

[09]. Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hội nhập quốc tế về môi trường, Tháng 04/2020.

PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch VACNE

Lượt xem: 1990

Các tin khác

Dài ngắn

(27/01/2025 08:17:AM)

Thêm 15 cây cổ thụ lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam

(13/01/2025 02:36:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 12/2024

(09/01/2025 09:45:AM)

Phóng sự ảnh về tổng kết chương trình vì môi trường xanh quốc gia năm 2024

(06/01/2025 09:28:AM)

Đề xuất các giải pháp ứng phó với đảo nhiệt đô thị để bảo vệ sức khỏe thị dân và thích ứng với BĐKH

(02/01/2025 11:27:AM)

Tổng kết chương trình “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2024”

(30/12/2024 02:14:PM)

Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long

(23/12/2024 12:23:AM)

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(16/12/2024 12:32:PM)

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới – kinh nghiệm từ vacne

(13/12/2024 02:58:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE