quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Đậm đà xôi cọ

Thứ Hai, 27/10/2014 | 02:21:00 PM

Quê tôi không phải đất trung du, thủ phủ của thứ cây đặc sản có tên là cọ. Nhưng tỉnh miền núi toàn tòng nơi tôi sinh ra ấy, cọ đã trở thành hình ảnh gần gũi. Từng vằn cọ thân gốc xù xì khi còn trẻ và nhẵn thín khi đã luống tuổi ấy cứ cần mẫn bám đồi mà leo lên, xanh mướt một màu dũng mãnh đã gắn liền với cuộc đời tôi cũng như nhiều người dân.

 
 
 
 
Đồi cọ xã Hương Nha (Phú Thọ)
 
Thời chưa vôi vữa và bê tông, lá cọ là vật liệu làm nhà không thể thiếu được. Một cây cọ trưởng thành, tháng cho một lá; 12 tháng trong năm, mỗi cây cọ chỉ cho người dân chúng tôi được 12 tầu lá xòe như chiếc quạt. Để có một mái lợp vững chãi, che mưa, che nắng cho mỗi gia đình, hàng ngàn cây cọ đã góp lá mới thành.
 
Thân cọ, lúc về già, bong lớp "áo tơi” bên ngoài thường được người dân tận dụng làm máng dẫn nước về nhà, vào ruộng, bền không thua kém bất cứ vật liệu nào khác. "Cọ già là bà gỗ lim” vốn là câu nói đúc kết của các cụ về thứ cây này. Thân cọ già, có thể xẻ để làm xà, vì kèo… khó có thứ cây nào so được về độ bền chắc.
 
Cọ là cây đem lại cho người ta nhiều tác dụng và trong đó không thiếu món xôi cọ. Xôi cọ là thứ đặc sản, hẳn không mấy nhiều người được thưởng thức bởi sự phức tạp và kì công khi chế biến. Nếu không phải dân vùng cọ, muốn được thưởng thức, bạn phải cất công tìm lên miền đất cọ, vào mùa cọ chín mới may ra được nếm thứ đặc sản này.
 
Tháng 9, tháng 10 ta, khi "gió heo may rải đồng”, lúa nếp mùa chín thì cọ cũng bước vào mùa già quả. Quả cọ có hai loại, cọ xẻ, quả bé và cọ bầu, quả to hơn rất nhiều. Hai loại quả cọ này đều có hương vị như nhau nhưng chất nhất vẫn phải loại cọ sẻ.
 
Quả cọ mang về, rửa sạch, để ráo nước và cho vào nồi nước đun sôi, dân gian hay gọi là ỏm cọ. Chờ khoảng 15 đến 20 phút, đổ quả cọ đã ỏm ra rổ chờ nguội. Lúc cọ nguội là lớp cùi đã tơi ra và được người ta nhặt lấy.
 
Gạo nếp nương, thứ nếp ta bóng mẩy, đem vo qua sau đó được trộn và bóp nhuyễn với thứ cùi của quả cọ. Để độ nửa tiếng, cùi và tinh dầu quả cọ đã ngấm, gạo chuyển sang mầu gạch cua xen lẫn mầu xanh đen của vỏ thì cho vào chõ đồ. Lửa củi liu diu, độ nửa tiếng sau, mùi thơm của gạo nếp, mùi ngậy của quả cọ đã bay khắp mấy gian nhà.
 
Xôi cọ có một thứ hương vị rất riêng biệt. Ngậy thơm, hơi đá vị ngang như vị ngang đáng yêu của tinh dầu cà cuống. Nhưng chính những vị hết sức riêng biệt này đã làm nên món xôi cọ đặc trưng và khó có thể lẫn vào đâu. Tạo nên sự nhớ nhung với thực khách xa gần nếu đã một lần được nếm! 
 

Phương Nguyên (Đạị Đoàn Kết)

Lượt xem: 2201

Các tin khác

Thơ Xuân quên

(24/01/2025 06:41:PM)

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE