Đại thụ ASEAN – Danh nhân VACNE - 1.
(VACNE) - Danh nhân này thì độc nhất vô nhị rồi, không nói tên nhưng ai chả biết. Ông nghiên cứu về thú lớn, còn gọi loài móng guốc thì phải. Nhưng mươi năm lại đây, ông nổi lên như loài cây, gọi là Cây Di sản. Thế nên Tản mạn xin phép gọi là Đại thụ. Mà còn hơn thế nữa.Chỉ cần lấy 1 trong rất nhiều bài bao viết khi được vinh danh là Anh hùng ASEAN thì cũng đã khá đầy đủ rồi. Xin trích đoạn sau:
…Ngày 8/8/2017, tại Malina (thủ đô Philippin), nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), Chủ tịch Hội Động vật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội các Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; thành viên nhóm cứu vớt các loài sống sót (SSC) quốc tế, nhóm giáo dục môi trường (EEC) thuộc IUCN, nhóm bảo tồn linh trưởng IPS, thành viên Chương trình hợp tác nghiên cứu tài nguyên thực vật các nước Đông Nam Á (PROSEA),... đã được vinh danh Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN.
Ông là một Giáo sư tầm cỡ trong lĩnh vực đa dạng sinh học và môi trường, một nhân cách lớn trong cuộc sống, một người bạn tin cậy của cộng đồng khoa học nhiều nước. Ở tuổi " xưa nay rất hiếm” và có thâm niên hơn 60 năm hoạt động nghiên cứu về sinh học. có nhiều đóng góp tích cực và thiết thực cho bảo tồn đa dạng sinh học của Quốc gia, cùng các nước trong khu vực. Là người có uy tín, có năng lực truyền cảm hứng tới cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, nên ông được trao tặng gần 20 Huân chương, Huy chương các loại, trong đó có 2 giải thưởng Hồ Chí Minh – Giải thưởng cao quý nhất của Việt Nam về KHCN, được nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam và nhiều Bằng khen của các bộ ngành và địa phương.
Trong sự nghiệp của mình, GS đã công bố 154 công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước; 14 cuốn sách chuyên khảo về động vật, sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, đào tạo nhiều Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sỹ, đóng góp nhiều hoạt động tăng cường hợp tác quốc tế về tài nguyên và môi trường.
Xin phếp sửa lại câu đầu và câu cuối của bài thơ “Vòng tay nồng ấm” được 1 hội viên viết tặng GS khi được Chủ tịch Nước đến thăm trước đó. Theo nhiều người, bài thơ này đã phần nào phản ảnh được thân thế và sự nghiệp của người Anh hùng:
“Năm châu bốn biển xum vầy
Mênh mang câu chuyện vơi đầy thời gian
Bấy nhiêu năm một cung đàn
Nước non một tấm lòng vàng sắt son
Rạng ngời khuôn mặt cháu con
Cùng Cây Di sản trường tồn muôn xuân
Tình ca đời mãi vang ngân
Cây cao bóng cả xa gần yêu thương”
Quán Cà phê MT, ngày 23/2/2019.