quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
CÂY DI SẢN VIỆT NAM

Công nhận hai cây muỗm là cây di sản Việt Nam ở Nam Định

Thứ Ba, 25/09/2012 | 04:10:00 PM

(VACNE)- Hướng đến đại lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường – Nam Định, sự kiện hai cây muỗm hơn 300 năm tuổi được Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam sáng 25/9 càng làm tăng thêm giá trị của di tích lịch sử văn hóa Chùa Tháp (hay còn gọi là chùa Phổ Minh) có từ thời Lý.

 
 
 

Sự kiện lễ vinh danh hai cây muỗm ở Chùa Tháp thu hút dòng người càng lúc càng đông đổ về chùa thắp hương, bái lễ, cầu nguyện như góp thêm niềm vui chung trong ngày tỉnh Nam Định đón nhận cây di sản Việt Nam và sắp đón nhận huân chương Hồ Chí Minh và quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Nam Định là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh.
 
Ông Nguyễn Xuân Hoạt, Trưởng ban Quản lý Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Chùa Tháp, cho biết ngôi chùa tọa lạc trên một khoảng đất rộng xấp xỉ 2ha với hệ thống thảm thực vật đa dạng phong phú, nhiều cây cổ thụ có hàng chục, hàng trăm năm tuổi trong đó có hai cây muỗm (hay còn gọi là cây quéo) được trồng ở hai bên tháp chùa Phổ Minh.
 
Hai cây muỗm có hình dáng bề thế, thân tròn đều, đường kính của cây ở độ cao 1m là 143cm và 114cm, chiều cao ngọn vút là 18.5 và 19m, đường kính của tán là 19.7 và 25.9m. Kết quả giám định của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam xác định hai cây muỗm của chùa Phổ Minh có niên đại 316 và 317 năm.
 
Bà Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, bày tỏ hôm nay một niềm vui lớn đến với đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Lộc Vượng nói riêng, TP Nam Định nói chung được đón nhận bằng công nhận cây di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam công nhận.
 
Như vậy là “từ nay cùng với sự trường tồn của di tích lịch sử văn hóa lại có thêm một di sản cây thiên nhiên quý giá trong quần thể di tích đặc biệt quan trọng, làm tăng thêm giá trị của di tích”, bà Tính vui mừng.
 
Vui vì được đón nhận thêm một di sản cây nữa nhưng ban quản lý khu di tích cũng đang rất lo lắng vì nhiều năm trở lại đây cây bị sâu, bọ xít ăn lá, hút nhựa khiến thân chính của cây bên trái tháp Phổ Minh bị rỗng ruột từ gốc đến độ cao 7.9m.
 
Vì vậy “tôi đề nghị các cấp các ngành có liên quan nghiên cứu và áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng đảm bảo cho hai cây được tồn tại lâu dài hơn nữa mà trước mắt cần có giải pháp cấp bách nhằm tránh cho cây bị gió bão làm đổ, đồng thời không để sâu bệnh gây hại cho cây”, ông Hoạt nhấn mạnh.
 
TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, chia sẻ ba năm phong trào bảo vệ cây di sản đã lan rộng ra khắp cả nước, với gần 1000 hồ sơ đăng ký công nhận cây di sản Việt Nam. Tuy vậy, đến nay Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam mới gắn biển công nhận được gần 300 cây trên cả nước.
 
“Chúng tôi mạnh dạn cho rằng cây là nguyên khí quốc gia, còn cây còn cả sơn hà niềm tin”, TS Sinh đề nghị, “Vì vậy hết thế hệ này đến thế hệ khác phải chăm sóc, bảo vệ những cây quý, coi như dấu ấn xác nhận những cây đã được các thế hệ chăm sóc là di sản của chúng ta.”
 
Chùa Tháp Phổ Minh thuộc thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng (TP Nam Định) được xây dựng dưới thời Lý, được triều Trần mở rộng vào năm 1262. Chùa Phổ Minh dưới thời Trần là một kiến trúc lớn, nằm trong tổng thể của khu di tích Tức Mặc, một trung tâm văn hóa, nghệ thuật lớn của Đại Việt thời Trần sau kinh đô Thăng Long. Trải qua hơn 700 năm tồn tại, chùa liên tục được các triều đại phong kiến, chính quyền sở tại và các tầng lớp nhân dân đóng góp trùng tu, sửa chữa, cho đến nay kiến trúc của chùa còn nguyên vẹn theo kiến trúc “nội công ngoại quốc” có giá trị hơn cả là cây tháp Phổ Minh được xây dựng từ thế kỷ 13 còn nguyên vẹn đến nay. Tháp Phổ Minh cao 19,51m, có 14 tầng, càng lên cao, tháp càng thu hẹp dần và kết thúc bằng một chỏm nhọn hình bầu rượu có nhiều cạnh. Trong chùa, ngoài tượng Phật, Bồ Tát… được thờ ở chính điện, còn có tượng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, tượng Thiền sư Pháp Hoa, Thiền sư Huyền Quang ở hậu điện. Chuông lớn của chùa có khắc văn bản “Phổ Minh Đỉnh Tự” đúc năm Cảnh Thịnh thứ tư (1796). Ngày 28/4/1962, chùa Tháp Phổ Minh chính thức được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao&Du lịch) công nhận di tích lịch sử văn hóa.
 
Mạnh Cường
 
 
 

Lượt xem: 2920

Các tin khác

Những cây cổ thụ đầu tiên của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang được vinh danh cây Di sản Việt Nam

(25/02/2025 09:50:AM)

Một số hình ảnh Lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam tại Tân Trào

(24/02/2025 11:51:PM)

Cây cổ thụ kỳ lạ vùng chân núi Tam Đảo được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(24/02/2025 07:31:AM)

Cây Rỏi mật đầu tiên ở nước ta được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(22/02/2025 06:19:PM)

Cây Gạo huyền thoại thôn Tân Mỹ – biểu tượng lịch sử và văn hóa được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam

(16/02/2025 10:31:PM)

Cây Ruối khổng lồ của tỉnh Hải Dương được vinh danh Cây Di sản Việt Nam

(16/02/2025 09:57:PM)

Những cây cổ thụ quý hiếm của tỉnh Yên Bái được công nhận Cây Di sản Việt Nam mở đầu Lễ hội đầu Xuân

(16/02/2025 09:56:AM)

Cây Đa Đình Giải: biểu tượng xanh trường tồn nhận danh hiệu Cây Di sản Việt Nam

(05/02/2025 03:50:PM)

Một số hình ảnh Cây Di sản đầu tiên được công nhận đầu Xuân Ất Tỵ

(05/02/2025 11:29:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE