(VACNE)-Chiều 22/9, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận cây đa ở xóm 4, làng Bương Hạ, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh phụ, tỉnh Thái Bình, là cây di sản Việt Nam.
Cây đa lông này được trồng ở đầu làng khoảng 400 năm tuổi, cao 25 mét, chu vi cả rễ phụ 16 mét. Tương truyền cây đa gắn với thời khai sinh, lập ấp của Đức Quế Minh, vị tướng đời nhà Trần.
Ông Vũ Thanh Hà, Bí thư Đảng ủy Xã Quỳnh Ngọc, bảy tỏ sự kiện công nhận cây si sản ở Bương Hạ là một niềm vinh sự, sự kiện chưa từng có ở làng. Dù phong ba bão táp, cây đa là một phần của lịch sử thể hiện sức sống mãnh liệt biểu tượng cho đại đoàn kết dân tộc.
“Sự kiện này cũng là sự nhắc nhở các thế hệ của dân làng tiếp tục gìn giữ bảo vệ cây quý giá, bảo vệ thiên nhiên”, ông Hà bày tỏ cảm ơn đến lãnh đạo VACNE đã dành thời gian quý báu về tận nơi trao bằng công nhận cho địa phương.
Vì vậy “tôi đề nghị bốn thôn Bương Hạ Đông, Bương Hạ Tây, Bương Hạ Nam, và Bương Hạ Bắc khẩn trương thành lập ban quản lý cây di sản Việt Nam để gìn giữ, bảo vệ cây của dân tộc, của xã nhà”, ông Hà kiến nghị.
“Những cây cổ thụ ở các địa phương đã được hết thế hệ này đến thế hệ khác chăm sóc. Đây chính là tiền đề VACNE gọi tên, đặt tên bảo tồn cây di sản Việt Nam. Vì vậy chúng ta phải cảm ơn, học tập các bậc tiền bối, đẩy mạnh phong trào bảo vệ cây di sản Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE, phát biểu.
Sự kiện vinh danh cây di sản do VACNE khởi xướng đã trở thành phong trào rộng khắp cả nước, là nhịp cầu nối giữa các tỉnh với nhau cùng nỗ lực bảo vệ các cây di sản mà cha ông ta đã có công chăm sóc, gìn giữ để cây xanh tốt như ngày nay.
Có thể nói VACNE là tổ chức tiên phong đi đầu trong việc bảo vệ cây quý mà ở đó vai trò của cộng đồng quyết định đến sự thành công trong việc bảo vệ những cây đã được gắn biển “Cây di sản Việt Nam”. Việc tổ chức công nhận vinh danh và gắn bia cây di sản Việt Nam là sự kiện mới mẻ nhằm góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gene quý hiếm, bảo vệ màu xanh trong các xóm làng, trong các thành đô, trong các đền chùa, công sở... và bảo vệ đa dạng sinh học của nước nhà đồng thời đánh dấu một mốc quan trọng mang ý nghĩa khoa học và nhân văn cao trong sự nghiệp bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường Việt Nam.
Việc bảo vệ gìn giữ, chăm sóc cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam dù hiện hữu bất kỳ ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam là những cây không những có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa mà còn là điểm đến cho khách thập phương, là phòng thí nghiệm sinh động cho hoạt động nghiên cứu khoa học, là nơi giáo dục lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương tổ quốc Việt Nam, là nơi để chúng ta hồi tưởng, biết quý trọng sức lao động sáng tạo của các bậc tiền bối đã dầy công chăm sóc.
Mạnh Cường