Cộng đồng và chính quyền địa phương hân hoan đón nhận Lễ vinh danh 5 cây thị là Cây di sản Việt Nam
Sáng 16/3/2012, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Chính quyền địa phương và dòng tộc họ Lê tổ chức Lễ công nhận 5 cây thị xóm 2, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An là Cây Di sản Việt Nam.

Đông đảo nhân dân địa phương và đặc biệt có các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Sở Văn Hóa Thông tin, Lãnh đạo huyện Nghi Lộc, Lãnh đạo xã Nghi Thịnh cùng lãnh đạo các xã lân cận cùng nhiều báo đài trung ương và địa phương đã đến tham dự sự kiện này.
PGS.TS. Phạm Bình Quyền thay mặt lãnh đạo Hội phát biểu chào mừng tại buổi lễ và trao Bằng cùng Quyết định công nhận cây di sản.
Ông Lê Minh Thưởng, tộc trưởng dòng họ Lê không khỏi xúc động và gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cùng với lời hứa quyết tâm cùng dòng họ và con cháu giữ gìn, chăm sóc và bảo vệ các cây quý này như những vật gia bảo của dòng họ, hi vọng sau sự kiện này sẽ góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển hơn nữa trong tương lai.
Ông Lê Văn Lưu chủ tịch UBND xã Nghi Thịnh đã đánh giá cao Chương trình bảo tồn Cây Di sản của Hội và sẽ cùng với dòng họ Lê phát huy truyền thống bảo vệ cây cổ thụ ở địa phương đặc biệt là 5 cây thị đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Trong bài phát biểu của Ông Lê Minh, tộc trưởng dòng họ Lê thì cách đây khoảng 600 năm, tại đây có một trận đại hồng thủy tràn qua, nhấn chìm tất cả nhà cửa, cây cối, biến nơi này thành một vùng cát trắng hoang vu; duy chỉ có 5 cây thị vẫn sống xanh tươi, hoa trái nở rộ bốn mùa.
Vào thế kỷ thứ 16, Đô đốc Lê Văn Hoan được điều vào Nam lãnh đạo nghĩa quân ra Bắc dẹp giặc. Trên đường chinh chiến, trong lúc dừng chân nghỉ tại một làng quê, ông đã lệnh cho lính buộc đàn voi nghĩa quân vào 5 cây thị mọc gần đó. Sau khi dẹp được giặc lập công lớn, ông được vua phong chức Đại nguyên soái Lê Quý Công. Trong một lần ra Bắc, dừng chân thăm lại nơi cũ. Khi ngồi nghỉ dưới gốc cây, thấy chim chóc về ăn quả nhiều, ông cũng ăn thử thấy quả ngon ngọt, mà chỉ cần một quả đã no, ông lấy làm lạ. Đất lành chim đậu, lại thấy cảnh ở đây thanh bình, ông tổ họ Lê đưa một số thân nhân của binh sĩ đến vùng đất này sinh cơ lập nghiệp. Những lần đưa quân ra Bắc vào Nam để đánh giặc, Đại nguyên soái đều ghé thăm những cây thị, thật kỳ lạ là sau đó đều giành được thắng lợi. Vì vậy Lê Công Hoan đã cho lập tại đây một ngôi đền để ghi ơn 5 cây thị.
Năm 1965, bom đạn đế quốc Mỹ đã thiêu trụi ngôi đền, nhưng 5 cây thị vẫn còn nguyên vẹn. Từ đó đến nay, những cây thị này vẫn kiên cường thể hiện sức sống trơ gan cùng tuế nguyệt, chứng kiến bao biến cố thăng trầm của quê hương. Trải qua nhiều thế kỷ, đi cùng đất nước hết cuộc kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, 5 cây thị cổ thụ vẫn sừng sững như một nhân chứng của thời gian.
5 cây quý này đã từng cưu mang, cứu sống biết bao nhiêu người dân trong nạn đói lịch sử năm 1945. Rồi những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, hàng chục, hàng trăm lượt đơn vị bộ đội đã trú quân dưới những gốc thị già trước khi hành quân vào Nam chiến đấu.