Bữa cơm quê mà tôi muốn nói ở đây là cơm quê ngay giữa lòng quê! Vâng, lòng quê thì mênh mông vô tận, nhưng đất quê thì ngày càng gầy guộc lại, một mặt do quá trình đô thị hóa, mặt khác do thiên tai từng năm lụt lở làng trôi xảy ra, và vì thế dường như con người mỗi ngày một thêm... xa xứ!
Có lần tôi về thăm quê vừa sau những ngày bão lụt nặng nề. Bùn non ơi bùn non, khắp làng trên xóm dưới bùn non lội đến tận gối. Quê tôi ở ven sông, có năm lụt lớn, nguyên bờ tre dày kéo dài hàng cây số, cái lũy chắn cuối cùng bao bọc giữ đất làng từ hơn thế kỷ nay đã lở xuống sông sâu. Đứng trên bờ vực sông nhìn xuống, trận lụt qua rồi mà nước sông vẫn xiết chảy đục ngầu một cách hung tợn. Cứ mỗi vòng xoáy cuồn cuộn đập vào bờ là từng mảng đất lở đổ ầm xuống sông cuốn theo dòng chảy. Thiên nhiên đang diễn dịch cái nghĩa biển dâu một cách cụ thể nhất, rõ ràng nhất. Cứ theo cái đà này không chừng mươi mười lăm năm nữa, cuộc di dời của làng tôi e vào đến tận chân núi.
Bữa cơm chiều ở nhà người bạn làng sau cả ngày bì bõm bùn nước thăm mọi nơi. Lụt lội như thế làm gì có các món đặc sản của làng mà đem ví von với cái ngon của những cơm niêu cơm lam thời thượng. Không hiểu bao tâm hồn phố thị vừa bước ra khỏi những cánh đồng lúa gieo của làng có ai còn nhớ đến những vụ mùa thu hoạch từ mưa lụt như thế này không. Lúa ấy mười hạt, chỉ may ra chắc một hạt, mà phải giành giật với thiên tai khắc nghiệt thường xảy ra. Có lẽ vì gian nan như thế mà cây lúa biết cho con người không chỉ là hạt gạo màu nâu khoẻ khoắn chắc nịch mà còn cả mùi hương.
Ăn thứ cơm nấu bằng gạo quê ấy, hỏi bây giờ trong các nhà hàng mang cái “mác”, cái nhãn hiệu cơm quê, biết tìm đâu ra. Nào gạo lúa can, lúa lốc, lúa mận, lúa ngự, lúa đen, lúa trì trì. Người xứ Quảng nức tiếng món mì Quảng, nhưng đi tìm thứ mì Quảng chính hiệu được làm bằng các thứ gạo nâu ấy quả thật hiếm hoi. Vậy mà bữa cơm chiều nhà bạn làng của tôi được nấu bằng thứ gạo hết sức “cổ điển” bát ngát mùi hương như thế.
Bới từng chén cơm khói bốc thơm ngào ngạt, ngồi hít hơi không thôi, mùi hương tràn vào lồng ngực đã no nê lắm rồi. Cơm ấy ăn với các món ăn “truyền thống” vào mùa mưa lụt như: dưa cà, dưa cải, dưa giá... “Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ muối dưa cải nhớ cà dầm tương”. Ăn một bữa cơm quê mà làm tôi nhớ ra nghìn bữa. Nhớ tuổi thơ chạy ra cồn bãi bắt dế vào những ngày lụt lội. Đây cũng là món ăn xếp vào loại ngon hàng đầu ở quê tôi. Mỗi khi nước lớn tràn vào bãi, vào vườn nhà, dế từ các hang chui ra bám trên các hàng cây, hàng rào, cứ tha hồ mà bắt. Có những trận lụt bọn trẻ con chúng tôi bắt đến cả giỏ đầy mang về. Sau khi vặt cánh làm ruột dế xong, bắc cái sanh lên bếp, đổ dầu phụng vào khử dầu sôi lên, cho tất cả dế vào xào chiên cùng với ít gia vị hành tiêu mắm tỏi. Mùi thơm tỏa lên quyến rũ từng cái dạ dày háu ăn của tuổi thơ nghe còn thơm mãi đến tận bây giờ!
Nhưng bữa cơm quê trong nhà bạn làng tôi không có được cái món dế khoái khẩu đó. Nước lụt lớn nhanh, mà lại tràn vào nhà lúc trời tối nên chẳng ai dám lội bắt dế cả. Vậy mà mỗi cái mùi hương ngào ngạt của cơm được nấu bằng thứ gạo lúa gieo ấy đủ làm tôi ngập ngụa trên cánh đồng tuổi thơ của làng mình. Người bạn làng tôi sau bữa ăn, bảo: Đây là bữa cơm cuối cùng nấu bằng thứ gạo quí hiếm hoi này, vì cả cánh đồng đã lở xuống sông sâu còn đâu mà gieo trồng. Vả lại, rồi sau mùa mưa lụt, nhà bạn làng của tôi cũng sẽ di dời trong đợt di dời sau cùng của làng.
Vậy là, cuộc rút lui đầu hàng thủy tặc là sự lựa chọn cho cái kế sách tối ưu? Kinh nghiệm ngàn đời cha ông trồng tre dọc theo bờ sông hàng hàng lớp lớp vừa chống chọi sự xói lở, vừa làm tăng thu nhập cho đời sống, và làm đẹp cho thôn xóm dần dà vắng bóng. Làng quê thông thốc, phía nào cũng gió, hay là bén mùi đô thị hoá rồi ra cái đẹp sau lũy tre làng sẽ sa mạc trắng xóa trong mọi tâm hồn.
Nguyễn Nhã Tiên ( Báo Văn Nghệ )