quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KHOA HỌC CỦA HỘI

Cơ sở khoa học và phương pháp luận xây dựng Quy hoạch tổng thể Bảo tồn ĐDSH Việt Nam

Thứ Sáu, 05/03/2010 | 11:08:00 AM

Để đạt được mục tiêu bảo tồn, sử dụng bền vững và phát triển đa dạng sinh học một cách bài bản và dài hạn góp phần thực hiện Luật Đa dạng sinh học (2008) đòi hỏi cấp thiết phải xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn Đa dạng sinh học Quốc gia.

 
Phạm Bình Quyền, Lê Thanh Bình
Tài nguyên sinh vật phong phú với số loài mới cho Khoa học được phát hiện chiếm khoảng 6,5% số loài so với thế giới, Việt Nam được công nhận là nước có tính đa dạng sinh học cao vào hạng thứ 16 và là một trong những quốc gia được ưu tiên cho bảo tồn toàn cầu (WCMC, 1992; 2003). Sự đa dạng về địa hình, đất đai, cảnh quan và khí hậu là cơ sở thuận lợi tạo nên tính đa dạng các hệ sinh thái, loài và nguồn gen ở Việt Nam.
Ở môi trường trên cạn đã xác định được khoảng 95 kiểu hệ sinh thái (Thái Văn Trừng, 1999; Bộ Tài nguyên và Môi trường ,2003, 2007) thuộc 8 vùng địa lý khí hậu, đã phát hiện được trên 13.200 loài thực vật, 11.100 loài động vật. Trong các vùng đất ngập nước đã xác định được 28 kiểu hệ sinh thái (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2009) là môi trường sống của hơn 3000 loài thuỷ sinh vật. Trong môi trường biển đã xác định được 20 kiểu hệ sinh thái cùng với trên 11.000 loài sinh vật (Bộ Khoa học và Công nghệ, 1999; Bộ Thuỷ sản, 2007). Việt Nam là một trong 12 trung tâm nguồn gốc giống cây trồng thế giới với trên 800 loài thuộc 16 nhóm cây trồng khác nhau.
Nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững Đa dạng sinh học, bắt đầu từ những năm 1960 chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp luật và chính sách bảo tồn đa dạng sinh học. Từ đó đến nay, việc cải cách thể chế và luật pháp đã phát triển nhanh với sự ra đời của nhiều bộ luật có liên quan, đặc biệt là Luật Đa dạng sinh học (2008).
Đến nay, một số thành tựu trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học được ghi nhận như độ che phủ rừng tăng lên đến 38,2% (năm 2008), hệ thống các Khu bảo tồn trên cạn được xây dựng gồm 128 khu (30 vườn Quốc gia, 18 khu dự trữ thiên nhiên, 30 khu bảo vệ cảnh quan), với diện tích gần 2,5 triệu hecta, chiếm 7,6% diện tích lãnh thổ; 45 khu bảo tồn vùng nước nội địa đã được chính phủ phê duyệt vào năm 2008; hệ thống 15 khu bảo tồn biển đã được quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt; 2 khu Di sản thiên nhiên thế giới, 4 khu di sản thiên nhiên ASEAN, 2 khu Ramsar, 6 khu Dự trữ sinh quyển được Quốc tế công nhận.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn còn bị đe doạ và đang bị suy thoái. Việc gia tăng dân số và mức tiêu dùng là áp lực dẫn tới khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Sự phát triển kinh tế - xã hội thiếu quy hoạch, sự thay đổi mục đích và phương thức sử dụng đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển trồng cao su, cà phê, phát triển thuỷ điện, đã làm tổn hại nhiều hệ sinh thái, các sinh cảnh; diện tích và chức năng rừng phòng hộ bị giảm sút, chức năng các hệ sinh thái bị biến đổ, nơi ở của nhiều loài sinh vật bị suy giảm, bị phá hủy,bị phân mãnh chia cắt, cách ly.
Bên cạnh đó thì việc quản lý Đa dạng sinh học ở Việt Nam cũng còn nhiều bất cập, thể hiện ở cơ quan nhà nước quản lý ĐDSH còn phân tán và chưa đủ mạnh; các quy định pháp luật về bảo vệ ĐDSH thiếu đồng bộ, chưa huy động đúng mức sự tham gia của cộng đồng, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học còn yếu, đầu tư cho bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH còn nhiều hạn chế.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu bảo tồn, sử dụng bền vững và phát triển đa dạng sinh học một cách bài bản và dài hạn góp phần thực hiện Luật Đa dạng sinh học (2008) đòi hỏi cấp thiết phải xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn Đa dạng sinh học Quốc gia.
1. Các khái niệm, quan điểm, mục tiêu và mối quan hệ của quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học quốc gia.
1.1. Các khái niệm, phạm trù liên quan
Quy hoạch Đa dạng sinh học là sự tổ chức lập các kế hoạch dài hạn xây dựng hệ thống bảo tồn Đa dạng sinh học trên cơ sở điều tra, tính toán dự báo xu thế, đặc điểm, vai trò của đa dạng sinh học cũng như nhu cầu và nguồn lực nhằm cụ thể hoá chính sách bảo tồn góp phần phục vụ cho phát triển bền vững. Như vậy có thể hiểu Quy hoạch đa dạng sinh học là xác định khung về nội dung, phân bố không gian và kế haọch thực hiện bảo tồn ĐDSH theo thời gian của các hoạt động bảo tồn.
Quy hoạch Đa dạng sinh học là công cụ thiết yếu để quản lý hiệu quả từng khu bảo tồn và cả toàn bộ hệ thống bảo tồn thiên nhiên quốc gia.
Theo chiến lược bảo tồn thế giới (World conservation Stratery, 1980), Quy hoạch Bảo tồn Đa dạng sinh học là sự tổ chức quy hoạch sử dụng sinh quyển một cách hiệu quả phục vụ lợi ích của các thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai; tổ chức hoạt động bảo vệ, duy trì, sử dụng, phục hồi và cải thiện môi trường thiên nhiên, bảo tồn tài nguyên sinh học và các tài nguyên khác có liên quan, duy trì các quá trình sinh thái và các hệ hỗ trợ, bảo tồn nguồn gen, sử dụng bền vững các loài và các hệ sinh thái.
Với khái niệm như vừa nêu thì quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học về thực chất là quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn tại chỗ trên cạn, đất ngập nước và biển cùng biện pháp bảo tồn chuyển chỗ cũng như bảo tồn ngoài khu bảo tồn. Theo nghĩa khái quát, quy hoạch hệ thống là tổ chức lập kế hoạch quản lý ở tầm vĩ mô các khu bảo tồn (WCPA, 1998).
Quy hoạch, thiết kế và quản lý là một quá trình liên tục nhằm giải quyết tổng thể tất cả các vấn đề của bảo tồn đa dạng sinh học.
Quy hoạch là quá trình liên quan tới hệ thống các vấn đề được xem xét toàn diện với mục đích xác định các giải pháp tối ưu cho các vấn đề đó.
Thiết kế là quá trình từ quy hoạch trong đó các giải pháp được kiểm nghiệm và thực hiện một cách sáng tạo.
Quản lý là quá trình kiểm soát và hướng dẫn thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm đạt được mục tiêu quy hoạch và thiết kế.
Quy hoạch, thiết kế và quản lý là quy hoạch hệ thống gồm các quá trình tương tác và lệ thuộc lẫn nhau nhằm mục đích giải quyết các vấn đề bảo tồn thông qua tổng hợp tất cả các yếu tố liên quan như tác động của chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp, du lịch, khai thác tài nguyên, phát triển cơ sở hạ tầng liên quan tới bảo tồn đa dạng sinh học. Quy hoạch hệ thống xem xét các vấn đề:
-         Xác định hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên, các khu bảo tồn ưu tiên có tầm quan trọng quốc gia, xác định các đơn vị, kiểm loại các khu bảo tồn và các loại hình bảo tồn.
-         Xây dựng tầm nhìn chiến lược hoàn thiện hệ thống bảo tồn đa dạng sinh học.
-         Xác định các chủ thể và vai trò của các chủ thể liên quan đến hệ thống bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia.
-         Xác định các tác động hiện có, dự báo xu thế và các tác động tiềm ẩn đến hệ thống khu bảo tồn đa dạng sinh học từ các khu vực xung quanh và ngược lại.
-         Tạo điều kiện thuận lợi mở rộng hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học xuyên biên giới.
Như vậy quy hoạch hệ thống bảo tồn là tập hợp ý tưởng được trình bày dưới dạng các báo cáo kèm theo các bản đồ và những thông tin nền tương ứng. Bản báo cáo quy hoạch mô tả hiện trạng, các yếu tố chiến lược và lộ trình hiện thực. Báo cáo quy hoạch cung cấp những hướng dẫn về cơ chế, thể chế và các quy trình điều hành hệ thống khu bảo tồn đa dạng sinh học gắn với các hoạt động sử dụng đất, phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Báo cáo cũng xác định các giải pháp điều hành phù hợp giữa cấp Trung ương và địa phương, giữa các vùng khác nhau và từng khu bảo tồn.
Ngoài ra quy hoạch hệ thống còn đề cập đến cách tiếp cận đa ngành và liên ngành nhằm giải quyết tốt nhất mâu thuẫn lợi ích xảy ra trong quá trình quy hoạch, thiết kế và quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên.
1.2.1. Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch môi trường, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế- xã hội; phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội liên quan của các ngành và các địa phương
1.2.2. Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học phải mang tính hệ thống bao gồm bảo tồn các hệ sinh thái, loài, nguồn gen; chú trọng duy trì, bảo vệ phát triển chức năng và các khả năng chịu tải của hệ sinh thái, ưu tiên chú trọng các hệ sinh thái đặc trưng, dễ bị tổn thương, nhạy cảm đã bị suy thoái;
1.2.3. Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học phải gắn kết sử dụng khoa học, hợp lý, bền vững tài nguyên đa dạng sinh học;
1.2.4. Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đảm bảo thích ứng với Biến đổi khí hậu toàn cầu,vận dụng các quan điểm, chiến lược mới về bảo tồn;
1.2.5. Quản lý đa dạng sinh học của Việt Nam có sự gắn kết, hoà nhập với bảo tồn ĐDSH quốc tế và khu vực;
1.2.6. Quy hoạch ĐDSH phải dựa trên cơ sở phát huy tối đa vai trò cộng đồng có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước;
1.2.7. Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cần áp dụng tối đa các phương pháp quy hoạch, khoa học công nghệ tiên tiến, thích hợp.
Tuy vậy, quan điểm, nguyên tắc xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH của cả nước và của các ngành, các địa phương không thể không phù hợp với các nguyên tắc và chính sách bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH đã được nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước nêu rõ. Đặc biệt, tại các Điều 4 và Điều 5 của Luật ĐDSH, các nguyên tắc và chính sách đó được thể hiện như sau:
1.      Bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của Nhà nước và mọi tổ chức, cá nhân.
2.      Kết hợp hài hoà giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học với việc xoá đói, giảm nghèo.
3.      Bảo tồn tại chỗ là chính, kết hợp bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ.
4.      Tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ việc khai thác, sử dụng đa dạng sinh học phải chia sẻ lợi ích với các bên có liên quan; bảo đảm hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân.
5.      Bảo đảm quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học.”
Chính sách của Nhà nướcViệt Nam về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học được quy định tại điều 5 của Luật Đa dạng sinh học như sau:
1.      Ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái, bảo tồn loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; bảo đảm kiểm soát việc tiếp cận nguồn gen.
2.      Bảo đảm kinh phí cho hoạt động điều tra cơ bản, quan trắc, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của Nhà nước; bảo đảm sự tham gia của nhân dân địa phương trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
3.      Khuyến khích và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tri thức truyền thống vào việc bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học.
4.      Phát triển du lịch sinh thái gắn với việc xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm ổn định cuộc sống của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn; phát triển bền vững vùng đệm của khu bảo tồn.
5.      Phát huy nguồn lực trong nước, ngoài nước để bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học”.
Từ những nội dung vừa trình bày, áp dụng trực tiếp vào lĩnh vực quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học, có thể nêu lên các quan điểm chính sau đây :
a) Tuân thủ phù hợp:
Quy hoạch bảo tồn ĐDSH phải tuân thủ các quy định liên quan của pháp luật; phù hợp với các chủ trương đường lối chung về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường trong các chiến lược quốc gia, các kế hoạch hành động quốc gia liên quan.
b) Kế thừa:
 Quy hoạch bảo tồn ĐDSH phải kế thừa các quy hoạch liên quan về sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vận dụng được các kết quả điều tra cơ bản về ĐDSH, về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và kết quả thực hiện quy hoạch bảo tồn ĐDSH đã có.
c) Thực tế, linh hoạt:
Quy hoạch bảo tồn ĐDSH cần phải thiết thực, khả thi trên cơ sở phân tích, đánh giá nguồn lực thực hiện quy hoạch, đánh giá thực trạng và nhu cầu khai thác sử dụng ĐDSH và các sản phẩm của chúng  kể cả nhu cầu trong và ngoài nước liên quan, có thể thích nghi được với các biến động về kinh tế, xã hội và môi trường.
d) Bảo đảm quyền lợi nhiều bên:
Quy hoạch bảo tồn ĐDSH phải bảo đảm quyền lợi quốc gia, đồng thời chú trọng thoả đáng tới lợi ích các ngành, các địa phương và đặc biệt là lợi ích cộng đồng và người dân bản địa.
e) Khoa học và khách quan:
Quy hoạch bảo tồn ĐDSH cần được xây dựng một cách khoa học, khách quan, bằng các phương pháp hiện đại kết hợp với các phương pháp truyền thống và đảm bảo đạt được sự đồng thuận càng cao càng tốt.
1.3. Mục tiêu Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học quốc gia
Mục tiêu lâu dài : Xây dựng hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, các loài, nguồn gen phong phú vào bậc nhất trên thế giới và đặc sắc của Việt Nam, đảm bảo đến mức cao nhất ATSH, góp phần thực hiện Luật Đa dạng sinh học năm 2008, phục vụ sự nghiệp bảo vệ môi trường ,phát triển bền vững đất nước và thực hiện các điều ước quốc tế liên quan.
Mục tiêu trước mắt :Xây dựng được Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và bảo vệ môi trường, đóng góp thiết thực việc bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH, đảm bảo ATSH và làm cơ sở để các ngành, các lĩnh vực, các địa phương xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH thuộc trách nhiệm của mình theo luật định:
-         Đề xuất quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học Việt nam đến năm 2020
-         Góp phần bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững ĐDSH về các nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái phong phú của Việt Nam; quản lý an toàn sinh học một cách có hiệu qủa đề đảm bảo sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường và bảo tồn ĐDSH;
-         Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống các khu bảo tồn, từng bước phục hồi và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên
-         Tạo lập các căn cứ khoa học và thực tiễn để các ngành, các địa phương xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH thuộc phạm vi trách nhiệm của mình;
-         Tạo cơ sở để góp phần hoàn thiện tổ chức, cơ chế, chính sách quản lý ĐDSH, nâng cao vai trò và nhận thức cộng đồng về bảo tồn ĐDSH và ATSH.
-         Thiết thực đóng góp vào việc bảo tồn ĐDSH khu vực và toàn cầu, thực hiện các điều ước quốc tế liên quan.
1.4. Tiêu chí lựa chọn
Các nhân tố và các tiêu chí dưới đây được sử dụng để lựa chọn các khu vực xây dựng các khu bảo tồn , xác định ranh giới của các khu đó, được quốc tế thừa nhận:
-         Tính tự nhiên nguyên sơ: chưa bị con người xâm phạm;
-         Tầm quan trọng địa sinh vật: có vị trí đặc biệt và là khu vực đại diện trong phân vùng địa sinh vật, có các đặc điểm địa lý độc đáo hoặc đặc hữu;
-         Tầm quan trọng sinh thái: khu vực có vị trí và vai trò quan trọng trong các quá trình sinh thái, sinh học, trong chu kỳ sống của sinh vật, nhất là đối với các loài đang bị đe doạ, nơi nuôi dưỡng ấu trùng, nơi sinh cư duy nhất của một loài sinh vật, nơi đa dạng về loài và có mặt nhiều sinh cư của các loài;
-         Tầm quan trọng kinh tế: có giá trị sử dụng, khai thác nguồn lợi hiện có hoặc ở dạng tiềm năng, là nơi cư trú của các loài có giá trị kinh tế.
-         Tầm quan trọng xã hội: có ý nghĩa lịch sử, văn hoá quốc gia và quốc tế.
-         Tầm quan trọng khoa học: có giá trị về mặt nghiên cứu khoa học và giám sát.
-         Ý nghĩa quốc gia và quốc tế: có khả năng được công nhận là di sản, khu dự trữ thiên nhiên ở mức quốc gia hoặc quốc tế, cũng có thể là đối tượng của một hiệp ước/ thoả thuận quốc tế hoặc quốc gia.
-         Tính thực tiễn: mức độ tách biệt với các tác động huỷ hoại từ bên ngoài, có điều kiện thực tế để bảo vệ, được ủng hộ về mặt chính trị và xã hội, được hỗ trợ của cộng đồng địa phương, có khả năng thích ứng với cách sử dụng của dân địa phương, dễ quản lý và thích hợp với các chế độ quản lý hiện hành.
Các tiêu chí trên đây bằng cách so sánh sẽ là cơ sở để xác định mức độ quan trọng, vị trí ưu tiên của từng khu bảo tồn trong hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên của cả nước và của địa phương.
1.5. Căn cứ lập quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia
Cơ sở pháp lý quy hoạch bảo tồn ĐDSH được Luật ĐDSH quy định tại Điều 8 “Căn cứ lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước” như sau :
1.      Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;
2.      Chiến lược bảo vệ môi trường;
3.      Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực;
4.      Kết quả điều tra cơ bản về đa dạng sinh học, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội;
5.      Kết quả thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trước đó;
6.      Thực trạng và dự báo nhu cầu khai thác, sử dụng đa dạng sinh học;
7.      Nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Theo đó, quy hoạch bảo tồn ĐDSH của cả nước phải căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; quy hoạch sử dụng đất của cả nước; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực (hình 1).



Hình
1. Căn cứ lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học

1.6.  Mối quan hệ của quy hoạch bảo tồn ĐDSH với các chiến lược và quy hoạch liên quan
Mối quan hệ của quy hoạch bảo tồn ĐDSH với các chiến lược và quy hoạch liên quan đã được Điều 8 Luật ĐDSH quy định như sau  (Hình 2):
-         Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
-         Chiến lược bảo vệ môi trường.
-         Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực.
-         Kết quả điều tra cơ bản về đa dạng sinh học, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội.
-         Kết quả thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trước đó.
-         Thực trạng và dự báo nhu cầu khai thác, sử dụng đa dạng sinh học.
-         Nguồn lực để thực hiện quy hoạch.



 
1.6.1 .Quan hệ với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia:
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, thông qua chiến lược bảo vệ môi trường, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ngành, lĩnh vực tác động trực tiếp đến quy hoạch bảo tồn ĐDSH. Tất nhiên, quá trình xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đã có tham vấn và đồng thuận với chiến lược BVMT (và ngược lại), nhưng mối quan hệ với quy hoạch bảo tồn ĐDSH không vì thế mà giảm đi bởi mối quan hệ này còn phát huy qua các quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ngành, lĩnh vực.
1.6.2. Quan hệ với chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia:
Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia hiện đã được thông qua cho thời hạn đến 2010 và định hướng tới 2020. Các mục tiêu cụ thể đến 2020 cho thấy các chỉ tiêu liên quan trực tiếp gồm :
Bảo đảm cân bằng sinh thái ở mức cao;
Đáp ứng các yêu cầu về môi trường để hội nhập kinh tế quốc tế và hạn chế các tác động tiêu cực từ mặt trái của toàn cầu hoá;
 Rất nhiều các chỉ tiêu còn lại có liên quan gián tiếp tới quy hoạch bảo tồn, sẽ phân tích cụ thể các giai đoạn tiếp theo. Tất cả các nội dung thuộc nhóm "trực tiếp" và một số nội dung thuộc nhóm "gián tiếp" đặt ra các "đầu vào" quan trọng đối với việc xây dựng quy hoạch bảo tồn.
 1.6.3. Quan hệ với quy hoạch sử dụng đất:
Trong hệ thống tất cả các quy hoạch liên quan đến tài nguyên, môi trường, quy hoạch sử dụng đất luôn đóng vai trò đặc biệt. Trước hết, đất là nền tảng mà tất cả các quy hoạch phải sử dụng để xây dựng. Các quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng  tài nguyên, môi trường, đến lượt mình, lại tác động đến quy hoạch sử dụng đất nhằm đạt được sự hợp lý, đồng thuận  tối đa có thể. Tỉ lệ bản đồ quy hoạch sử dụng đất trong nhiều trường hợp quyết định tỷ lệ bản đồ của các quy hoạch khác. Quy trình xây dựng quy hoạch sử dụng đất cũng được tham chiếu để thiết lập trình tự xây dựng các quy hoạch khác, bao gồm cả quy hoạch bảo tồn ĐDSH.
1.6.4. Quan hệ với các quy hoạch ngành, lĩnh vực:
Quy hoạch ngành, lĩnh vực, nhất là các quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp, quy hoạch phát triển công nghiệp,v.v.. có quan hệ qua lại mật thiết với quy hoạch bảo tồn ĐDSH. Quy hoạch ngành, lĩnh vực một mặt đặt ra những hạn chế cho quy hoạch bảo tồn ĐDSH, nhưng cũng không ít khi tạo ra cơ hội cho quy hoạch bảo tồn. Đồng thời, các quy hoạch ngành, lĩnh vực cũng phải đồng thuận tới mức cao nhất với quy hoạch bảo tồn ĐDSH.
Quá trình xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực tốt nhất là được diễn ra đồng thời với quá trình xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH và tham chiếu lẫn nhau. Rất tiếc, việc này không xẩy ra thường xuyên, và đấy là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra các mâu thuẫn, xung đột giữa bảo tồn và phát triển. Nhiều khi, các mâu thuẫn, xung đột này không phát sinh ở tầm vĩ mô: tầm điều tiết bởi các chiến lược (chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, chiến lược bảo vệ môi trường), nhưng lại phát sinh rất phổ biến từ cấp quy hoạch trở xuống.
Những sự kiện như việc xây dựng đường giao thông xuyên qua các VQG ,việc quy hoạch các nhà máy thủy điện hủy hoại hệ sinh thái rừng và làm ngập một số diện tích các khu bảo tồn, việc phá bỏ thay thế hệ sinh thái rừng khộp dặc thù bằng rừng cao su, việc phá hủy hệ sinh thái rừng ngập mặn dể nuôi trồng thủy sản, việc phá rừng phi lao phòng hộ ven biển dể khai thác quặng titan imenit,việc dự kiến phát triển du lịch cao cấp tại vùng lõi VQG .. là những bài học đáng ghi nhớ cho công tác quy hoạch nói chung, cho quy hoạch bảo tồn ĐDSH nói riêng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giảm thiểu những mâu thuẫn, xung đột loại này, tránh những tổn thất to lớn về tiền của, thời gian, các mối quan hệ trong ngoài, trên dưới mà suy cho cùng, chỉ có môi trường và người dân bị thiệt.
1.6.5. Quan hệ với các Quy hoạch bảo tồn ĐDSH địa phương:
Luật ĐDSH không quy định việc xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước phải căn cứ vào các quy hoạch bảo tồn ĐDSH của các địa phương, nhưng yêu cầu các địa phương xây dựng quy hoạch của mình và thực hiện các nhiệm vụ liên quan của quy hoạch tổng thể. Việc này là rất cần thiết, bảo đảm tính tập trung, đặt quyền lợi quốc gia về bảo tồn lên trên hết.
Tuy vậy, các địa phương có vai trò quan trọng trong xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH, thể hiện đặc biệt rõ ràng trong quá trình xây dựng, nhất là ở bước tìm sự đồng thuận cao nhất cho các phương án quy hoạch. Có nghĩa là, các yêu cầu, các mục tiêu của địa phương về bảo tồn đã được tích hợp tối đa (theo khả năng có thể) vào quy hoạch chung. Mặt khác, đối với những mục tiêu đặc thù về bảo tồn của địa phương mà không mâu thuẫn với quy hoạch chung, địa phương vẫn quy hoạch thực hiện.
Lý luận là vậy, nhưng thực tế luôn phức tạp hơn nhiều. Vì vậy, việc phát huy các quan hệ lý thuyết trong thực tế xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH luôn phải được quan tâm giải quyết.
Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia việc xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH thường áp dụng quy trình quy hoạch của các lĩnh vực khác, cụ thể là quy hoạch môi trường,  quy hoạch quản lý tài nguyên và sử dụng đất . Quy hoạch môi trường rất gần với quy hoạch bảo tồn ĐDSH, nhưng bản thân còn nhiều tồn tại, do vậy, kinh nghiệm quy hoạch quản lý tài nguyên và sử dụng đất thường được đánh giá cao hơn.
Thông thường, có 3 nhóm, 3 chủ thể chính tham gia xây dựng quy hoạch bảo tồn với vai trò và trách nhiệm khác nhau: cơ quan thẩm quyền, tổ công tác liên ngành và cộng đồng .
2.1. Cơ quan thẩm quyền về Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH
Cơ quan thẩm quyền chịu trách nhiệm khởi xướng quá trình quy hoạch bảo tồn ĐDSH  sau khi đã có quyết định của cấp trên (đối với Quy hoạch bảo tồn ĐDSH của cả nước là quyết định của Chính phủ). Cơ quan thẩm quyền chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch xây dựng quy hoạch, bảo đảm nguồn lực và kinh phí cho việc thực hiện kế hoạch này. Cơ quan cũng  chịu trách nhiệm cử người tham gia trực tiếp vào việc xây dựng kế hoạch. Cơ quan chịu trách nhiệm tổng kết quá trình xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch.
Như vậy, cơ quan thẩm quyền đóng vai trò chủ yếu trong xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước. Đối với các ngành, cơ quan này thường là Viện nghiên cứu (có thể là Viện Quy hoạch hoặc Viện Điều tra quy hoạch). Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ cho Tổng cục Môi trường, Tổng cục Môi trường lại giao cho Cục Bảo tồn ĐDSH thực hiện trọng trách xây dựng quy hoạch bảo tồn. Phòng Quy hoạch bảo tồn ĐDSH thuộc Cục là đơn vị thực hiện.
Tóm lại, chủ thể “cơ quan thẩm quyền” xây dựng Quy hoạch bảo tồn ĐDSH của cả nước hiện nay là Cục Bảo tồn ĐDSH thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường .
Quy hoạch bảo tồn ĐDSH về thực chất là một quy hoạch liên ngành đa lĩnh vực, do đó, việc cần có một tổ chức chủ thể xây dựng quy hoạch mang tính liên ngành là tất yếu. Có thể thành lập Tổ công tác liên ngành về quy hoạch bảo tồn ĐDSH (dưới đây gọi tắt là Tổ liên ngành).
Tổ liên ngành bao gồm đại diện của Cơ quan thẩm quyền, các chuyên gia là đại diện của các bộ ngành có liên quan và một số chuyên gia am hiểu công tác quy hoạch. Nếu thấy cần, Cơ quan thẩm quyền ra quyết định hành chính về tổ chức và hoạt động của Tổ liên ngành.
 
 
Được biết để thể hiện
Được trao
trao đổi thông tin
Được hỏi ý kiến
Cùng xác định vấn đề
Thẩm tra quy hoạch
Tìm kiếm đồng thuận
Được giao nhiệm vụ
Hình thức phương pháp tham gia
Thông báo về quy hoạch
Điều tra, thu thập thông tin
Họp cộng đồng
Hội thảo
Lập nhóm chuyên gia
Lập nhóm tư vấn
Tham gia
Tổ liên ngành
Vai trò của chủ thể Cộng đồng
 
 Tăng theo mức độ tham gia ---------->
Cộng đồng là chủ thể đặc biệt, đại diện cho nhóm những người dân có lợi ích trong quy hoạch bảo tồn .Vai trò của chủ thể cộng đồng trong xây dựng quy hoạch có thể rất khác nhau từ việc cho ý kiến tham khảo đến việc thực hiện đầy đủ quy hoạch mà đúng hơn là một hoặc một số nội dung quy hoạch. Theo kinh nghiệm một số nước, sự phân chia trách nhiệm giữa Chủ thể Tổ liên ngành và chủ thể Cộng đồng có thể được thể hiện ở sơ đồ như ở hình 3. Việc lựa chọn mức độ tham gia của Cộng đồng phụ thuộc vào một số yếu tố như nội dung quy hoạch (một phần của Quy hoạch bảo tồn), chủ trương Chính phủ, vào các nguồn lực, kinh phí có được và đương nhiên, vào sự quan tâm của bản thân Cộng đồng. Mức độ tham gia của Cộng đồng càng tăng thì trách nhiệm trực tiếp của Tổ liên ngành càng giảm tương xứng. Vấn đề này nếu được xác định ngay từ đầu quá trình quy hoạch thì sẽ thuận lợi hơn.
Quá trình lập quy hoạch thường được chia thành 5 bước gồm : Chuẩn bị, Đề xuất quy hoạch; Lập quy hoạch; Phê duyệt; Thực hiện và Giám sát. Sơ đồ sau đây (hình 4) chỉ rõ các kết quả/sản phẩm chính của việc lập quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước.
Các bước quy hoạch
Các sản phẩm chính
Bước 1: Chuẩn bị
Xác định nhu cầu thông tin
Bước 2: Đề xuất
Nêu rõ mục đích quy hoạch
Bước 3                 
Lập quy hoạch
Xử lý thông tin
Dữ liệu thông tin
Báo cáo thông tin
Xây dựng các kịch bản
Kịch bản
Bản đánh giá các kịch bản
Tìm kiếm đồng thuận
Quy hoạch trình duyệt quy hoạch
Bước 4: Phê duyệt
Quyết định phê duyệt quy hoạch
Bước 5: Thực hiện và giám sát                               Báo cáo Giám sát kết quả thực hiện quy hoạch                                                                                                                     
 
3.1. Bước 1- Chuẩn bị  
Bước chuẩn bị tập trung vào việc xác định những vấn đề chủ yếu liên quan đến quy hoạch để làm cơ sở cho quy hoạch như quy hoạch sử dụng đất, hiện trạng đa dạng sinh học, quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch thủy sản, tình hình phát triển đô thị, .... Về tổ chức, bước chuẩn bị tiến hành thành lập Tổ liên ngành và bắt đầu tiếp xúc với các chủ thể cộng đồng liên quan. Chú ý tập huấn, đào tạo các thành viên của Tổ liên ngành về các kỹ năng cần thiết cho công tác quy hoạch. Đồng thời với quá trình lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cần đồng thời tiến hành lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của đề án quy hoạch.
Một trong những kỹ năng cơ bản của quy hoạch ngày nay là sử dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS). GIS có khả năng nhập và quản lý những dung lượng lớn các thông tin liên quan, quản lý và phân tích thông tin không gian, và như vậy, GIS đã được thực tế chứng minh là công cụ quy hoạch rất có giá trị và hữu ích. Trong bước chuẩn bị, cần thực hiện việc thu thập thông tin, nói khác đi, cần tiến hành nghiên cứu nhu cầu thông tin, cả thông tin viết và nhất là thông tin không gian, bản đồ.
Tóm lại, bước chuẩn bị cần thực hiện các công việc sau:
-         Xác định những vấn đề chủ yếu liên quan đến quy hoạch ;
-         Thành lập Tổ liên ngành và Tổ ĐMC;
-         Tiến hành nghiên cứu nhu cầu thông tin;
-         Bắt đầu thu thập thông tin;
-         Tiếp xúc các chủ thể cộng đồng liên quan;
-         Việc nghiên cứu nhu cầu thông tin thường được tiến hành theo sơ đồ (Hình 5) có tính nguyên tắc sau:


Bước Đề xuất bao gồm một số hoạt động, trong đó quan trọng nhất là xây dựng được bản kế hoạch thực hiện. Ở bước 2, các nội dung, phạm vi quy hoạch cũng như vai trò và sự tham gia của các chủ thể phải được xác định và cụ thể hóa. Cơ quan thẩm quyền lúc này cần khẳng định nguồn tài chính và các sản phẩm quy hoạch cần có. Tổ liên ngành phải hoàn tất việc tập hợp và nhập những thông tin liên quan vào hệ GIS, lập  bản đồ, lập Bộ tài liệu cơ sở.
Bộ tài liệu cơ sở gồm các báo cáo và bản đồ đi kèm cần được phân phát tới các thành viên của Tổ liên ngành và là cơ sở để thảo luận tại các cuộc họp.
Như vậy, các hoạt động sau đây cần được hoàn thành trong Bước 2, Bước Đề xuất:
-         Xây dựng kế hoạch thực hiện;
-         Xác định các nội dung lập quy hoạch và phạm vi từng nội dung;
-         Hoàn thành Bộ tài liệu cơ sở;
-         Khẳng định và phân công trách nhiệm các Chủ thể tham gia;
-         Ghi nhận ý kiến của các Chủ thể đối với các nội dung quy hoạch đã được xác định.
-         Trong điều kiện có thể, bắt đầu bổ sung các thông tin ban đầu theo các định hướng quy hoạch.
Bước lập quy hoạch là bước quan trọng nhất để đưa ra quy hoạch bảo tồn, thường gồm 3 loại hoạt động sau:
-         Hoàn chỉnh thông tin (tư liệu, bản đồ, số liệu,...);
-         Phân tích, phát triển kịch bản quy hoạch;
-         Hoàn chỉnh quy hoạch (phương án lựa chọn cuối cùng).
Như đã thấy, trong bước 1 và 2, và giờ đây là cả bước 3, vấn đề thu thập, bổ sung, chỉnh lý thông tin luôn được chú trọng. Từng loại thông tin (đã có hoặc bổ sung) thường được đánh giá theo các câu hỏi đại loại như sau:
-         Thông tin này có phù hợp với các mục tiêu quy hoạch không?
-         Chúng có liên quan trực tiếp đến các nội dung đã được xác định không?
-         Việc thu thập thông tin bổ sung có khả thi không?
-         Có đủ kinh phí để thu thập thông tin không?
-         Có đủ thời gian, phương tiện để xử lý, phân tích các thông tin này không?
Dựa vào việc phân tích các câu trả lời, Tổ liên ngành sẽ ra quyết định về việc thu thập các thông tin bổ sung và nhập chúng vào hệ GIS đã có.
Trên cơ sở của tất cả các thông tin đã có, Tổ liên ngành đưa ra kịch bản ban đầu (kịch bản “0”) để chính thức thực hiện quá trình lập quy hoạch.
Việc phân tích, phát triển kịch bản ban đầu được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, nhưng nhìn chung bao gồm các công việc cụ thể sau đây:
-         Xác định các đơn vị quy hoạch và ranh giới của chúng, ví dụ: các khu bảo tồn, các vườn quốc gia, các hành lang ĐDSH, các cơ sở bảo tồn chuyển vị,...
-         Tóm lược các giá trị chính của các đơn vị quy hoạch;
-         Làm rõ mục tiêu cho từng loại hoặc từng đơn vị quy hoạch;
-         Nếu có thể, phân vùng hoặc nhóm theo các giới hạn khác nhau (theo địa giới hành chính, theo các phân vùng khác);
-         ĐMC và Đánh giá tác động của kịch bản đối với mục tiêu bảo tồn và với các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường khác.
-         Cuối cùng là tổng hợp kết quả phân tích, trình Tổ liên ngành và các chủ thể để phát triển thành kịch bản tiếp theo (kịch bản 1,2,v.v.).
Hình 6 dưới đây cho thấy mối quan hệ giữa hoạt động phân tích, phát triển kịch bản vừa trình bày với hoạt động tiếp theo của Bước lập quy hoạch: hoạt động hoàn chỉnh quy hoạch. Mục tiêu của 2 hoạt động này là với mỗi kịch bản đã lại tăng thêm sự đồng thuận để cuối cùng có chung một bản quy hoạch với sự đồng thuận cao nhất. Trong trường hợp còn có những bất đồng, cần một bản giải trình kèm theo để xem xét sau này



Hình 6.  Các hoạt động trong Bước Lập quy hoạch
 
Tóm lại, trong bước 3 Lập quy hoạch, các công việc chính sau đây được thực hiện  (theo 3 loại hoạt động):
Hoàn chỉnh thông tin:
-   Xem xét, đánh giá nhu cầu thông tin mới;
-   Thu thập thông tin mới;
-   Nhập vào hệ GIS, Lập các loại bản đồ;
Phân tích, phát triển kịch bản:
-   Xác định các đơn vị quy hoạch;
-   Tóm lược giá trị các đơn vị quy hoạch;
-   Dự thảo mục tiêu chiến lược;
-   Phân vùng (nếu có thể);
-   Đánh giá tác động nhiều chiều;
Hoàn chỉnh quy hoạch:
-   Lặp đi lặp lại các kịch bản quy hoạch;
-   Tìm kiếm sự đồng thuận cao nhất có thể; Đặc biệt là Báo cáo ĐMC;
-   Lập Báo cáo quy hoạch (cuối cùng để trình).
Cũng cần nói thêm là việc phân tích, tìm kiếm sự đồng thuận thường không đơn giản vì phụ thuộc nhiều vào các ngành, các địa phương, các quyền lợi và trách nhiệm của các chủ thể và các nhóm quyền lợi khác nhau. Người ta đôi khi sử dụng các ma trận tương thích nhằm cố gắng nêu lên và đánh giá (ở mức định lượng tương đối) sự tương thích giữa các nhu cầu bảo tồn khác nhau, chỉ ra những mảng/lĩnh vực chưa tương thích để cùng cố gắng tìm kiếm sự tương đồng. Việc này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng không bao giờ được coi nhẹ.
3.4. Bước 4. Phê duyệt
Việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn thường được tiến hành theo các quy định có sẵn, tuần tự như sau:
-         Cơ quan có thẩm quyền tổ chức cuộc họp giới thiệu về Quy hoạch với các cơ quan liên quan đến việc xét duyệt, có sự tham gia của Tổ liên ngành và một số chuyên gia am hiểu;
-         Bộ chủ quản của Cơ quan có thẩm quyền lập Tờ trình cấp trên nói rõ sự cần thiết phải xây dựng Quy hoạch, quá trình tổ chức xây dựng Quy hoạch, những nội dung cơ bản của Quy hoạch, những ý kiến còn chưa đồng thuận của các bên liên quan và gửi lên kèm theo hồ sơ Quy hoạch;
-         Theo quy định, cấp trên yêu cầu các cơ quan liên quan có văn bản chính thức đánh giá, nhận xét về Quy hoạch;
-         Cấp trên ra Quyết định phê duyệt Quy hoạch, hoặc trong trường hợp không phê duyệt thì có văn bản yêu cầu Bộ chủ quản sửa đổi, bổ sung và quá trình phê duyệt theo đó, lặp lại như vừa trình bày.
 Đây là khâu cuối cùng của quá trình quy hoạch bảo tồn ĐDSH. Bản Quy hoạch đã được phê duyệt sẽ được chuyển đến các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện. Nhằm bảo đảm Quy hoạch được triển khai trên thực tế và nhằm rút kinh nghiệm cho các lần quy hoạch tiếp theo, Cơ quan có thẩm quyền có thể quyết định tiến hành công tác giám sát thực hiện Quy hoạch.
Hiện nay có 2 loại giám sát quy hoạch: thường xuyên và định kỳ. Loại giám sát thường xuyên tiến hành đánh giá việc bảo đảm tiến độ thực hiện Quy hoạch, gọi là giám sát quá trình. Loại giám sát định kỳ (có thể là 5 năm 1 lần) tiến hành đánh giá kết quả của Quy hoạch và tác động của nó đến mục tiêu đặt ra ban đầu, gọi là giám sát hiệu quả. Mỗi loại giám sát có yêu cầu, tổ chức và phương pháp tiến hành riêng, nhưng đều quan trọng và bổ sung cho nhau, bảo đảm đưa được Quy hoạch vào cuộc sống.
Tóm lại, Bước 5 "Thực hiện và Giám sát" gồm các hành động sau:
-   Tổ chức thực hiện các nội dung của Quy hoạch đã được phê duyệt;
-   Lên kế hoạch giám sát việc thực hiện Quy hoạch;
-   Tiến hành giám sát quá trình và/hoặc;
-   Tiến hành giám sát hiệu quả;
-   Tổng kết rút kinh nghiệm nhằm hoàn thiện Quy hoạch.
-         Bản Quy hoạch được phê duyệt bao gồm sự phân công nhiệm vụ và các bản đồ đi kèm;
-         Cơ sở dữ liệu GIS về các thông tin liên quan đến Quy hoạch;
-         Các sản phẩm khác, bao gồm một số tài liệu sử dụng trong quá trình quy hoạch, các tài liệu giám sát và những tài liệu liên quan khác.
1.   Các cơ sở khoa học và thực tiễn, đặc biệt quy trình chung xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đã được trình bày, tuy là kết quả ban đầu, nhưng bảo đảm tính khoa học, hệ thống, nhất là tạo được cơ sở để thời gian tới trực tiếp thực hiện việc quy hoạch bảo tồn.
2.   Quy hoạch đa dạng sinh học là xác định khung về nội dung, phân bố không gian và kế hoạch thực hiện bảo tồn ĐDSH theo thời gian của các hoạt động bảo tồn khác.
3.   Quy hoạch Đa dạng sinh học là công cụ thiết yếu để quản lý hiệu quả từng khu bảo tồn và cả toàn bộ hệ thống bảo tồn thiên nhiên quốc gia.
4.   Quy hoạch bảo tồn ĐDSH của cả nước phải căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; quy hoạch sử dụng đất của cả nước; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực .
5.   Quá trình lập quy hoạch thường được chia thành 5 bước: Chuẩn bị, Đề xuất quy hoạch; Lập Quy hoạch; Phê duyệt; Thực hiện và Giám sát.
6.   Có 3 nhóm , 3 chủ thể chính tham gia xây dựng quy hoạch bảo tồn với vai trò và trách nhiệm khác nhau: cơ quan thẩm quyền, tổ công tác liên ngành và cộng đồng .
 
1.      Ban Soạn thảo BAP., 2002. Đánh giá việc thực hiện kế hoạch hành động đa dạng sinh học (BAP) từ 1995 đến 2002 (Dự thảo). Tài liệu Bộ KHCN&MT, Cục Môi trường, Đại học QG Hà Nội. 22 tr.
2.      Bộ KHCN&MT, Cục Môi trường, 2000. Kế hoạch Quốc gia về Bảo vệ Môi trường, giai đoạn 2001-2010.
3.      Bộ KHCN&MT, 2001. Chiến lược Nâng cao nhận thức Đa dạng sinh học của Việt Nam giai đoạn 2000-2010
4.      Bộ KHCN&MT, 2002. Báo cáo hiện trạng môi trường năm 2002. Báo cáo trình Quốc Hội.
5.      Bộ TN&MT, 2004. Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
6.      Bộ TN&MT, Cục Bảo vệ môi trường, 2005. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia-Chuyên đề ĐDSH.
7.      Bộ TN&MT, WB, SIDA, 2005. Báo cáo diễn biến môi trường Việt Nam 2005-Đa dạng sinh học.
8.      Bộ TN&MT, 2008. Báo cáo quốc gia lần thứ 4 về thực hiện Công ước ĐDSH. Tài liệu Cục Bảo tồn.
9.      Bộ Thuỷ sản, 1996. Nguồn lợi thuỷ sản Việt Nam. NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
10. Chính phủ CHXHCNVN & Dự án VIE/91/G31,1995. Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt nam. Hà nội.
11. Chính Phủ CHXHCN Việt Nam, 2002. Phát triển bền vững ở Việt Nam. Mười năm nhìn lại và con đường phía trước. Báo cáo của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững, Johanesburg, Nam Phi.
12. Chính phủ CHXHCNVN, 2008. Phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến 2020
13. Chính phủ CHXHCNVN. Luật Đa dạng sinh học. NXB. Hồng Đức
14. Chương trình Birdlife International và Viện Điều tra quy hoạch rừng, 2000. Thông tin các khu bảo vệ hiện có và đề xuất ở Việt Nam, tháng 1/2001.
15. Chương trình KHCN. 06, 2003. Biển Đông, Tập I. Khái quát về biển Đông; Tập IV. Sinh vật và sinh thái biển. Nhà xuất bản Đại học quốc gia.
16. Cục Môi trường, IUCN., 1999. Tăng cường thực hiện kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam: Đánh giá các vấn đề và các yêu cầu ưu tiên. 32 trang
17. Bộ NNPTNT, 2002. Chiến lược quản lý hệ thống khu bảo vệ tại Việt Nam (giai đoạn 2002-2010).
18. Vũ Văn Dũng, 2005. Đánh giá tình hình Xây dựng và quản lý Rừng Đặc dụng (Các khu Bảo tồn trên cạn) của Việt Nam. Tài liệu Cục BVMT.
19. IUCN,1994. Guidlines for Proteted Area Managed Categories.Word Conservation Monitoring Centre Publication
20. Hồ Thanh Hải, Mai Đình Yên và nnk., 2007. Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn thuỷ sản nội địa ở Việt Nam. Tài liệu Viện STTNSV, Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
21. Đào Hạp, 1999. Bảo tồn nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật. Tuyển tập các báo cáo KH tại Hội nghị MT toàn quốc năm 1998: 1048-1054.
22. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2007.Kế hoạch Hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 yjuwcj hiện Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học.
23. Nguyễn Chu Hồi và nnk., 1998. Cơ sở khoa học quy hoạch các khu bảo tồn biển. Tài liệu Cục Môi trường.
24. Adrian G.Davey,1998.National System Planning for Protected Areas. WCPA/IUCN.
25. Dang Huy Huynh, Ho Thanh Hai, Nguyen Dac Hy, Tran Lien Phong, Tran Hong Ha, Hoang Thanh Nhan, 2000. Report of the country's need assessment on capacity development for biodiversity conservation of Vietnam. Document of IBER, NEA, GEF Vietnam.
26. IUCN, NEA, 2000. Tăng cường thực hiện kế hoạch hành động ĐDSH của Việt Nam: Đánh giá và các vấn đề và các ưu tiên. Tài liệu Cục Môi trường, Bộ KHCN&MT.
27. Võ Quý, 1999. Tăng cường sự tham gia của nhân dân địa phương trong việc quản lý các khu bảo tồn và bảo vệ ĐDSH. Tuyển tập các báo cáo KH tại Hội nghị MT toàn quốc năm 1998: 1446-1450
28. Phạm Bình Quyền, Nguyễn Nghĩa Thìn, 2002. Đa dạng sinh học. Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội.
29. Nguyễn Ngọc Sinh, P. McNamee, Trần Minh Hiền, 2001. Chiến lược quốc gia về quản lý môi trường biển và ven biển ở biển Đông, giai đoạn 2 (ADB 5712-REG). Tuyển tập báo cáo KH Hội nghị KH “Biển Đông 2000”. Nhà xuất bản Nông nghiệp: 21-26.
30. Thái Văn Trừng,1998.Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam. NXB. Khoa học và Kỹ thuật.
31.World conservation Stratery, 1980.
 
 
 
 

Lượt xem: 2907

Các tin khác

Bài 8 (5 Tet): Mở rộng hoạt động xã hội, chia sẻ khó khăn với nhân dân.

(12/02/2018 01:57:PM)

Cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước – Mười năm một chặng đường

(11/06/2013 08:14:PM)

Một số hình ảnh lễ tổng kết 10 năm và trao giải lần thứ 10 Cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước

(11/06/2013 06:38:AM)

Mười năm cùng cố gắng vì môi trường nước

(10/06/2013 10:48:AM)

Mời tham dự Lễ tổng kết 10 năm Cuộc thi và trao giải Cuộc thi Nước lần thứ 10

(04/06/2013 07:23:PM)

Một vài thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây (9)

(03/05/2013 04:10:AM)

Một vài thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây (8):

(30/04/2013 08:31:PM)

Một số thông tin về Cuộc thi nước những năm trước đây (7)

(30/04/2013 03:20:PM)

Một số thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây: (6) : 2008-2009

(28/04/2013 08:25:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE