Thư của phóng viên-TNV Đoàn đạp xe Xuyên Việt 2011 gửi về từ Thanh Hoá gửi về.
Tĩnh Gia, huyện cuối phía Nam của tỉnh Thanh Hoá trên chặng đường xuyên Việt của tôi. Có lẽ, nó cũng chỉ là một vùng đất, một địa danh như bao nhiêu nơi khác mà chúng tôi đi qua, nếu như không có những ấn tượng sâu sắc về nó.
Tôi biết, trong tôi, trong bạn đều có chút gì đó “gợn gợn” khi nghĩ về vùng đất Thanh Hoá. Đó là lối suy nghĩ “vơ đũa cả nắm”, khi mà một số người Thanh Hoá không tốt đã để lại những ấn tượng xấu cho du khách mỗi khi ghé thăm. Song, qua chuyến xuyên Việt lần này, tôi thật sự thấy yêu mến quê hương Thanh Hoá, một vùng quê vô cùng yên bình, cụ thể ở đây là huyện Tĩnh Gia.
Cái tên “Tĩnh Gia” có ý nghĩa là gì? Đó là câu hỏi tôi đã đặt cho anh Lê Hồng Thanh, phó Chánh văn phòng huyện uỷ Tĩnh Gia và anh Đoàn Thanh Chung, chuyên viên phòng Tài nguyên Môi trường của huyện. Các anh có vẻ phân vân không biết trả lời thế nào. Vậy thì cứ tạm hiểu theo cách của tôi: đó là một ngôi nhà yên tĩnh, yên bình. Quả thực như vậy, các đồng chí lãnh đạo huyện đã tiếp đón chúng tôi như những người con của quê hương. Chúng tôi không hề cảm thấy có chút nào xa cách nữa. Mặc dù, đoàn đạp xe đến Tĩnh Gia vào ngày chủ nhật nhưng đồng chí phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dương vẫn có mặt trong buổi đón tiếp đoàn.
Cũng thông qua những cuộc trò chuyện chân tình với các chú, các anh lãnh đạo huyện mà tôi đã hiểu thêm rất nhiều về lịch sử cũng như truyền thống anh hùng của địa phương này. Nằm trên tuyến đường huyết mạch Bắc Nam, Tĩnh Gia là nơi bị đánh phá ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ. Đế quốc Mỹ muốn cắt đứt con đường chi viện của miền Bắc cho tiền phương lớn miền Nam, không có cách nào khác là phải phá hỏng những cây cầu, bến phà trên địa phương này. Vì thế mà những cái tên như cầu Ghép, cầu Gỗ, cầu Còng,… đã gắn liền với những chiến công anh dũng của quân và dân Tĩnh Gia. Đúng như cách nói của đồng chí phó chủ tịch huyện “Tĩnh Gia – một thời đạn bom, một thời hoà bình”.
Ngày nay, hoà trong xu hướng công nghiệp hoá của cả nước, đất Tĩnh Gia cũng đang vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Điều đặc biệt của Tĩnh Gia là đa dạng cơ cấu kinh tế: bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp. Trên địa bàn huyện có khu kinh tế Nghi Sơn – một khu kinh tế trọng điểm của khu vực Bắc Trung Bộ. Đồng thời, một dự án xây dựng sân bay tại Tĩnh Gia cũng đang được triển khai, hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho mảnh đất này.
Đã trải qua khói lửa chiến tranh, và đang từng bước hội nhập với nền kinh tế đất nước, Tĩnh Gia có rất nhiều tiềm năng cần phải được đánh thức. Lãnh đạo huyện có gửi lời mời tới những sinh viên là thành viên đoàn đạp xe, hãy cố gắng học tập và mai sau về đây xây dựng kinh tế địa phương. Mặc dù còn là một huyện nghèo, nhưng UBND huyện đã đón tiếp chúng tôi vô cùng nồng hậu. Trong buổi giao lưu, rất nhiều bài hát cách mạng đã được cất lên như “Sợi nhớ, sợi thương”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Nắng ấm quê hương”,… đồng thời những ca khúc về thanh niên, tuổi trẻ cũng được hai đơn vị hát hết mình. Đối với tôi, đây là một buổi giao lưu vui nhất từ đầu chặng đường xuyên Việt đến nay :)
Ngày mai, chúng tôi sẽ tạm biệt Thanh Hoá, tạm biệt Tĩnh Gia để tiếp tục hành trình xuyên Việt của mình. Những ấn tượng về huyện Tĩnh Gia yên bình, mến khách sẽ còn mãi trong tôi. Nếu ai có về Tĩnh Gia, cho tôi xin gửi vài lời: “It’s great!”
Tĩnh Gia 17/7
Hoàng Dương