Đi lên vùng cao, cứ ở đâu có nguồn nước, sông suối thì ở đó có bản, có làng. Vùng đồng bằng cũng vậy, đô thị nào mà chẳng nằm cạnh một dòng sông. Hà Nội, thành phố trong sông này, khởi thủy chắc là một cái làng, rồi đông hơn thành nhiều làng.
Ở thời ấy sông cũng là đường chính, tàu bè qua lại buôn bán. Hà Nội thành một cái làng - chợ, chợ - làng, mỗi làng một chợ, rồi chợ to bán buôn của nhiều làng. Hà Nội là kẻ chợ.
Từ làng lên phố
Đi về mấy làng cổ sót lại ở vùng đồng bằng Bắc bộ sẽ thấy cấu trúc đường làng ngõ xóm với cấu trúc phố, ngõ ngách là một. Phố là trục, nhánh là ngõ ngách. Phố thì ít, ngõ ngách mới nhiều. Ngõ ngách là kho chứa nguyên vật liệu, thành phẩm, nơi ở và sản xuất. Phố với những cửa hàng mặt tiền nhà ống, cửa gỗ bức bàn chỉ là nơi bán sản phẩm. Bởi vì phố cổ Hà Nội là phố phường, phường nghề, phố nghề.
Mỗi phố mỗi nghề, 36 phố 36 nghề. Phố nào làng đó. Ban đầu là mang hàng ở làng ra chợ bán cho dân kẻ chợ, về sau sản xuất ngay tại chỗ, tại chợ. Nên mới thấy có những cặp đôi phố - làng: Hàng Trống - Liêu Thượng, Lò Rèn - Hòe Thọ, Hàng Hòm - Hà Vĩ, Hàng Mành - Giới Tế.
Chẳng cứ trước đây, nay vẫn vậy. Nghề tổ của làng Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) là làm thuốc bắc, thuốc nam và nghề da, nhiều gia đình ở phố Lãn Ông và Hà Trung (quê gốc Ninh Hiệp) làm các nghề này. Ngõ ngách của phố Lãn Ông vừa là nơi sao tẩm, tán, sắc, chế biến, đóng gói thuốc vừa là nơi ở, mặt tiền chỉ là nơi bắt mạch kê đơn, bốc thuốc.
Ngõ là chính, phố có khi chỉ là phụ. Bằng chứng là nhiều đình chùa, đền miếu cổ của khu 36 phố nằm trong ngõ. Ngõ Tạm Thương có đình Yên Thái thờ Ỷ Lan, ngõ Hàng Hành có đình Phả Trúc Lâm, ngõ Quỳnh có chùa Quỳnh Lôi, ngõ Phất Lộc có đình Phất Lộc và đền Tiên Hạ, ngõ Huy Văn có chùa Huy Văn, nơi sinh vua Lê Thánh Tông...
Ngõ già, phố trẻ.
Ngõ thì tĩnh, phố thì động.
Làng cổ nào cũng phải có đình, chùa, đền. Những ngõ Hà Nội có những không gian tín ngưỡng này chứng tỏ ngõ mới là gốc, phố là ngọn.
Bức chân dung khác của Hà Nội
Tuy nhỏ bé, chật hẹp nhưng điều đó lại tạo nên nét duyên kín đáo của ngõ. Hà Nội có nhiều ngõ, mỗi ngõ mỗi vẻ, ngõ một đầu (ngõ cụt), ngõ hai đầu, lại có ngõ ba đầu, bốn đầu. Chính cái hun hút tối của ngõ lại mang đến sự quây quần, ấm cúng, chung đụng chia sẻ, nhờ vả cởi mở - đó là cái chất hàng xóm tối lửa tắt đèn rất cần thiết để chống lại nhịp sống gấp gáp, lạnh lùng, khép kín của hôm nay.
Ngõ thì chung, đấy là không gian sinh hoạt cộng đồng hình thành tự nhiên mà phố không có, phố chỉ là nơi người ta đi lại, lướt qua nhau, nơi xã giao buôn bán... Ngõ không phải là đời sống Hà Nội cô đọng mà là sự cô đọng đã được cô đọng thêm lần nữa. Cái va chạm, hối hả, chen chúc trong không gian chật hẹp của ngõ làm Hà Nội đậm đặc thêm trăm lần.
Suy cho cùng, cấu trúc nhà hình ống của phố với nhiều gia đình (cùng hay không cùng huyết thống) sống trong đó chẳng qua cũng là một ngõ nhỏ. Mà có lẽ cả khu phố cổ với những đoạn ngắn, hẹp, lắt léo, chằng chịt, chia cắt rất tự nhiên đó mới chính là ngõ chứ không phải phố. Ngõ Trạm hay phố Trạm? Ngõ Ấu Triệu hay phố Ấu Triệu? Ngõ Hàng Hành hay phố Hàng Hành? Hay đổi cách gọi ngõ thành phố chỉ nhằm thỏa mãn cái mốt thích to?
Chất Hà Nội đặc trưng và hàm súc nhất chính ở ngõ. Ngõ là bức chân dung - chứng minh thư của Hà Nội. Ngõ cũng như người, vui và buồn, mơ mộng và thực tế, cơm áo với khách thơ... Ngõ là một tiểu Hà Nội như cái tiểu vũ trụ - con người vậy.
Về hình thức, ngõ là một nhánh của phố, ngõ có nghĩa là nhỏ, ở phía sau. Nhưng thực chất thì ngược lại, ngõ là xương cốt của phố, là nơi có một đời sống thực, có những câu chuyện thực. Đó chính là một khuôn mặt khác của Hà Nội - một khuôn mặt thực, khuất lấp nhưng đầy sôi động.
(Tuổi Trẻ)