quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
CÂY DI SẢN VIỆT NAM

Chuyện kỳ lạ về 5 cây thị 600 tuổi (?)

Thứ Ba, 12/04/2011 | 04:13:00 PM

Theo cuốn gia phả dòng họ Lê thì cách đây khoảng 600 năm, Nghi Thịnh, Nghi Lộc, Nghệ An và các vùng lân cận lúc đó còn hoang sơ lắm. Bỗng có một trận đại hồng thủy tràn qua, nhấn chìm tất cả nhà cửa, cây cối, biến nơi này thành một vùng cát trắng hoang vu; duy chỉ có 5 cây thị vẫn sống xanh tươi, hoa trái nở rộ bốn mùa.

 
Những cây thị cổ xưa ở Nghi Thịnh.
 

 

Huyền tích thị cổ thụ buộc voi nghĩa quân
Chúng tôi đến thăm người đàn ông chủ nhân hiện tại của 5 cây cổ thụ quý này, vào một ngày nắng ấm hiếm hoi của tháng ba. Đón chúng tôi với nụ cười trên môi và lời nói đùa thay cho lời chào: "Tụi bây là phóng viên phải không? Nhìn tay xách, tay mang là bác biết rồi". Tác phong khỏe mạnh và thân thiện của bác Lê Minh Thưởng, tộc trưởng dòng họ Lê, mang đến cho chúng tôi một cảm giác cởi mở và dễ gần.

 

Dường như đã quen với việc tiếp khách đến thăm những cây cổ thụ này, nên ông Thưởng vào việc rất nhanh. Chúng tôi chỉ mới giới thiệu qua mục đích của chuyến ghé thăm này, thì ông đã nói luôn: "Không để mất thời gian của tụi bây, bác cháu ta cứ ra vườn, vừa ngắm cây bác vừa kể chuyện cho mà nghe". Theo chân ông, chúng tôi được mục sở thị 5 cây cổ thụ tồn tại nhiều trăm năm tuổi, vẫn xanh tốt với thời gian. Qua giọng kể trầm bổng của ông, câu chuyện xưa cũ như được tái hiện lại.
Vào thế kỷ thứ 16, Đô đốc Lê Văn Hoan được điều vào Nam lãnh đạo nghĩa quân ra Bắc dẹp giặc. Trên đường chinh chiến, trong lúc dừng chân nghỉ tại một làng quê, ông đã lệnh cho lính buộc đàn voi nghĩa quân vào 5 cây thị mọc gần đó. Sau khi dẹp được giặc lập công lớn, ông được vua phong chức Đại nguyên soái Lê Quý Công. Câu chuyện lịch sử như một thiên cổ tích ấy đã đi qua hơn 600 năm, nhưng hôm nay về đây (xóm 2, xã Nghi Thịnh, Nghi Lộc, Nghệ An), đứng dưới 5 gốc cây thị năm xưa (giờ đã thành cổ thụ), huyền tích cổ xưa như đang về rất gần.
 ông tổ nhà họ Lê, sau khi lập công lớn được phong tước, trong một lần ra Bắc, dừng chân thăm lại nơi cũ. Khi ngồi nghỉ dưới gốc cây, thấy chim chóc về ăn quả nhiều, ông cũng ăn thử thấy quả ngon ngọt, mà chỉ cần một quả đã no, ông lấy làm lạ. Đất lành chim đậu, lại thấy cảnh ở đây thanh bình, ông tổ họ Lê đưa một số thân nhân của binh sĩ đến vùng đất này sinh cơ lập nghiệp. Những lần đưa quân ra Bắc vào Nam để đánh giặc, Đại nguyên soái đều ghé thăm những cây thị, thật kỳ lạ là sau đó đều giành được thắng lợi. Vì vậy Lê Công Hoan đã cho lập tại đây một ngôi đền để ghi ơn 5 cây thị. Năm 1965, bom đạn đế quốc Mỹ đã thiêu trụi ngôi đền, nhưng 5 cây thị vẫn còn nguyên vẹn. Từ đó đến nay, những cây thị này vẫn kiên cường thể hiện sức sống trơ gan cùng tuế nguyệt, chứng kiến bao biến cố thăng trầm của quê hương.
Trải qua nhiều thế kỷ, đi cùng đất nước hết cuộc kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, 5 cây thị cổ thụ vẫn sừng sững như một nhân chứng của thời gian.
Chứng tích lịch sử

Nếu ông Thưởng không giới thiệu thì ít ai biết rằng 5 cây quý này đã từng cưu mang, cứu sống biết bao nhiêu người dân trong nạn đói lịch sử năm 1945. Rồi những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, hàng chục, hàng trăm lượt đơn vị bộ đội đã trú quân dưới những gốc thị già trước khi hành quân vào Nam chiến đấu.

Chỉ tay vào gốc cây cổ thụ to nhất, ông Thưởng sôi nổi kể: “Những năm kháng chiến chống Mỹ (1965 - 1966), dưới cái hốc này là một hầm chỉ huy. Lãnh đạo Quân khu 4 đã từng ngồi đây chỉ huy bắn rơi máy bay địch. Còn trong cái vườn này là cả một hệ thống giao thông hào nối liền ra Quân khu 4”.
5 cây thị với những tên gọi khác nhau, mang trên mình những hình dáng khác nhau nhưng có cùng chung một đặc điểm là trên mỗi thân cây đều lưu lại dấu tích của lịch sử.
Ngay từ lúc bước ra vườn, ông Thưởng đã dẫn chúng tôi đến cây thị có tuổi đời cao nhất với tên gọi cây thị hồng. Giải thích cho tên gọi này, ông Thưởng bảo sở dĩ có tên như vậy là do quả của cây này khác với đặc trưng của loài thị. Quả thị vốn màu vàng tươi, nhưng riêng quả của cây thị này lại có màu hồng. Thân cây là một cái hốc rỗng, to, chính là cái hầm quân sự đã nhắc ở trên.
Chỉ về phía cây thị cổ trước cửa nhà thờ họ Lê, ông Thưởng nói tiếp: "Đây là cây thị nu hay còn gọi là cây thị họ. Quả của nó rất to, nhưng khi mới hái xuống thì không ăn liền được, giấu vài ngày rồi đưa ra ăn thì lại rất ngon, ngọt. Năm 1968, giặc cho nổ bom san bằng nhà thờ họ bên cạnh nhưng cây thị mọc gần đó vẫn không vấn đề gì".
Cách cây thị nu không xa là một cây thị có thân cây cực kỳ đặc biệt. Cứ phải nhìn tận mắt mới thấy được cái tồn tại mãnh liệt của cây. Thân cây này bị khoét rỗng một nửa, thân hiện giờ chỉ như một tấm gỗ chữ C. Trong những năm chiến tranh, nhằm bịt khói che mắt địch, người dân đặt bếp trong thân cây để nấu ăn cho nên thân bị cháy hết nửa cây nhưng đến giờ vẫn tươi xanh.
Một số khách du lịch có dịp ghé qua để mãn nhãn đều khẳng định đây là những cây thị có bề rộng lớn nhất khu vực Đông Nam á (?).
Sự ngẫu nhiên kỳ lạ
Mặc dầu nơi đây là trọng điểm ném bom, bắn phá của máy bay Mỹ, và ngay xung quanh gốc cây thị hồng, hàng chục tấn bom đạn vẫn đang được chôn chặt trong lòng đất, không một tấc đất nào ở đây không bị cày xới, nhưng chưa từng có quả bom nào rơi xuống khu vực có 5 cây thị. Nhà họ Lê đã truyền từ đời này sang đời khác cho con cháu như một chứng tích của lịch sử và tâm linh.
5 cây thị cổ thụ trên được trồng theo hình sao Bắc Đẩu đã gắn liền với sự phát triển của dòng tộc họ Lê. Từ đó đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thời gian, tính đến đời ông Lê Minh Thưởng cũng đã là đời thứ 17.
Trước đây, tổ tiên dòng họ Lê ở Nghi Thịnh vẫn dùng loại quả từ các cây thị cổ xưa để lên bàn thờ thắp hương cho gia tiên, họ tộc. Đến nay, thói quen này vẫn được người dân ở đây phát huy. Bắt đầu kết quả từ cuối tháng 6 và kịp chín để dâng lên bàn thờ tổ tiên đúng dịp rằm tháng 7. Quả thị khi chín thơm nức cả một góc vườn, nhưng độc đáo ở chỗ là trước rằm tháng 7, quả dù chín độ nào cũng không bị sâu thối. Ngoài rằm tháng 7, bổ quả thị ra sẽ thấy ngay.
Đến xóm 2 xã Nghi Thịnh hôm nay, hầu như mỗi gia đình đều trồng ít nhất 1 cây thị đủ các độ tuổi, 1 năm, 2 năm, có cây 10 năm tuổi. Dường như trên mảnh đất này, những cây thị đang vươn mình sinh sôi. Tuy lấy giống từ những cây thị cổ nhưng không cây nào có quả thị vị giống như quả thị trong vườn nhà họ Lê.
Chủ nhà và khách mải mê với câu chuyện xưa mà quên mất mặt trời đã lên quá đỉnh sào. Chúng tôi lục đục chào ông Thưởng ra về, mà không quên hẹn một ngày tháng 7 đến... xin thị. Bước ra khỏi khu vườn nơi 5 cây thị cổ thụ an tọa, tôi cứ có cảm giác như mình vừa bước ra khỏi câu chuyện lịch sử xưa cũ.

Hắc Vân - Trang Oanh

Một số người cho rằng ông Thưởng là người dị tính khi có một đại gia đến trả 7,5 tỷ đồng cho 5 cây thị nhưng ông không bán. Những chia sẻ rất thật của ông khiến những người thuộc thế hệ trẻ chúng tôi cảm phục: Bác chỉ mong Nhà nước công nhận 5 cây cổ thụ này là di sản, để có những chính sách bảo vệ hợp lý. Sau này còn có nhân chứng lịch sử để kể cho con cháu biết về mảnh đất này, về tổ tiên. Bác là đời thứ 17 rồi, mà vẫn giữ được cây thì đến đời chắt chít mình hi vọng chúng nó còn giữ được.

(Nguồn: Đời sống & Pháp luật)

Lượt xem: 2172

Các tin khác

Cây cổ thụ kỳ lạ vùng chân núi Tam Đảo được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(24/02/2025 07:31:AM)

Cây Rỏi mật đầu tiên ở nước ta được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(22/02/2025 06:19:PM)

Cây Gạo huyền thoại thôn Tân Mỹ – biểu tượng lịch sử và văn hóa được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam

(16/02/2025 10:31:PM)

Cây Ruối khổng lồ của tỉnh Hải Dương được vinh danh Cây Di sản Việt Nam

(16/02/2025 09:57:PM)

Những cây cổ thụ quý hiếm của tỉnh Yên Bái được công nhận Cây Di sản Việt Nam mở đầu Lễ hội đầu Xuân

(16/02/2025 09:56:AM)

Cây Đa Đình Giải: biểu tượng xanh trường tồn nhận danh hiệu Cây Di sản Việt Nam

(05/02/2025 03:50:PM)

Một số hình ảnh Cây Di sản đầu tiên được công nhận đầu Xuân Ất Tỵ

(05/02/2025 11:29:AM)

Cây Di sản đầu tiên được công nhận đầu Xuân Ất Tỵ

(05/02/2025 08:25:AM)

Những điều bí ẩn về cây đa hơn 200 tuổi ở Đắk Lắk

(04/02/2025 07:23:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE