Chuyên gia François Gemenne: Hàng triệu người VN sẽ phải di cư vì biến đổi khí hậu
TT - François Gemenne là giám đốc nghiên cứu của Viện Khoa học chính trị Paris, một chuyên gia hàng đầu về khí hậu và di dân. Trong hai năm 2008, 2009, ông đã cùng nhóm của mình tiến hành một nghiên cứu dài hơi về hậu quả của biến đổi khí hậu tại VN để tìm ra những giải pháp cho vấn đề này.
 |
Đứng trước sân nhà đầy... nước biển, bà Mai Thị Vân (64 tuổi, ấp Phước Hòa, xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, Bến Tre) tỏ ra bất lực: “Nhà cách biển mấy cây số mà cũng bị ngập mặn thế này làm sao sống hở trời?”. Bà Vân có 1.000m2 lúa đang ngậm sữa nhưng triều cường ngày 3 và 4-12 đã đưa nước biển vào ruộng gây thiệt hại trắng - Ảnh: Vân Trường |
Phỏng vấn của cộng tác viên Tuổi Trẻ.
* Thưa ông, kết quả nghiên cứu tại VN ra sao?
 |
Nhà nghiên cứu François Gemenne |
- Sau khi cân nhắc mọi số liệu khoa học có được cũng như những dữ kiện thu thập tại địa bàn, tôi có thể khẳng định VN sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ tình trạng khí hậu ấm lên. Đó là chuyện nước biển dâng, khô hạn và những thiên tai khác như bão lũ mà hậu quả sẽ làm đảo lộn nhiều lĩnh vực: kinh tế, dân số, xã hội.
* Ông có thể dẫn một ví dụ cụ thể?
- Nhóm chúng tôi đã làm việc rất kỹ tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ở đó, dân quen sống với nước nổi từ lâu đời. Họ tổ chức cuộc sống và làm ăn theo mùa nước. Vấn đề hiện nay là nước lũ trở nên khó đoán, thường xuyên hơn và kéo dài lâu hơn. Tình trạng đó làm đảo lộn cuộc sống của họ, gây thiệt hại kinh tế và làm tổn hại tinh thần. Hãy thử tưởng tượng đến năm 2025 khi nước dâng thường xuyên hơn, những người dân đó sẽ sinh sống ở đâu, sẽ làm gì để sống?
* Những người dân mà ông gặp đã ý thức được về thảm kịch khí hậu đó chưa?
"Cần nhớ rằng trận bão Katrina tàn phá bang Louisiana là vì người Mỹ đã phá rừng đước để xây dựng"
|
- Thật ra lúc này họ đã nhận ra. Người dân vùng ĐBSCL đã thấy tình trạng nước biển xâm nhập sâu hơn lúc trước. Thu nhập kinh tế của họ bị giảm không chỉ vì nước biển xâm nhập mà còn vì những trận bão mạnh liên tục. Họ biết tương lai sẽ tệ hơn nhưng vẫn có thái độ phó mặc cho trời đất. Đó là điều không tốt để cải thiện tình hình. Cần phải ứng phó ở cấp độ địa phương, trong cách sống mỗi ngày, chứ không phải thụ động chờ đợi người khác quyết định giúp mình.
* Các cấp chính quyền ở VN đã ý thức rõ về tình hình?
- Đã rất rõ. Chính quyền cấp cao đã hiểu là phải làm gì đó. Ngay lúc này cũng như trong tương lai. Nhưng chính quyền vẫn chưa biết rõ phải làm cái gì trước cái gì sau và chỉ mới chú ý đến thiệt hại kinh tế mà chưa có tính tổng thể. Ý tôi muốn nói đến khía cạnh xã hội theo nghĩa rộng. Tình trạng quan liêu sẽ khó tạo được hành động phối hợp hợp lý. Hành động của cấp chính quyền địa phương là không đủ tầm và thường chỉ ứng phó theo ích lợi cục bộ địa phương, trong khi hành động ứng phó phải có tầm cấp tỉnh, quốc gia, vùng và toàn cầu.
 |
Tuổi Trẻ là một trong 56 tờ báo của 45 nước trên thế giới tham gia chiến dịch truyền thông về biến đổi khí hậu
|
* Vậy theo ông, cách ứng phó tốt nhất là gì?
- Đó phải là một kế hoạch phối hợp mang tính tổng thể. Từ bây giờ phải giảm lượng khí thải bằng cách tăng sử dụng năng lượng sạch và những kỹ thuật sản xuất ít gây ô nhiễm. Đi lại bằng xe công cộng nhiều hơn. Trồng cấy nên hợp lý theo kiểu truyền thống và sử dụng càng ít phân bón hóa học càng tốt vì phân bón thải ra khí azote.
Hãy định lại chiến lược nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa để không lệ thuộc chỉ vào gạo hoặc cà phê cho xuất khẩu. Tình trạng độc canh thường gây thiệt hại do quá lệ thuộc vào giá thế giới và diễn biến khí hậu. Tăng cường bảo vệ các khu rừng đước và rừng rậm. Những hệ sinh thái này sẽ giúp giảm sốc trước tình trạng khí hậu ấm lên. Đó là ưu tiên hàng đầu.
Cũng cần nhớ rằng hàng triệu người VN sẽ phải di dời vì khí hậu. Tìm chỗ an cư cho họ chỉ là một chuyện. Ngay từ bây giờ cần tính đến những kế hoạch đào tạo và giáo dục, để trong tương lai những con người đó biết làm gì để sinh sống. Chính quyền càng cần đặc biệt lưu tâm đến người nghèo. Những đối tượng ít được bảo vệ này chắc chắn sẽ hứng chịu trước tiên những biến đổi trong vài năm tới. Xét trên bình diện dân số, việc kế hoạch hóa vẫn là phương cách tốt để bảo vệ người dân ở đất nước đông dân như VN.
VÕ TRUNG DUNG thực hiện
------------------
Nước biển dâng, mức sống chìm
Nước biển dâng sẽ khiến khoảng 11% diện tích đất Việt Nam bị ngập và 9 triệu dân sẽ phải tái định cư. Đó là một thảm họa cho VN theo cảnh báo của các chuyên gia quốc tế.
 |
Tàu Mekong Eyes - Ảnh: Gia Tiến
|
Có nhiều yếu tố cho thấy biến đổi khí hậu sẽ đặc biệt gây ảnh hưởng nặng nề ở khu vực Đông Nam Á. Ông Christophe Bahuet, giám đốc Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tại VN, cảnh báo: “VN sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ thiên tai này. Sẽ có đến 11% dân số VN bị ảnh hưởng và làm thiệt hại ít nhất 10% GDP. Hàng triệu người VN sẽ rơi vào cảnh nghèo đói. Đó là một thảm kịch cho quốc gia!”.
Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không còn là những cảnh báo mơ hồ. Cuộc sống của hàng triệu con người trong khu vực Đông Nam Á đang gắn liền với những dòng sông lớn bắt nguồn từ Himalaya, như sông Mekong, sông Hồng, sông Hằng, sông Irrawaddy...
Tình trạng băng tan nhanh chóng trên dãy Himalaya sẽ làm thay đổi lưu lượng các dòng sông. Trong 2-3 thập niên nữa băng trên đỉnh Himalaya sẽ biến mất và đó là thảm kịch ghê gớm: thoạt tiên là lũ lụt dữ dội rồi sau đó là khô hạn triền miên.
Những vùng duyên hải, nhất là những vùng đồng bằng đông dân như vùng ven sông Mekong và sông Hồng, sẽ bị ngập lụt khi nước biển dâng. Nếu biết rằng ở VN, 72% dân số sống nhờ nông nghiệp mới thấy viễn cảnh 5.000km2 vùng châu thổ sông Hồng và 20.000km2 vùng châu thổ sông Mekong - tức 42% diện tích đất trồng trọt - bị nước biển đe dọa nguy hiểm đến mức nào. Điều đó có nghĩa 4,2 triệu ha đất trồng lúa cùng nhiều diện tích hoa màu khác sẽ bị mất trắng.
Theo ông Steve Price-Thomas, giám đốc Tổ chức Oxfam: “VN thuộc số những quốc gia xóa đói giảm nghèo tốt nhất, nhưng tình trạng biến đổi khí hậu sẽ đẩy lùi những thành quả đó. Tình trạng nước biển dâng, mưa lũ, đất nhiễm mặn và hạn hán đã gây hại cho bao nhiêu người và những dự báo tồi tệ về khí hậu cho thấy VN sẽ hứng chịu những viễn cảnh không hề lạc quan”.
Cuối năm 2008, các chuyên gia của Oxfam (Mỹ) đã điều tra đời sống của dân chúng tại Bến Tre và Quảng Trị. Và họ nhận thấy người dân đều thừa nhận khí hậu đã thay đổi trong 20-30 năm gần đây khiến cuộc mưu sinh của họ thêm khó khăn.
Biến đổi khí hậu cũng không tha các đô thị. Một bài viết của PGS-TS Trần Thục, viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường (VN), được Cơ quan Hợp tác khoa học Pháp đăng tải đã cảnh báo: “TP.HCM nằm trong số những nạn nhân đầu tiên của tình trạng nước biển dâng. Nếu mực nước dâng 65cm thì 128km2 của thành phố (tức 6,3% diện tích) sẽ bị nhấn chìm. Khi mực nước dâng thêm 75cm và 100cm thì diện tích thành phố bị ngập tương ứng là 204km2 và 473km2”. TP Hải Phòng cũng khó thoát viễn cảnh tương tự.
VÕ TRUNG DUNG
BBC và ba ngày dọc sông Mekong
BBC thế giới vụ đã chính thức bắt đầu dự án đặc biệt để tìm hiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long vào ngày 7-12. Chuyến đi bằng tàu ba ngày dọc sông Mekong nhằm tìm hiểu những lo ngại, giải pháp từ cơ sở, từ chính những người đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hằng ngày.
Tham gia đoàn là các chính trị gia, các chuyên gia về môi trường, đại diện các tổ chức quốc tế và các nhà báo của BBC. Dự kiến các bài tường thuật, phân tích về sự thay đổi của khí hậu và những ảnh hưởng trong tương lai tới cuộc sống của người dân khu vực, cũng như cách họ đang thích nghi với điều kiện mới sẽ được chuyển tải tới 233 triệu khán thính giả của BBC bằng các ngôn ngữ Việt, Anh, Myanmar, Trung Quốc, Indonesia và Urdu. Phóng viên báo Tuổi Trẻ cũng có mặt trên tàu.
Ngày 8-12, tàu Mekong Eyes đã đến địa phận tỉnh Tiền Giang. Đoàn đã lên cồn Thới Sơn hỏi chuyện người dân và đến thăm một trường học ở Cai Lậy, Tiền Giang để tìm hiểu về cách thích nghi với biến đổi khí hậu. Tại đây, đoàn đã triển khai dự án Save the children (Cứu lấy trẻ em) để dạy trẻ em trong vùng học bơi.
KHỔNG LOAN
-----------------
Mỹ thừa nhận khí thải đe dọa sức khỏe người Mỹ
Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã chính thức thừa nhận hiện tượng Trái đất ấm dần lên do khí thải nhà kính gây ra đang đe dọa sức khỏe người dân Mỹ.
Bà Lisa Jackson, lãnh đạo EPA, khẳng định: “Có đủ bằng chứng khoa học chắc chắn cho thấy nguy cơ này là có thật. Kết luận này xác nhận năm 2009 là năm chính quyền Mỹ bắt đầu giải quyết vấn đề ô nhiễm do khí thải nhà kính gây ra và nắm bắt các cơ hội phát triển năng lượng sạch”.
Với kết luận này, EPA sẽ có quyền ra quy định hạn chế khí thải nhà kính từ ôtô, nhà máy điện, xưởng sản xuất... mà không cần phê chuẩn của quốc hội. Theo đó, trong năm tới EPA sẽ yêu cầu các nhà máy điện, thép, ximăng... trang bị các thiết bị hiện đại để hạn chế khí thải, hoặc sử dụng năng lượng thay thế. Các hãng xe hơi sẽ phải sản xuất những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu hơn. Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs khẳng định ông Obama vẫn muốn quốc hội thông qua luật hạn chế khí thải nhà kính.
Từ Copenhagen, các nhà khoa học đã lên tiếng ủng hộ tuyên bố của EPA. Ông Rajendra Pachauri, chủ tịch Mạng lưới khoa học Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, nhận định: “Đây là một động thái cho thấy quyết tâm của Tổng thống Barack Obama. Động thái này là một tín hiệu mạnh mẽ đến Quốc hội Mỹ”.
HIẾU TRUNG (Theo CNN, AP
|
(Tuoitreonline, 9/12/2009)