quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Chùa với cuộc sống đương đại

Thứ Hai, 17/02/2014 | 05:07:00 PM

Một trong những công trình kiến trúc - nghệ thuật có đời sống lâu bền nhất trong lịch sử nước ta là chùa. Qua mọi thời đại, chùa luôn luôn tồn tại trong tâm thức nhân dân, trong các truyền thuyết và trong các công trình kiến trúc được trùng tu nhiều lần. Điểm đặc biệt là chùa ngày càng thu hút sự quan tâm và trở thành một điểm sinh hoạt văn hoá không thể thiếu của con người ngày nay, nhất là những người ở vùng nông thôn. Ngày xuân đi vãn cảnh chùa đã trở thành thói quen đẹp của người dân nước ta.

 



 

Cho tới nay, chưa thống kê được hết số lượng chùa chiền ở nước ta, nhưng chỉ tính số chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá – danh lam thắng cảnh đã có 465 trong tổng số 3.058 di tích đã được Nhà nước ta công nhận. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của chùa trong cuộc sống hiện nay.

Chùa - chỗ dựa tinh thần của con người

Chùa là công trình kiến trúc để thờ Phật, là nơi sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng của những người theo đạo Phật. Trong chùa có sư sãi, tiểu… là những người chuyên hành đạo, giữ gìn nền nếp sinh hoạt, bảo vệ sự an toàn của công trình. Tăng ni Phật tử tới chùa để tụng kinh, niệm Phật và tham gia các sinh hoạt khác theo giáo lý, giáo nếp. Tuy vậy, một đặc điểm độc đáo ở Việt Nam là có quan niệm “tu tại tâm”, rất nhiều người tuy không theo đạo Phật nhưng hành xử theo giáo lý nhà Phật và cũng thường xuyên tới chùa, sinh hoạt theo nếp nhà Phật. Bên cạnh đó, có rất nhiều người bình thường vẫn hay lui tới cửa Phật để thắp nén nhang tỏ lòng thành kính đối với các đáng siêu nhiên, cầu mong được bình an, hạnh phúc… Thế là, chùa trở thành nơi sinh hoạt tinh thần của cả cộng đồng. Nếp sinh hoạt của chùa lan toả ra đời sống xã hội, một mặt tác động đến cuộc sống của từng gia đình, mặt khác thu hút cư dân đến sinh hoạt, tạo ra một nếp sống đẹp - đẹp trong sự an bình, hiền hoà, hướng thiện. Vì vậy, chùa và sinh hoạt của chùa mang một giá trị thẩm mỹ mới trong quan niệm sống của người dân thời nay – giá trị hướng thiện, tĩnh tâm, giải toả bớt nỗi căng thẳng, bon chen, hám danh, hám lợi của cuộc sống thị trường.

Chùa – nơi lưu giữ những công trình nghệ thuật vị nhân sinh

Bản thân ngôi chùa là một công trình kiến trúc - nghệ thuật vị nhân sinh như đã giới thiệu sơ bộ ở trên. Trong ngôi chùa, lại chứa đựng các tác phẩm điêu khắc, hội họa, văn học có giá trị nghệ thuật cao, có tác động tích cực đến đời sống con người. Những tác phẩm đó bao gồm hệ thống tượng, hoành phi, câu đối, các mảng chạm khắc, các sắc phong, bia... Lan truyền từ ngôi chùa ra cuộc sống là những huyền thoại, truyền thuyết… có giá trị văn học và có ý nghĩa giáo dục con người. Có thể kể ra đây một số giá trị văn hoá - nghệ thuật là các chùa hoặc được lưu giữ ở các chùa như sau:

Ngôi chùa xưa nhất Việt Nam là chùa Pháp Vân (chùa Dâu) ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, được xây dựng vào thế kỷ thứ III ở vùng Luy Lâu (trung tâm Phật giáo Việt Nam xưa nhất). Nơi đây, năm 580, thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) sau khi đắc pháp với Tam Tổ Tăng Xán, đến mở đạo tràng, lập nên Thiền phái đầu tiên ở Việt Nam.

Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam là chùa Một Cột tại Hà Nội, còn gọi Liên hoa đài (đài hoa sen), xây trên một cột đá hình trụ cao 4m, đường kính 1,20m vào năm Kỷ Sửu 1049. Chùa liên quan đến sự tích vua Lý Thái Tông nằm mộng thấy Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen trao cho nhà vua một đứa bé. Sau đó hoàng hậu mang thai. Nhà vua cho dựng một ngôi chùa như đã thấy trong mộng để ghi nhớ.

Ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam - chùa Sùng Nghiêm (chùa Mía) tọa lạc tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, dựng vào thời Trần. Đến năm 1632, vợ chúa Trịnh Tráng là bà Nguyễn Thị Rong trùng tu. Chùa có 287 pho tượng thờ (174 tượng bằng đất nung), nổi tiếng trong số đó là những tác phẩm điêu khắc sinh động như: tượng Tuyết Sơn, tượng Di Lặc, tượng Bát bộ Kim Cương, tượng Bà Chúa Mía... Pho tượng Quan Âm tống tử thường được gọi là tượng Bà Thị Kính là một tuyệt tác, đã vào câu ca mà người dân làng Mía rất tự hào: "Nổi danh chùa Mía làng ta, Có pho tống tử Phật Bà Quan Âm".

Tượng đức Phật bằng đá thời Lý lớn nhất Việt Nam ở chùa Vạn Phúc (Phật Tích) thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nằm trên sườn núi Lạn Kha, cách Hà Nội khoảng 20 km, xây khoảng thế kỷ thứ VII - X.  Chùa được đại trùng tu thời Lý và hiện còn giữ một số tác phẩm điêu khắc thời Lý, như 10 tượng thú bằng đá gồm: sư tử, voi, trâu, ngựa, tê giác, mỗi loại 2 con (mỗi con cao khoảng 2m) nằm trên bệ hoa sen ở  bậc nền thứ hai của chùa. Điện Phật, có tượng Phật ngồi trên tòa sen cao 1,85m, kể cả bệ là 3m, là một kiệt tác điêu khắc bằng đá của Việt Nam.

Tượng Bồ Tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam ở chùa Bút Tháp tỉnh Bắc Ninh do nhà điêu khắc họ Trương tạc năm Bính Thân 1656. Tính từ đài sen lên, tượng cao 2,35 m. Đầu rồng đội tòa sen cao 30 cm. Bệ tượng cao 54 cm. Chiều ngang của cánh tay xa nhất là 2 m. Tượng có 11 đầu, 42 tay lớn và 789 tay dài ngắn khác nhau. Trong lòng mỗi bàn tay có một con mắt được chạm chìm. Các cánh tay nhỏ được xếp 6 lớp ở phía dưới đến 14 lớp ở phía trên. Đây được coi là một kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng. Ở đây có nhiều mô tip quen thuộc được trang trí ở chùa Việt Nam như hoa lá, cây cảnh cùng các con vật - trong đó có rồng - ngư với viên ngọc; lân với quả cầu; quạt hai vòng tròn, sóng nước, hoa sen... Nhìn tổng thể, tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay như những vòng hào quang toả ra từ tâm điểm.

Tượng Bồ Tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn xưa nhất Việt Nam ở chùa Thánh Ân - Hà Nội có 42 tay chính và 610 tay phụ, cao 1,32 m, kể cả bệ cao 2,31m. Tượng có nhiều nếp áo phủ xuống tòa sen. Tòa sen do một đầu rồng và hai cánh tay lực lưỡng nhô lên đỡ. Theo các nhà khảo cổ học, tượng được tạo tác thời nhà Mạc.

Quả chuông lớn nhất Việt Nam ở chùa Cổ Lễ thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định được hòa thượng Thích Thế Long cho đúc vào năm 1936, với chiều cao 4,20m, nặng 9.000 kg, đường kính miệng 2,2m, thành chuông dày 8 cm, có họa tiết cánh sen ở miệng và hoa lá, sông nước ở thân.

Chùa Tây Phương, một chùa cổ đẹp nổi tiếng ở huyện Thạch Thất thuộc tỉnh Hà Tây là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam thời Hậu Lê (thế kỷ 17-18). Trong chùa có 72 pho tượng cùng với các phù điêu có mặt tại mọi nơi. Các tượng được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng. Nhiều pho được tạc cao hơn người thật như 8 pho tượng Kim Cương và Hộ Pháp, cao chừng 3m, trang nghiêm, phúc hậu. Mười sáu pho tượng Tổ với phong cách hiện thực.

Chùa Cần Linh, còn có tên là Sư Nữ, vì các vị sư trụ trì ở chùa là nữ. Chùa được xây dựng cuối thời Lê, trên một khuôn viên rộng, đẹp, cao ráo, là nơi thờ Phật. Trong chùa có gần 100 pho tượng, trong đó bức tượng Phật Thích Ca làm bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng đặt ở trung tâm thượng điện có giá trị nhất - cả về nghệ thuật điêu khắc và niên đại ra đời. Đặc biệt bức tượng đã thể hiện được lòng từ bi, nhân ái của Đức Phật.

Chùa Keo (Thần Quang tự) ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, được xây dựng từ năm 1061. Trải qua gần 400 năm với nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo của mình. Gác chuông với bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam. Bộ cánh cửa chạm rồng là bộ cửa độc đáo của cả nước. Chùa còn bảo lưu được hàng trăm tượng Pháp và đồ tế thời Lê. Có thể nói Chùa Keo là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ 17, với nhiều kiệt tác.

Điểm qua như trên, có thể thấy bản thân các ngôi chùa cùng những di vật trong chùa thực sự là những công trình nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao và có nội dung phong phú – không những giới thiệu giáo lý nhà Phật mà còn phản ánh quan niệm sống của người đương thời, hướng vào phục vụ đời sống con người qua mọi thế hệ. Đó chính là những di sản văn hoá - nghệ thuật quý giá để con người mọi thời đại chiêm ngưỡng và nghiên cứu về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, nếp sống, phong tục… của dân tộc.

Chùa gắn với lễ hội

Việt Nam là đất nưỡc của lễ hội. Các hội làng gắn với hội chùa được tổ chức khắp nơi, tập trung vào mùa xuân và vào các dịp kỵ nhật vị sư tổ đầu tiên của ngôi chùa. Theo nhà nghiên cứu Toan Ánh, thì: Nhân dịp giỗ sư tổ này, nhà chùa làm cỗ chay trước là cúng Phật, sau là cúng sư Tổ. Cúng xong, nhà chùa khoản đãi dân làng tới lễ. Những người đi lễ, ăn bữa cơm chay, tục gọi là thụ trai, đều tự ý góp tiền bạc ít nhiều để giúp đỡ nhà chùa. Thụ trai xong, khi ra về họ được nhà chùa tặng lộc Phật gồm oản, chuối. Oản do nhà chùa đồ xôi đóng thành, còn chuối một phần do nhà chùa mua ở chợ, nhưng phần lớn do thiện nam tín nữ mang tới lễ Phật với trầu, cau, hương, nến. Trong những ngày hội chùa, các bà vãi thường tới chùa kể hạnh, nghĩa là tụng những bộ kinh nhắc lại sự tích đức Phật và chư vị bồ tát với đức hạnh của các vị. Thường các bài kể hạnh hay nhắc tới sự tích Quan Âm Thị Kính với những sự hàm oan của người.

Bên cạnh hoạt động hành lễ theo các nghi thức của đạo Phật, là các hoạt động hội hè với những trò vui như đánh đu, cờ người, cờ bỏi, v.v... Ví dụ như lễ hội chùa Vua được tổ chức vào các ngày 6 đến 9 tháng giêng âm lịch hàng năm, cùng với phần nghi lễ như ở các chùa, đền khác, nơi này diễn ra hội cờ, một sinh hoạt văn hoá - thể thao có sức lôi cuốn đông đảo công chúng. Hội chùa Cổ Lễ (Nam Định) được tổ chức từ 13 đến 16 tháng 9 Âm lịch hàng năm, có nhiều nghi thức văn hóa cổ truyền giàu tính nhân văn như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người... đặc biệt là cuộc thi bơi chải truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa.

Lễ hội (gắn với đình, chùa, đền) là nếp sinh hoạt văn hoá cổ truyền của dân tộc Việt Nam, đem lại không khí vui tươi, lành mạnh, đồng thời lại thành kính, vừa hướng vào cõi Phật từ bi, vừa hướng về cuộc sống hỉ xả nơi trần thế. Ngày nay, dù cuộc sống có bị chi phối bởi nhiều hoạt động truyền thông qua các phương tiện hiện đại, nhưng lễ hội vẫn giữ được vai trò quan trọng của nó trong đời sống con người, kể cả thành thị và nông thôn. Người ta đã thống kê có khoảng gần 400 lễ hội mang quy mô vùng hoặc toàn quốc đang được tổ chức hàng năm ở nước ta.

Chùa - một hình mẫu về quy hoạch kiến trúc

Nếu nhìn theo con mắt mỹ thuật hiện đại, thì chùa như là một điểm nhấn của một công trình nghệ thuật sắp đặt, là một hình mẫu về quy hoạch kiến trúc. Chùa gắn kết với cảnh quan môi trường, tạo nên dáng vẻ tuyệt đẹp của làng quê Việt Nam.

Quả vậy, có thể nhìn khái quát cảnh quan phổ biến của một số ngôi chùa để thấy rõ cơ sở của nhận định trên đây: Đến nơi nào có chùa, ta đều thấy chùa bao giờ cũng nổi bật lên trong sự hoà hợp với cảnh quan thiên nhiên và những công trình kiến trúc, giao thông xung quanh. Chùa thường được xây dựng ở nơi cao ráo – có thể là lưng chừng núi, hay lưng chừng đồi, hoặc là ở gò cao (thiên tạo và nhân tạo) - có ba, bốn lớp nền với một tháp cao hàng chục mét. Thiên nhiên vây quanh chùa có sông hoặc ao hồ, có cây cối xanh tươi. Ví dụ: Chùa Tây An ở Núi Sam (An Giang), chùa Non Nước (Đà Nẵng), chùa Linh Sơn (Đà Nẵng), chùa Bà Đen (Tây Ninh) đều khéo léo dựa vào thế núi và hang núi vừa tạo ra thế vững chắc, vừa tạo nên hình thể đẹp. Chùa Thầy (Hà Tây) dựa vào vách núi, phía trước có hồ rộng với nhà thuỷ đình xinh xắn, được điểm xuyết bằng hai chiếc cầu ngói Nhật Tiên, Nguyệt Tiên. Chùa Yên Tử (Quảng Ninh), gồm 10 chùa nằm rải rác từ chân núi đến đỉnh Yên Tử, phối cảnh với rừng xanh và những vách đá cheo leo, những con đường gập ghềnh, ngoằn ngoèo. Chùa Thiên Mụ (Huế) nằm trên đồi Hà Khê bên tả ngạn sông Hương; gắn liền với chùa là tháp Phước Duyên cao tới 21 mét gồm 7 tầng. Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo ở Hồ Tây (Hà Nội) có nhiều nếp nhà, sau thượng điện là gác chuông... được mặt nước Hồ Tây xanh thắm bao bọc. Nhìn chung, chùa gắn kết với các ngọn tháp, với ao hồ hoặc sông suối, với núi đồi, với các con đường, với cây cối... tạo nên những hình khối, đường nét, mầu sắc hết sức hài hoà, xứng đáng là những công trình nghệ thuật sắp đặt đạt tới độ tuyệt mỹ, với một quy hoạch kiến trúc mẫu mực, mà con người và tạo hoá là đồng tác giả.  

Cuối cùng, điều mà tác giả muốn nhấn mạnh sau khi đã nêu lên một số đặc trưng của chùa, là: bản thân các ngôi chùa cùng các di vật chứa đựng trong lòng nó là những công trình nghệ thuật có ý nghĩa nhân sinh rất lớn. Và, bản thân ngôi chùa cùng với những di vật trong chùa, lại là đối tượng của những sáng tạo nghệ thuật từ muôn đời nay. Đó là đề tài của thi ca, hội hoạ, của nhiếp ảnh và của cả công nghệ thông tin nữa… Nhờ thế, nhân loại có thêm biết bao công trình, tác phẩm nghệ thuật có giá trị, phục vụ tích cực cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của con người mọi thời đại. Có thể kể tên một vài tác phẩm tiêu biểu ở nước ta: Bài thơ “Thiên Mụ chung thanh” do đích thân vua Thiệu Trị sáng tác và được ghi vào bia đá dựng gần cổng chùa Thiên Mụ. Bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” được Huy Cận viết vào năm 1960, được in trong tập “Bài thơ cuộc đời” (1963). Đó là những bài thơ nổi tiếng xưa và nay. CD- Rom “Chùa Việt Nam - xưa và nay” của nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường đoạt kỷ lục CD - Rom có số lượng chùa và ảnh chùa nhiều nhất Việt Nam, với 522 ngôi chùa ở 57 tỉnh, thành trong nước được giới thiệu qua 7.804 tấm ảnh màu. Nói một cách khái quát, chùa là loại công trình nghệ thuật tiêu biểu, đồng thời là đối tượng của sáng tạo nghệ thuật, có vị trí đặc biệt trong cuộc sống mọi thời đại./.

Tác giả bài viết: TS. Phạm Việt Long



(Văn Hiến)




 

Lượt xem: 1681

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE