Chính sách thuế được coi là một chính sách kinh tế rất quan trọng điều chỉnh các chủ thể trong nền kinh tế, xã hội, các hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Nguồn: internet
Chính sách thuế hiện hành về bảo vệ môi trường ở nước ta
Thuế bảo vệ môi trường: Luật Thuế
bảo vệ môi trường được Quốc hội Khóa XII, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012, là văn bản duy nhất điều chỉnh một cách trực tiếp vào các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường.
Thuế bảo vệ môi trường được coi là một trong những công cụ kinh tế mang lại hiệu quả cao trong quản lý và bảo vệ môi trường. Thuế bảo vệ môi trường được xây dựng trên nguyên tắc người nào sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm phải nộp thuế. Đây là một loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hoá khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.
Hơn nữa, thuế bảo vệ môi trường cấu thành vào giá hàng hoá, dịch vụ nên có tác dụng kích thích và điều chỉnh sản xuất, tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường, thúc đẩy việc nghiên cứu tìm ra các nguồn năng lượng sạch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của con người hoặc có thể dẫn tới việc ra đời của các công nghệ, chu trình sản xuất và sản phẩm mới giảm thiểu tác hại tới môi trường.
Thuế tiêu thụ đặc biệt: Với mục đích không khuyến khích một số hoạt động sản xuất kinh doanh có sản phẩm ảnh hưởng đến môi trường, nên thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất cao đối với các mặt hàng như thuốc lá, ô tô,…
Chính sách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào các hàng hóa, dịch vụ gây ảnh hưởng không tốt đối với môi trường sẽ góp phần hướng dẫn tiêu dùng, đặc biệt là trách nhiệm của người tiêu dùng với môi trường.
Đồng thời, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất cao vào một số hàng hóa có ảnh hưởng không tốt đến môi trường có tác dụng hạn chế việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các hàng hóa này.
Thuế thu nhập doanh nghiệp: Thuế này có liên quan trực tiếp đến lợi ích của doanh nghiệp. Do đó, thông qua những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ có tác dụng khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào việc bảo vệ môi trường bằng cách áp dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại nhằm giảm thiểu các chất gây ô nhiễm thải ra môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp về mặt tài chính trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường.
Thuế thu nhập doanh nghiệp là sắc thuế trực thu đánh vào thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế của các tổ chức, doanh nghiệp. Do vậy, các quy định của sắc thuế này thường thể hiện rõ nét hơn mục tiêu điều tiết của Nhà nước và cũng có tác động rõ nét hơn đối với doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường.
Thuế tài nguyên: Thuế tài nguyên đánh vào các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác tài nguyên bao gồm các hoạt động khai thác khoáng sản, kim loại và không kim loại, dầu mỏ, khí đốt, sản phẩm của rừng tự nhiên và các loại tài nguyên thiên nhiên khác.
Mục đích của thuế tài nguyên là hạn chế các tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác và sử dụng, đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và điều hoà quyền lợi của các tầng lớp dân cư về việc sử dụng tài nguyên.
Thuế tài nguyên được thu đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác tài nguyên bao gồm các hoạt động khai thác khoáng sản kim loại và không kim loại, dầu thô, khí đốt, sản phẩm của rừng tự nhiên, hải sản tự nhiên, nước tự nhiên và các loại tài nguyên thiên nhiên khác.
Tác động của chính sách thuế hiện hành đến bảo vệ môi trường
Các quy định của chính sách thuế hiện hành đã có tác động
tích cực đến bảo vệ môi trường. Các khoản thu thuế bảo vệ môi trường góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, dùng để chi cho đầu tư giải quyết các vấn đề về môi trường, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Việc quy định ưu đãi thuế đối với lĩnh vực môi trường đã làm cho các doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc tìm các biện pháp nhằm hạn chế tác động bất lợi do hoạt động sản xuất của mình gây ra cho môi trường; quan tâm áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến để giảm bớt xả thải chất độc hại ra môi trường. Thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất, sử dụng nguyên liệu mới thay thế nguyên liệu hoá thạch để sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.
Sự ra đời của Luật thuế Bảo vệ môi trường thể hiện quan điểm nhất quán của Nhà nước trong việc sử dụng công cụ thuế để điều tiết các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm có tác động xấu đến môi trường, hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn thể cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường tự nhiên, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuy vậy, xét trên khía cạnh tác động đến bảo vệ môi trường, chính sách thuế hiện hành của nước ta còn có những hạn chế nhất định, đó là:
Trong các chính sách thuế hiện hành,
mục tiêu bảo vệ môi trường chỉ là mục tiêu lồng ghép, không phải là mục tiêu chính, nên tác dụng của chúng còn hạn chế. Việc khuyến khích đầu tư sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, khuyến khích đầu tư vào các dự án làm sạch môi trường, không thu thuế nhập khẩu hoặc thu mức thuế suất thấp khi mua các sản phẩm, thiết bị môi trường liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường chỉ góp một phần nào đó vào mục tiêu bảo vệ môi trường chứ chưa tác động trực tiếp đến hành vi tiêu dùng và hoạt động sản xuất các sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường.
Các quy định khuyến khích doanh nghiệp khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế ô nhiễm vẫn còn rải rác ở các chính sách thuế, chưa thể hiện rõ ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm, chưa khuyến khích được các doanh nghiệp trong việc nỗ lực giảm thiểu thiệt hại đối với môi trường. Bởi vì trên thực tế, các chi phí xây dựng, xử lý hệ thống giảm thiểu ô nhiễm môi trường hoặc để sản xuất sạch thường khá lớn.
Các doanh nghiệp thường chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà cố tình bỏ qua những tác hại đối với môi trường, trong khi đó chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn. Các ưu đãi về thuế chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ở góc độ doanh nghiệp và toàn xã hội, nhìn nhận về vai trò của chính sách thuế trong việc bảo vệ môi trường còn mờ nhạt, do vậy, trong chính sách và hoạt động triển khai chính sách, mặc dù đã có hướng đến mục tiêu này, nhưng cách hiểu và thực hiện của cộng đồng xã hội còn chưa triệt để.
Một số giải pháp về thuế nhằm nâng cao hiệu bảo vệ môi trường ở Việt Nam
Áp dụng chế độ ưu đãi thuế đối với những doanh nghiệp có hoạt động bảo vệ môi trường: Tập trung các biện pháp ưu đãi đối với thuế trực thu trong việc khuyến khích
giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ môi trường. Tập trung ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có sử dụng các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sạch trong sản xuất sản phẩm... Việc ưu đãi thuế trực thu này xuất phát từ cách tiếp cận về tác động khích lệ trong lý thuyết kinh tế học.
Thuế trực thu có liên quan trực tiếp tới lợi nhuận, lợi ích trực tiếp của doanh nghiệp và ưu đãi này ngầm định khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguồn tài chính để giải quyết những vấn đề chống ô nhiễm môi trường. Cụ thể, có thể áp dụng các biện pháp như:
Hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực xử lý chất thải, ô nhiễm; khuyến khích các doanh nghiệp xử lý chất thải bằng cách cho tăng gấp đôi chi phí xử lý chất thải khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, để giải pháp này phát huy được tác dụng như mong muốn, cần quy định rõ một số vấn đề như: những hoạt động nào là hoạt động xử lý chất thải và gắn với nó - những chi phí nào sẽ được tính trừ.
Tiếp tục các quy định về khuyến khích đầu tư vào các dự án làm sạch môi trường bằng cách cho áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp (10%) suốt quá trình thực hiện dự án.
Sử dụng ưu đãi thuế để khuyến khích, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch, quản lý chặt chẽ việc khai thác và sử dụng các tài nguyên thiên nhiên của đất nước
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió...nên được áp dụng cơ chế ưu đãi tối ưu như / miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo (mức ưu đãi cao nhất trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành); đồng thời, cho phép áp dụng mức thuế suất thấp như đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục/ đào tạo, y tế, môi trường - đó là mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%.
Các chi phí liên quan đến việc tìm kiếm và sử dụng nguồn năng lượng sạch cũng cho phép được tính gấp đôi khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Những ưu đãi này sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp tăng cường đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực khai thác và sử dụng nguồn năng lượng sạch.
Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp nói chung, cần có biện pháp khuyến khích việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ sạch, công nghệ mới tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.
Hiện nay, chính sách thuế của nước ta cũng đã có những ưu đãi nhất định khi cho phép các doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp với mức tối đa 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp và số tiền trích lập quỹ này được giảm trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, với một số đơn vị không phát sinh thu nhập tính thuế thì ưu đãi này không phát huy được tác dụng.
Vì vậy, có thể áp dụng các biện pháp khác nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, ví dụ như cho phép khấu trừ gấp đôi hoặc gấp 1,5 lần các chi phí mà doanh nghiệp chi ra cho hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ khi xác định chi phí được trừ để tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Với cách này, chi phí được trừ sẽ tăng lên và số thuế phải nộp vì vậy cũng được giảm đi với tỷ lệ 25% trên chi phí nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Áp dụng phương án này sẽ khuyến khích doanh nghiệp tích cực trong việc nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ.
Song song với việc ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và sử dụng năng lượng sạch, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các hoạt động khai thác tài nguyên như khai thác các loại quặng, than, dầu khí ở dạng thô.
Trong trường hợp này, thuế tài nguyên được xem như một công cụ quan trọng nhất, đang được áp dụng một cách rộng rãi và có hiệu quả cao nhất.
Đối với thuế tài nguyên, nên áp dụng mức thuế suất cao hơn nữa đối với loại tài nguyên dạng thô, ngược lại, đánh thuế suất thấp hơn đối với tài nguyên dạng tinh hoặc đã chế biến.
Mặc dù những quy định của thuế tài nguyên về lý thuyết là có tác động tích cực nhất trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên
thiên nhiên, tuy nhiên, nếu việc quản lý không hiệu quả thì mục tiêu tốt đẹp của thuế tài nguyên cũng không thể thực hiện được.
Nghiên cứu, xây dựng thuế các bon
Về mặt dài hạn, cần có sự nghiên cứu về thuế các bon, đây là thuế đánh vào lượng khí thải CO2, từ quá trình đốt nhiên liệu chứa các bon.
Thuế các bon được kỳ vọng trở thành một sắc thuế quan trọng để giảm luồng khí thải các bon. Hiện nay, ngày càng có nhiều quốc gia coi sắc thuế này là giải pháp quan trọng chống lại ô nhiễm môi trường nói chung và
biến đổi khí hậu nói riêng đang đe dọa sự sống của con người và hệ sinh vật tự nhiên trên trái đất.
Thuế các bon là sắc thuế mới, nước ta chưa có kinh nghiệm, nhưng không thể đứng ngoài cuộc trong cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường có tính toàn cầu hiện nay. Thuế các bon là công cụ để điều chỉnh các chi phí ngoại ứng nhằm nội hóa các chi phí ngoại ứng tiêu cực trên phạm vi toàn cầu liên quan đến các khí thải CO2 vào chi phí sản xuất.
Thuế các bon là một trong những công cụ để giảm lượng khí thải CO2một cách hiệu quả. Việc đánh thuế các bon vào các chất đốt sẽ khuyến khích việc tìm ra các nguồn năng lượng thay thế không phát thải hoặc phát thải ít.