Cũng tại phiên họp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2009 và chương trình công tác năm 2010. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường báo cáo tình hình soạn thảo và trình các dự án Luật, Pháp lệnh của Chính phủ quý IV và cả năm 2009.
Ngoài ra còn có lãnh đạo các Bộ Nội vụ, Ngoại giao, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo về công tác cải cách hành chính năm 2009; thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam và công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Theo TTXVN, 30 ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ và đại biểu tham dự kỳ họp đều cơ bản nhất trí với các báo cáo, nhất là những kết quả nổi bật đã đạt được và những khuyết điểm, yếu kém trên các lĩnh vực trong năm 2009.
Năm qua, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ đã bám sát diễn biến, đánh giá đúng tình hình, xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ, chuyển hướng kịp thời, quyết sách nhanh nhạy; trên cơ sở đó chỉ đạo, điều hành một cách tập trung, quyết liệt, liên tục, cụ thể, ứng biến và sáng tạo. Kết quả là đã sớm thực hiện được mục tiêu ngăn chặn suy giảm, khôi phục đà tăng trưởng và là một trong số ít nước có mức tăng trưởng khá cao trên thế giới; kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ vững; an sinh xã hội được bảo đảm tốt hơn.
Năm 2009, tăng trưởng GDP ước tăng 5,32%, vượt chỉ tiêu điều chỉnh đã được Quốc hội thông qua.
Trong đó, sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 5,52%; dịch vụ tăng khoảng 6,63%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,83%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 41% GDP; giá cả thị trường tương đối ổn định, với chỉ số CPI tăng 6,88% so với năm 2008; và tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động.
Đến hết năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống còn khoảng 12,3%.
|
Bên cạnh những thành công đạt được, các thành viên Chính phủ nghiêm túc nhìn nhận, phân tích, đánh giá những hạn chế trong chỉ đạo, điều hành kinh tế, xã hội như: Một số chính sách chậm đi vào cuộc sống, hiệu quả thấp. Phản ứng chính sách chưa nhanh trong việc điều hành tỷ giá, lãi suất, quản lý thị trường ngoại hối, thị trường vàng, bất động sản.
Một số vấn đề tồn tại kéo dài, chưa giải quyết như tình trạng ô nhiễm môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; tai nạn giao thông, ùn tắc ngày trầm trọng; quá tải của các bệnh viện; dịch bệnh lây lan trên diện rộng; tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra…
TTXVN cũng cho biết, năm 2010, Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội, với tư tưởng chủ đạo là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, trên cơ sở đó bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao hơn cả về số lượng và chất lượng; đồng thời ngăn ngừa lạm phát cao trở lại; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2009; Tập trung mọi nỗ lực thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp với giá trị gia tăng cao hơn./.
T.Nam
(Tổ Quốc, 6/1/2010)