Trong tác phẩm Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết:
"Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là Đạp Thanh
Gần xa nô nức yến oanh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân".
Thanh minh nghĩa là trong sáng, màu xanh của cỏ cây trải ra mướt mát giữa tiết cuối xuân sang hạ. Lòng người cũng thanh thản mà giao hòa cùng trời đất. Trước cảnh sinh sôi tràn trề của tạo hóa, người ta chọn ngày đẹp nhất trong tháng ba là ngày Thanh minh để đi tảo mộ và du xuân. Tự ngàn xưa con người ta sống thật nghĩa tình.
Mỗi năm đến ngày Thanh minh là tôi lại cùng các anh chị hẹn nhau về làng để tảo mộ, thắp hương tưởng nhớ ông bà, cha mẹ. Trong ngày ấy anh chị em, con cháu lại được đoàn tụ đầy đủ. Con đường ra nghĩa trang, từ sáng sớm đến cuối chiều người xe tấp nập, hoa tươi đủ màu sắc. Ánh lửa hóa vàng bập bùng và khói hương ngào ngạt lan tỏa cả một vùng. Ở đây tôi được gặp lại những người quen từ các tỉnh xa cũng về quê tảo mộ. Nghĩa trang ngày Thanh minh như được mới lên, những nấm mộ úa vàng nay đã xanh non màu cỏ.
Sau khi đi tảo mộ về, mọi người quây quần bên mâm cỗ chiều Thanh minh, ôn lại từng kỷ niệm của một thời đã qua. Chị dâu trưởng của tôi khuôn mặt còn đọng những giọt mồ hôi nhưng nụ cười thì đôn hậu. Chị nói, chỉ những ngày này mới nhớ về cha mẹ được nhiều. Các món ăn mà ngày xưa các cụ ưa thích, chị vẫn nhớ làm và dâng lên ban thờ.
Trong ngày Thanh minh cũng là dịp được thăm viếng làng xóm, họ hàng. Được ngắm cảnh quê hương sau bao biến cố, bao đổi thay của cuộc sống. Được thả bước trên những con đường mà nhớ về bao kỷ niệm của làng, của những buồn vui một thời tuổi trẻ.
Ngày Thanh minh làm quên đi những bon chen, bức xúc của đời thường. Ta tâm niệm một tình cảm chân thành nhớ người đã khuất và sống tốt với người đang sống cho lòng thanh thản cùng trời đất sáng trong.