|
2 thân cây (bìa trái) thuộc cây thị Bẩy chồi đã chết khô, 2 thân bên phải còn sống. Ảnh: Giang Chinh
|
Cây thị nghìn năm tuổi ở Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng) nằm trong quần thể cây di sản Việt Nam đang nguy cơ chết khô.
Ông Nguyễn Khắc Thắng ở tổ 5, phường Ngọc Xuyên (quận Đồ Sơn) - chủ sở hữu cây thị cho hay, người dân địa phương quen gọi đây là “cụ thị" Bẩy chồi, tuy nhiên qua thời gian thì cây này còn bốn chồi, và gần đây thêm hai chồi chết khô, 2 chồi còn sống.
"Tôi rất lo lắng vì trên 2 chồi còn sống thì lá ngả vàng, kiểu như thiếu dinh dưỡng. Cây thị này đã quá già cỗi, lại trơ gốc rễ nên nguy cơ chết khô là rất lớn nếu không được chăm sóc đặc biệt", ông Thắng nói.
Theo ông, người dân địa phương mong cả quần thể cây di sản trong đó có cây thị nghìn năm sống khoẻ để thu hút du khách, tuy nhiên họ đang lúng túng chưa biết dùng biện pháp gì để giữ phần còn lại của cây xanh tươi. Trong khi đó, chính quyền sở tại cũng chưa có biện pháp hỗ trợ.
"Trước đây gia đình tôi có một cây thị lâu năm ở cạnh cây Bẩy chồi, nhưng đeo biển cây di sản được 2 tháng thì cây bất ngờ chết khô, đổ rạp xuống”, ông Thắng chia sẻ.
|
Bên trong 2 thân còn sống của cây thị Bảy chồi đã bị mục rỗng. Ảnh: Giang Chinh
|
Ông Đỗ Văn Viết - Trưởng Phòng Du lịch Văn hóa Thể thao quận Đồ Sơn, cho hay hiện quận chưa bố trí được kinh phí nên "muốn hỗ trợ người dân chăm sóc cây cũng đành chịu".
Ông Viết cho biết, năm 2014, 17 cây thị cổ thụ ở địa phương được Hội bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là quần thể cây di sản Việt Nam. Lúc bấy giờ do tất cả rặng cây này đều nằm trong vườn các hộ dân, nên nhà chức trách để cho mỗi gia đình tự chăm sóc.
|
Mặc dù thân già, nhiều chỗ mục rỗng nhưng cây thị Bẩy chồi vẫn cho nhiều trái. Ảnh: Giang Chinh
|
Rặng cây thị cổ thụ nằm bên sườn núi Ngọc, phường Ngọc Xuyên. Mỗi cây đều có một hình dáng riêng và được đặt một cái tên gần gũi với đời sống của người dân như: Bài, Khe, Bà Vải, Búp, Cộc, Gồ, Tai Hồng, Óng, Tay Úp...
Cây thị Bẩy chồi có tuổi đời lớn nhất với khoảng một nghìn năm tuổi. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, du kích địa phương đã đào một căn hầm bí mật dưới gốc cây này.